Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Nóng" vấn đề nợ công và quản lý giá thuốc

T.Hương| 11/06/2014 07:44

(HNMO) - Sáng nay 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn xung quanh vấn đề về nợ công, bội chi… Còn người đứng đầu Bộ Y tế mong muốn Bộ không phải quản lý giá thuốc vì như thế là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Tiếp phiên chất vấn hôm qua, sáng nay 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề về nợ công, bội chi… Cùng trả lời trong phiên chất vấn còn có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong đó người đứng đầu Bộ Y tế mong muốn Bộ không phải quản lý giá thuốc vì như thế là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.


Trả lời chất vấn của ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) về cách quản lý vốn Nhà nước trong đối tác công tư để tránh thất thoát, nhưng vẫn thu hút đối tác tham gia; giải pháp giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đứng vững phát triển ổn định sau thời gian dài suy giảm kinh tế; giải pháp chống chuyển giá đưa ra chiều qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, về việc này, Bộ có tham gia ý kiến với Bộ KH-ĐT, lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán hợp đồng, tham gia thẩm tra dự án, hướng dẫn cụ thể về chi phí dự án, thẩm tra chỉ tiêu tài chính hợp đồng; phối hợp với Bộ KH-ĐT hướng dẫn thanh tra, thẩm tra các dự án.

Thời gian qua, Bộ Tài chính có quy định cụ thể chi phí dự án của cơ quan Nhà nước,hướng dẫn thanh toán hợp đồng; tăng cường kiểm soát thanh toán của Kho bạc thanh toán Nhà nước. BTC đã từng bước hoàn thiện quản lý, khuyến khích đối tác tham gia đầu tư vào Việt Nam…

Về hỗ trợ doanh nghiệp, đã có nhiều hỗ trợ. Tuy nhiên, dự kiến thời gian tới, có thể sẽ hoàn nhanh thuế GTGT từ 100 tỷ đồng trả lên; gia hạn nộp thuế tối đa 2 năm với dự án xây dựng cơ bản nằm trong dự toán chưa được thanh toán; miễn thuế thu nhập cá nhân là người VN làm thuế cho tàu nước ngoài.

ĐB Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) thắc mắc về trách nhiệm của Bộ Tài chính trước tình trạng nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm, bởi việc cấp kinh phí theo đầu sinh viên và giáo viên và biện pháp khắc phục và việc chi sai định mức của cơ quan Trung ương

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, để khắc phục tình trạng này, chúng ta phải đổi mới quản lý tài chính cơ sở đào tạo, chuyển mạnh vào giá dịch vụ đào tạo. Đồng thời, rà soát lại mạng lưới an sinh, tức đối tượng thụ hưởng dịch vụ đạo tạo, hỗ trợ con em chính sách; thời gian tới cần nghiến cứu chuyển mạnh sang đặt hàng dịch vụ đào tạo, những ngành nghề Nhà nước cần Nhà nước trả theo dịch vụ đào tạo, trong đó có tính đến đối tượng đi học là con hộ nghèo.

Về việc sử dụng sai định mức của cơ quan Trung ương mà ĐB Ngô Thị Minh chất vấn, Bộ trưởng BTC thừa nhận việc này lâu nay vẫn diễn ra. Theo Bộ trưởng, việc này cần phải được kiểm soát mạnh hơn; đồng thời rà soát lại tiêu chuẩn định mức, quy chế, chế tài; đề cao hơn trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước.

ĐB Trương Minh Hoàng: Khả năng cân đối trả nợ công, phải đạt tăng thu NSNN 12-14%, nếu tăng thu không đạt như vậy có ảnh hưởng không?

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, đầu tiên là phải siết chặt chi tiêu để dành nguồn ngân sách thỏa đáng thực hiện trả nợ, cần có sự vào cuộc thực sự của các ngành các cấp, QH nên đưa nội dung này vào nghị quyết của QH; bằng mọi cách phải tháo gỡ khó khăn cho DN để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đặc biệt là DN ở Đồng Nai, Bình Dương và Hà Tĩnh để tạo môi trường thu hút đầu tư; phải có các giải pháp, xin đề nghị QH có giải pháp đặc biệt để huy động vốn, đặc biệt là vốn đảm bảo tái cơ cấu nợ công trong đó có kỳ hạn ngắn, chỉ 2-3 năm. Đây là nhiệm vụ trước mắt và trung hạn nhưng vẫn phải đảm bảo yêu cầu chi tiêu đầu tư phát triển, các nhiệm vụ về an sinh xã hội và quốc phòng an ninh trong tình hình mới. Chúng tôi cũng chuẩn bị các phương án dự phòng. Có nhiều giải pháp nhưng việc thực hiện phải có sự đồng thuận và nghiệm túc chấp hành.

