Kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới là 31.910 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố 17.805 tỷ đồng (HNM) - Sáng 21-4, HĐND TP Hà Nội đã thảo luận và ra nghị quyết thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, định hướng đến 2030. 112/116 (chiếm 96,6%) đại biểu có mặt tán thành đề án.
* Kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới là 31.910 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố 17.805 tỷ đồng
(HNM) - Sáng 21-4, HĐND TP Hà Nội đã thảo luận và ra nghị quyết thông qua Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, định hướng đến 2030. 112/116 (chiếm 96,6%) đại biểu có mặt tán thành đề án.
Các huyện nghèo sẽ được thành phố đầu tư nhiều hơn, đến năm 2030, 100% số xã của Hà Nội sẽ đạt chuẩn NTM. Ảnh: Hồng Duyên |
Nhiều chỉ tiêu phải tiếp tục điều chỉnh
Đề án về NTM đã được HĐND thông qua, mặc dù một số ý kiến cho rằng một số nội dung trong đề án cần được điều chỉnh cho phù hợp. Ông Nguyễn Đức Toàn (Ban Văn hóa - Xã hội - HĐND TP) cho rằng: Đối chiếu với 19 tiêu chí quốc gia về NTM, điểm xuất phát của Hà Nội không cao. Hiện Hà Nội mới có 1/19 tiêu chí đạt chuẩn; 10 tiêu chí cơ bản đạt, 8 tiêu chí chưa đạt (trong đó có những tiêu chí mới đạt 25%). Hà Nội còn 34,41% số xã chưa có quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu; 81,39% số xã chưa có quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, môi trường… Do đó, mục tiêu đến năm 2012 hoàn thành việc lập, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nông thôn khó hoàn thành. Thu nhập đầu người của xã đạt NTM theo quy định phải cao hơn 1,5 lần mức bình quân chung của thành phố (khoảng 15-16 triệu đồng/người/năm) trong khi thu nhập hiện nay là 11,26 triệu đồng/người/năm... Từ những thách thức trên, mục tiêu 40-45% số xã hoàn thành NTM vào năm 2015 là rất khó.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (Ban Pháp chế - HĐND TP) lại băn khoăn về kinh phí cho xây dựng NTM: Với gần 32.000 tỷ đồng, nếu chia đều cho 401 xã, trung bình mỗi xã khoảng 80 tỷ đồng. Số tiền trên là quá ít, nếu đầu tư mọi việc sẽ dở dang. Chung nhận định, ông Đinh Mạnh Tuân, Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ cho rằng: Kinh nghiệm của xã Thụy Hương, địa phương làm điểm NTM cho thấy, mặc dù có 60-70% tiêu chí đạt yêu cầu, nhưng để hoàn thành xây dựng NTM cũng cần trên 100 tỷ đồng. Theo ông Lê Quang Nhuệ, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP, đặt mục tiêu đến năm 2015 có 40 - 45% số xã đạt chuẩn NTM là không khả thi. Chỉ nên ở mức 30-35% là vừa. Không thể vì cần vốn cho NTM mà rút vốn của chương trình mục tiêu khác.
Ưu tiên xã nghèo
Nông thôn Hà Nội được phân chia thành 3 vùng rõ rệt: Vùng nông thôn ven đô, đồng bằng và miền núi. Ở các vùng đang có sự chênh lệch về trình độ dân trí và cơ sở hạ tầng... Do đó, cần xác định hiện trạng hạ tầng cơ sở, mức sống của nhân dân giữa các vùng, khu vực nông thôn khác nhau làm cơ sở phân bổ vốn đầu tư hợp lý. Theo ông Hoàng Thanh Vân, Bí thư Huyện ủy Ba Vì, đề án NTM của thành phố cần phân cấp nguồn vốn, cơ chế, chính sách tạo nguồn vốn rõ ràng. Định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phải gắn với áp dụng khoa học công nghệ và việc chuyển đổi cần được đầu tư đích đáng hơn. Cần xác định những vấn đề gì ở nông thôn mà nông dân không làm được, Nhà nước phải đầu tư như đường giao thông liên xã, liên huyện; thủy lợi; trạm điện... Cần có cơ chế đặc thù ưu tiên cho những khu vực khó khăn.
Đại biểu Bùi Thị An, quận Hai Bà Trưng cho rằng, kết quả rà soát hiện trạng nông thôn so với 19 tiêu chí cần phải thực tế hơn, tránh chạy theo hình thức. Nhiều tiêu chí dù đạt nhưng không hiệu quả như nhà văn hóa rất ít người đến. Năm 1998, Hà Nội đã đạt chuẩn về y tế nhưng hiện nay, nhiều xã đạt chuẩn không còn chuẩn nữa do cơ sở vật chất đã xuống cấp nhiều. Việc bố trí ngân sách cho NTM phải đầu tư nhiều hơn cho huyện nghèo.
Ông Trịnh Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội giải thích thêm: Khu vực nông thôn Hà Nội rất rộng, địa hình đa dạng, phức tạp. Tuy nhiên, nông thôn Hà Nội cũng có nhiều lợi thế, đặc biệt là 7 huyện ven đô như Hoài Đức, Thanh Trì, Từ Liêm, Đan Phượng... đời sống nhân dân cao, chỉ cần đầu tư thêm một chút là có thể đạt tiêu chí về NTM. Đối với các huyện nghèo, cần được đầu tư nhiều hơn. Tiếp thu ý kiến các đại biểu HĐND, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng: Xây dựng NTM là vấn đề rất lớn, do đó không thể nôn nóng. Mục tiêu phấn đấu xây dựng NTM cũng như ngân sách phải cân đối tính toán, điều chỉnh thật kỹ lưỡng. TP sẽ sớm xem xét, điều chỉnh phù hợp để báo cáo HĐND.
Theo Đề án xây dựng NTM TP Hà Nội, đến năm 2030, 100% số xã của Hà Nội sẽ đạt chuẩn NTM. Trong đó, giai đoạn 2010-2015, có 40-45% số xã đạt chuẩn, giai đoạn 2016-2020, 40-45% số xã đạt chuẩn và đến năm 2030, 10-20% các xã còn lại đạt chuẩn. Tổng nguồn vốn đầu tư cho NTM là hơn 31.910 tỷ đồng, trong đó, vốn từ ngân sách và có nguồn gốc từ ngân sách là 17.805 tỷ đồng (chiếm 55,8%), vốn doanh nghiệp đóng góp là 1.439 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp là 5.711 tỷ đồng, vốn xã hội hóa là 985 tỷ đồng và các nguồn khác là 5.967 tỷ đồng. Số tiền trên đầu tư vào các công việc rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch xây dựng NTM; xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; tổ chức sản xuất; văn hóa - xã hội và môi trường; củng cố, nâng cao chất lượng và vai trò của các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.