Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nóng việc giao đất, rừng và tổ chức lễ hội

Khánh Khoa| 12/06/2010 06:55

(HNM) - Ngày 11-6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn tại hội trường. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã đăng đàn.

>> Toàn cảnh Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Ảnh: Viết Thành


Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Giao đất trồng rừng có sơ suất, lỗi chủ yếu do địa phương
Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát "nóng" bởi vấn đề giao đất, rừng cho doanh nghiệp nước ngoài. Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, các dự án giao đất trồng rừng cho doanh nghiệp nước ngoài, mặc dù có giấy phép đầu tư nhưng không có nghĩa là hơn 305.000ha đất, rừng đã được giao. Ở đây, địa phương có thiếu sót là khi cấp giấy phép đầu tư chỉ căn cứ khảo sát sơ bộ nên có nơi giao cả đất đã có dự án, đã được giao cho các hộ dân... Bộ NN&PTNT cũng không được các địa phương hỏi ý kiến khi giao đất. Không hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, ĐB Nguyễn Văn Tuyết tiếp tục chất vấn, đối với diện tích đất chưa giao sẽ giải quyết như thế nào? ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) nêu câu hỏi, Bộ trưởng đánh giá trách nhiệm của cán bộ địa phương đã cấp đất cho doanh nghiệp nước ngoài, nhất là khu vực biên giới như thế nào? Nếu làm chưa đúng, Bộ trưởng đề xuất xử lý ra sao?

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Quang Bình trao đổi lại, số liệu Bộ trưởng nêu chưa chính xác. Sau khi có dư luận, Ủy ban đã khảo sát và nắm được có tới 19 dự án được cấp phép tại 18 tỉnh, trong khi Bộ NN&PTNT cho biết chỉ có 10 tỉnh. Tổng diện tích đất, rừng giao cho doanh nghiệp lên tới 398.000ha chứ không phải 305.000ha. Hiện các tỉnh đã giao hơn 33.000ha, trong thời hạn 50 năm. Ủy ban cũng xác định hầu hết diện tích đất, rừng giao cho dự án nằm trong khu vực trọng yếu, có nơi là rừng phòng hộ đầu nguồn. Ủy ban đã đề nghị không cấp phép đầu tư mới, không tiếp tục giao đất, rừng và nghiên cứu hướng xử lý hơn 33.000ha đất, rừng đã giao; đồng thời xem xét việc phân cấp quản lý cho địa phương và có biện pháp kiểm tra chặt chẽ.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, qua kiểm tra cho thấy địa phương chấp hành đúng quy định pháp luật, song còn một số sơ suất như đã nêu, Bộ đã yêu cầu UBND các tỉnh kiểm điểm trách nhiệm đơn vị tham mưu cho tỉnh cấp phép đầu tư. Còn việc sửa đổi chính sách, cụ thể thế nào, sau khi kiểm tra sẽ cân nhắc kỹ trên mọi khía cạnh.

ĐB Nguyễn Đình Xuân đặt vấn đề, diện tích đất, rừng cho thuê gần 400 nghìn héc ta, bằng diện tích của tỉnh Tây Ninh mà Bộ không biết, như vậy trách nhiệm "tổng tư lệnh" trong quản lý ngành tới đâu? Quy định rừng dưới 100m3 gỗ là rừng nghèo và kể cả rừng giàu nằm xen với rừng nghèo vẫn được chặt để trồng cao su, căn cứ khoa học nào, căn cứ pháp luật nào? Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời: Trong trường hợp này, các địa phương được phân cấp và cho thuê đất, chứ không cho thuê rừng. Vì thế các địa phương không hỏi ý kiến Bộ. Chỉ khi có dư luận và được Thủ tướng Chính phủ giao thì Bộ tiến hành điều tra. Bộ thấy có trách nhiệm cùng với các thành viên Chính phủ khác trước các vấn đề có liên quan của đất nước. Còn việc cho khai thác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Bộ NN&PTNT luôn bám theo các quy định của luật pháp để hướng dẫn và giám sát các địa phương thực hiện. Trường hợp cụ thể quy định bao nhiêu mét khối gỗ thì được gọi là rừng nghèo, bao nhiêu thì được gọi là rừng nghèo kiệt, đã có hội đồng khoa học chứ không phải ý chí chủ quan của Bộ trưởng. Bộ thực hiện nghiêm túc theo trình tự luật pháp, nếu có điểm gì không đúng luật pháp, lãnh đạo Bộ xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh: Đúng là có thương mại hóa, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức lễ hội
Phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến quản lý lễ hội, tác động của văn hóa độc hại tới lối sống của thanh, thiếu niên, tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường... ĐB Nguyễn Phụ Đông (Bắc Ninh) hỏi: Phải chăng phim ảnh bạo lực, trò chơi bạo lực đã dẫn đến tình trạng phạm tội ở thanh, thiếu niên? ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) chất vấn: Bộ trưởng đã ban hành bao nhiêu văn bản quản lý và đã xử lý bao nhiêu trường hợp vi phạm trong hoạt động văn hóa? Trả lời câu hỏi của ĐB, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận, đã có những tác động tiêu cực của quá trình hội nhập đến lối sống của giới trẻ, làm vẩn đục môi trường văn hóa. Ngoài ra, tuyên truyền giáo dục chưa tốt, văn bản pháp quy chưa chặt. Bộ trưởng cho biết, để giải quyết cần tăng cường giáo dục nhận thức từ gia đình đến nhà trường và xã hội, đi đôi với tăng cường kiểm tra ngăn chặn ấn phẩm độc hại.

