(HNM) - Từ nay đến năm 2020, ngành trồng trọt phấn đấu giảm 30% chi phí về giống, thủy lợi, thuốc bảo vệ thực vật, 50% chi phí phân bón… và tăng đều giá trị cây trồng qua các năm.
Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi phải tái cơ cấu tổng thể ngành trồng trọt. Tuy nhiên, khi triển khai xây dựng đề án các địa phương gặp nhiều vướng mắc như: Nhận thức của nông dân còn tư duy kiểu cũ, nguồn vốn đầu tư nhà nước có hạn, đầu ra sản phẩm bấp bênh… Đây là những nội dung được thảo luận kỹ tại hội nghị triển khai đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt do Bộ NN&PTNT tổ chức ngày 23-9.
Trồng su hào trái vụ tại xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai) cho hiệu quả cao. Ảnh: Duy Kiên |
Khó nhân rộng mô hình sản xuất nông phẩm hàng hóa
Ông Ngô Xuân Quảng, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong trồng trọt có 9 lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Chuyển đổi cơ cấu cây trồng; nghiên cứu giống; áp dụng rộng rãi công nghệ tưới tiên tiến; cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch; đẩy mạnh chế biến, bảo quản; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với thị trường xuất khẩu; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị; đổi mới thể chế chính sách; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trồng trọt. Trong đó, tập trung vào tái cơ cấu một số sản phẩm chủ lực như lúa gạo thông qua việc liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Hiện nay, 13 tỉnh Nam bộ đã xây dựng 369 mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 120.500ha, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng đã xây dựng được 1.256 mô hình với diện tích 35.518ha. Năm 2014, cả nước tiếp tục mở rộng hàng trăm nghìn hécta. Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, năm 2013, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi được 87.310ha gieo trồng, các tỉnh phía Bắc có hàng chục nghìn hécta đất lúa được chuyển đổi sang trồng màu, cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2014, các địa phương tiếp tục thực hiện chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hoặc chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đối với cây cà phê đã phê duyệt được 13 nghìn hécta…
Tuy nhiên, trong khi triển khai đề án tái cơ cấu, ngành trồng trọt còn nhiều khó khăn như: Nhiều địa phương, đơn vị, doanh nghiệp chưa xây dựng đề án, kế hoạch tái cơ cấu đối với từng sản phẩm chủ lực. Tổ chức triển khai trong thực tế còn chậm, chưa quyết liệt nên chưa có kết quả trong thực tiễn sản xuất. Nguyên nhân là do nhận thức về sự cần thiết phải tái cơ cấu nông nghiệp nói chung và lĩnh vực trồng trọt nói riêng chưa có sự thống nhất từ trung ương đến cơ sở. Một số đơn vị chưa nắm vững mục đích, định hướng, nội dung, giải pháp của tái cơ cấu nên còn lúng túng trong việc xây dựng đề án, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện. Tư duy sản xuất của người dân còn lạc hậu và thiên về số lượng, tài nguyên đất nước bị lãng phí, lạm dụng hóa chất. Việc sản xuất còn nhỏ le, thiếu liên kết, thiếu hội nhập quốc tế, ít quan tâm đến tính bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Nguồn vốn đầu tư của Nhà nước có hạn, đầu tư của doanh nghiệp hạn chế không đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu, nhất là nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như giao thông, thủy lợi nội đồng. Thực tế, thị trường tiêu thụ đang là trở ngại lớn nhất cho việc chuyển đổi, mở rộng quy mô sản xuất. Tuy đã xây dựng mô hình sản xuất thành công nhưng khó nhân rộng ra sản xuất lớn. Khoa học công nghệ chưa có nhiều đột phá, việc đưa giống mới, tiến bộ kỹ thuật mới chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản. Quản lý nhà nước về chất lượng giống, phân bón, thuốc BVTV còn hạn chế, yếu kém. Chính sách hỗ trợ tái cơ cấu chưa hoàn thiện, nhiều địa phương thiếu kinh phí thực hiện.
Lựa chọn các sản phẩm có lợi thế
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc cho rằng: Hiện nay, Hà Nội chú trọng vào một số cây trồng chủ lực như: Lúa, cây ăn quả, chè, rau… Khi triển khai đề án tái cơ cấu cần tập trung phối hợp giữa tất cả các khâu, từ giống, thủy lợi, phân bón, thuốc BVTV, quản lý dịch bệnh, đến khâu thu hoạch, bảo quản, đặc biệt là khoa học kỹ thuật. Để đạt được mục tiêu của đề án với giá trị đạt 120 triệu đồng/ha, diện tích liên kết, sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn phải chiếm 50%; tỷ lệ giống xác nhận phải chiếm 75%. Sản xuất phải áp dụng quy trình VietGap, 3 giảm 3 tăng… nhằm đạt năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành, giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường; sử dụng giống kháng bệnh... Nhà nước cần có những chính sách về vốn để hỗ trợ cho các địa phương triển khai xây dựng các mô hình sản xuất hàng hóa chất lượng cao ở một vùng cụ thể sau đó nhân rộng. Ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào trồng trọt để mang lại giá trị kinh tế cao.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng: Cái đích cuối cùng của đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt chính là nông dân phải được hưởng lợi. Việt Nam hiện vẫn là nước sử dụng nước, phân bón, thuốc BVTV lãng phí hàng đầu trên thế giới. Do đó, trong thời gian tới để việc tái cơ cấu ngành đạt kết quả cao, các đơn vị của ngành cần phối hợp với các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp và nông dân về tái cơ cấu nhằm tạo sự chuyển biến. Các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án tái cơ cấu các sản phẩm trồng trọt chủ lực nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập cho nông dân. Trong đó, lựa chọn sản phẩm có lợi thế, tìm kiếm thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật, khả năng cạnh tranh cao để khi áp dụng vào thực tế sẽ mang lại hiệu quả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.