ĐB Minh Hoàng chất vấn Bộ trưởng về khoản vay bù đắp bội chi và viêc này có vi phạm Luật Ngân sách không?

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, về khoản vay bù đắp bội chi, khoản vay trong nước thời hạn ngắn. Ngoài việc phối hợp với cơ quan chức năng, BTC đã báo cáo Chính phủ trong trường hợp cần thiết phải có giải pháp đặc biệt, đảm bảo sự ổn định an ninh tài chính. Việc này không vi phạm Luật Ngân sách Nhà nước.

Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có phần trả lời về quản lý giá thuốc.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện Việt Nam quản lý giá thuốc theo Luật Dược, gần đây là thêm Luật Giá và một số thông tư. Điểm mới của các thông tư này là phân chia giá thuốc theo nhóm đông y, y học cổ truyền, thuốc dược liệu…Nhờ đó, việc đấu thầu đã công khai hơn.

Việt Nam có hai nguồn cung thuốc lớn là thuốc chi trả theo ngân sách Nhà nước, tuân theo Luật đấu thầu; thuốc trên thị trường không thuộc Ngân sách chi trả nhưng được tổ liên ngành là Bộ Y tế, Tài chính, Công thương phối hợp quản lý theo phương thức kê giá. Do đó, việc quản lý thuốc tại Việt Nam khá chặt.

Với các biện pháp quản lý chặt chẽ, cùng với việc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” thời gian qua chi phí thuốc do bảo hiểm y tế giảm đáng kể, 25-30% trong khi trước đó Việt Nam là nước chi bảo hiểm y tế khá cao. Đồng thời với việc sử dụng thuốc nội tăng lên.

Thuốc là mặt hàng nhạy cảm nhưng hiện giá tăng chỉ đứng thứ 8, thứ 9 trong nhóm chỉ số CPI. Qua khảo sát, giá thuốc Việt Nam thấp hơn Trung Quốc 1,5-2 lần, thấp hơn Thái Lan 2-3 lần. Tốc độ tăng giá thuốc nội thấp còn tốc tăng giá thuốc ngoại giá ở mức trung bình.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc quản lý giá thuốc đã được ba Bộ là Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ quản lý. Người đứng đầu Bộ Y tế mong muốn, trong Luật Dược sửa đổi được sẽ được trình trong kỳ họp tới, Bộ Y tế không nên quản lý giá thuốc vì vừa quyết định nhập khẩu, vừa xây dựng tiêu chuẩn, sản xuất, phân phối, kê toa, vừa bán bán thuốc, hay nói cách khác là “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Mà Bộ Y tế chỉ nên làm công tác chuyên môn, trong đó tập trung phát triển công nghiệp dược trở thành mũi nhọn, tiến tới Việt Nam càng tự túc thuốc trong nước càng tốt.

•Kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ tài chính, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết, có 16 ĐB QH chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính. Bộ trưởng đã trả lời chi tiết, đầy đủ. QH đề nghị Bộ trưởng quan tâm giải quyết những vấn đề đã đặt ra.

Về vấn đề nợ công, Bộ trưởng cho biết là an toàn, trong khi có đại biểu lại lo lắng vì có dấu hiệu không an toàn. Theo Chủ tịch có thể thấy, nợ công của ta như hiện nay đang ở mức cho phép nhưng vẫn cần phải tập trung tái cơ cấu nguồn vay dành cho nợ công. Chủ tịch QH yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo các giải pháp cần thiết cho vấn đề này.

Về cân đối thu chi, chúng ta phải tiếp tục tiết kiệm chi, có sự chỉ đạo nghiêm túc phối hợp với các ngành khác. Chỉ cần thu đúng, thu đủ thì ngân sách năm nay có khả năng vượt thu. Ngành tài chính, thuế, hải quan cần tăng cường các biện pháp cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho DN nộp thuế, hỗ trợ DN làm ăn. Cùng với đó là việc tăng cường quản lý đội ngũ cán bộ ngành thuế, hải quan để có đội ngũ cán bộ chuyên sâu, trong sạch.

Về kiểm soát giá, QH hoan nghênh Bộ Tài chính đã có biện pháp cần thiết, đề nghị Bộ Tài chính và các ngành liên quan có biện pháp bình ổn thị trường, đảm bảo quyền lợi của người dân; công tác quản lý giá phải theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch.

Chủ tịch QH cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính cần bám sát tiến độ cổ phần hóa, trong đó việc định giá phải công khai minh bạch, tránh thất thoát cho Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Nóng" vấn đề nợ công và quản lý giá thuốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.