Làm rõ thêm vấn đề, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết, trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã đồng loạt kiểm tra các tụ điểm game online, phạt hành chính hơn 152 triệu đồng. Từ nay đến tháng 7-2010, Bộ cố gắng hoàn thành việc kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ game online. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhận định, hành vi bạo lực trong học sinh chủ yếu là do trò chơi trên mạng. Khảo sát trên 1.000 học sinh ở 5 thành phố lớn cho thấy, 77% chơi trò chơi bạo lực, 9% trò chơi liên quan đến cờ bạc, 14% là bóng đá, đua xe... Khoảng 2/3 học sinh tiểu học chơi ít nhất 1 lần/tuần; 81% học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, 75% sinh viên đại học chơi game online.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh. Ảnh: Viết Thành


Về lễ hội, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết chi phí dành cho lễ hội là bao nhiêu? Trách nhiệm của Bộ như thế nào khi dư luận cho rằng lễ hội tràn lan, mang tính phô trương, mê tín? ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) hỏi: Bộ trưởng có biết việc doanh nghiệp dung tục hóa lễ hội bằng các hình thức quảng cáo, lập kỷ lục "cái gì cũng nhất"? Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận có tình trạng thương mại hóa, lãng phí trong tổ chức lễ hội. Các mặt tiêu cực của lễ hội, Bộ đã có văn bản quy định, địa phương có ban quản lý, ban tổ chức, nhưng vẫn diễn ra là do cán bộ chưa làm tròn trách nhiệm. Ví dụ như câu chuyện chai rượu tại lễ hội Đền Hùng, Bộ đã chỉ đạo dẹp ngay, vì đây là hình thức quảng cáo trá hình, nhưng rất tiếc là việc diễn ra rồi. Vì vậy, bên cạnh Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, các địa phương phải chủ động, các đoàn ĐBQH cũng tăng cường giám sát, lên án các việc làm sai trái. Ngành sẽ tham mưu mạnh hơn, quản lý chặt chẽ hơn nữa lĩnh vực này.

ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị): Bộ NN&PTNT chưa phát huy được vai trò quản lý nhà nước

Nhiều ĐBQH hỏi đi, hỏi lại cho thấy, Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời chưa thật sự thỏa mãn được các chất vấn của ĐBQH. Nhiều vấn đề quan trọng như giao đất rừng cho các doanh nghiệp nước ngoài… theo tôi Bộ trưởng chưa trả lời một cách đầy đủ. Bộ NN&PTNT chưa phát huy được vai trò quản lý nhà nước để cho các tỉnh cấp hoặc cho thuê đất rừng đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội): Cần nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân khi phê duyệt cấp phép giao rừng
Tôi chưa thỏa mãn với cách trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát. Tuy nhiên, vì thời gian không còn nhiều, nên có những vấn đề còn thắc mắc tôi sẽ trao đổi riêng với Bộ trưởng. Thực ra, tôi muốn nhấn mạnh tới trách nhiệm cá nhân và ý thức chính trị của các cán bộ đối với việc xem xét phê duyệt cấp giấy phép đầu tư đối với dạng đất rừng ở khu vực biên giới.

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương): Phân cấp trách nhiệm nhưng thiếu kiểm tra, dễ dẫn đến biến tướng
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nắm được tình hình, thấy rõ những mặt chưa được, nguyên nhân và cũng đã bước đầu đưa ra biện pháp khắc phục tồn tại trong vấn nạn biến tướng lễ hội hiện nay. Tuy nhiên, có những mặt Bộ trưởng đi sâu hơn, thì sẽ thấy trong phương thức quản lý lễ hội của chúng ta hiện nay còn nhiều sơ hở. Bộ trưởng nói phân cấp trách nhiệm rồi, nhưng lại thiếu kiểm tra để cấp quản lý lễ hội của địa phương buông lỏng dẫn đến những biến tướng thì Bộ lại không nắm được và không ngăn chặn được kịp thời. Nếu không có biện pháp điều chỉnh, thì tình trạng trên sẽ tiếp tục tái diễn trong những kỳ lễ hội tới.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội): Cần thấy rõ vai trò "nhạc trưởng" trong quản lý, điều hành
Tôi chưa hài lòng với cách trả lời chất vấn của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh. Bộ phải thể hiện vai trò "nhạc trưởng" trong điều hành, quản lý lễ hội, hướng dẫn các địa phương kiên quyết không để xảy ra tình trạng biến tướng trong tổ chức lễ hội. Các địa phương cũng cần rút kinh nghiệm và chấn chỉnh chứ như một số lễ hội được tổ chức vừa qua là không thể chấp nhận được!

Gia Khánh
(ghi)
Bà Phạm Thị Định, xã Hồng Hà, Đan Phượng: Khẩn trương ngăn chặn tình trạng phân bón giả

Thời gian gần đây, hàng nghìn hộ dân đã phải "ngậm quả đắng" khi mua phải phân bón, thuốc trừ sâu giả. Nhưng tiếc rằng, Bộ NN&PTNT chưa thường xuyên kiểm tra, chưa nghiêm khắc xử phạt và công bố danh sách các doanh nghiệp buôn bán phân bón, thuốc trừ sâu giả. Về thiếu sót này, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhận trách nhiệm về phần mình vì trong một thời gian dài Bộ chưa kiểm soát được tình trạng này. Hy vọng với quyết tâm cao của Bộ NN&PTNT, vấn nạn phân bón, thuốc trừ sâu giả sớm được giải quyết, giúp nông dân yên tâm sản xuất.

Ông Bùi Văn Phái, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai: Trả lời còn chung chung
Tôi chưa đồng ý khi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nói "Việc xem xét cho thuê đất, chấp thuận dự án đầu tư trong lĩnh vực lâm nghiệp thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh, các bộ chỉ có ý kiến khi địa phương yêu cầu". Nếu trả lời như vậy quá chung chung, như vậy bộ, ngành, hay cấp nào phải chịu trách nhiệm khi cấp phép đầu tư cho những dự án trồng rừng liên quan đến quốc phòng an ninh, rừng tự nhiên? Vấn đề chúng tôi quan tâm nhất lúc này là Bộ trưởng có biện pháp gì xử lý các dự án?

Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế: Nên hạn chế dùng tiền ngân sách để tổ chức lễ hội
Tôi cho rằng, dư luận xã hội lên án việc nước ta lãng phí tiền để tổ chức lễ hội là có cơ sở, bởi lễ hội diễn ra với tần suất khá lớn ở các địa phương, nhất là dịp đầu xuân. Tuy nhiên, việc tổ chức lễ hội là cần thiết, vấn đề là chúng ta không nên dùng quá nhiều tiền ngân sách để tổ chức lễ hội, mà nên để cộng đồng được trực tiếp tham gia, sáng tạo và hưởng lợi từ những lễ hội đó. Các cơ quan nhà nước chỉ làm nhiệm vụ hướng dẫn, đôn đốc và quản lý để các lễ hội diễn ra đúng mục đích, ý nghĩa mà thôi.

Ông Vũ Đức Ninh, thôn Vân Gia, xã Trung Hưng, thị xã Sơn Tây: Không nên cấp phép cho các lễ hội có nội dung trùng nhau
Chúng ta thử nghĩ xem, nếu đời sống văn hóa tinh thần hiện nay mà không có lễ hội thì sẽ như thế nào? Phải thấy rằng mỗi lễ hội đều có những giá trị, ý nghĩa riêng của nó, quan trọng là các cơ quan hữu quan và người dân phải hiểu rõ giá trị, ý nghĩa của từng lễ hội để có cách thức tổ chức cho hợp lý cả về quy mô, tính chất, thời gian và chi phí. Theo tôi, những lễ hội mà nội dung của nó nhàm chán, lặp lại hoặc na ná như nhau thì kiên quyết không cấp phép tổ chức, nếu địa phương nào cố tình tổ chức thì phải chịu trách nhiệm.

Thu Hằng, Minh Ngọc(ghi)
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nóng việc giao đất, rừng và tổ chức lễ hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.