(HNM) - Thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, sáng tạo, “đổi mới tư duy”, vượt qua khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất bình thường” của thực tiễn sản xuất, kinh doanh, năm 2022, ngành Nông nghiệp đã gặt hái nhiều thành công. Từ đó, tiếp tục giữ vững vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần quan trọng ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng.
Tăng trưởng ở nhiều lĩnh vực
Về việc cơ cấu lại ngành Nông nghiệp một cách thực chất, hiệu quả, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy lợi thế từng vùng miền, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt cho biết, quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, nhiều điểm nghẽn, nút thắt được tháo gỡ, ngành Nông nghiệp đã duy trì tốc độ tăng trưởng năm 2022 là trên 3%; giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 3,33%. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành lên tới 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, góp phần quan trọng vào xuất siêu của cả nước. Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều vượt mục tiêu đề ra, cả về sản lượng và giá trị.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tập trung triển khai thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, Nghị quyết số 19-NQ/TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn... Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp nhận định, tổ chức liên kết chuỗi sản xuất - kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới; các mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được nhân rộng... Đến nay, cả nước đã xây dựng được 1.669 chuỗi cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn. Việc này từng bước khắc phục được tình trạng “được mùa mất giá”, kiểm soát được chất lượng nông sản trên thị trường.
Còn theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản, trong năm 2022, cùng với việc phối hợp với các địa phương hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi và truy xuất nguồn gốc nông sản phục vụ xuất khẩu, các cơ quan chức năng đã theo dõi sát diễn biến giá cả, cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu trong nước, đề xuất kịp thời các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản theo mùa vụ.
“Bộ NN&PTNT đã đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc; bưởi, chanh sang New Zealand; yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa, khoai lang... sang Trung Quốc và quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Mặt khác, từ việc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập quốc tế, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được duy trì, mở rộng; sản lượng, giá trị xuất khẩu tăng cao...”, ông Nguyễn Quốc Toản cho biết thêm.
Chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Bên cạnh những thuận lợi, sản xuất nông nghiệp năm 2022 cũng gặp nhiều khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, trong khi giá một số nông sản vẫn ở mức thấp đã ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người nông dân. Hoạt động xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường được đẩy mạnh, nhưng thị trường các nước phát triển luôn có những thay đổi, đòi hỏi cao về chất lượng, trong khi để người nông dân hiểu và thay đổi sản xuất theo phương thức mới, đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu cần nhiều thời gian hơn...
Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Huỳnh Tấn Đạt, Bộ đã phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, chính quyền địa phương xây dựng các chương trình tái cơ cấu, thông qua việc chọn cây trồng chủ lực, sản phẩm chủ lực có ưu thế cạnh tranh. Cùng với đó là xây dựng vùng sản xuất an toàn, tạo năng suất, chất lượng cao; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sản xuất phân bón hữu cơ để thay thế phân bón vô cơ... Qua đó, tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm với giá hợp lý.
Về phát triển thị trường tiêu thụ nông sản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản thông tin, Bộ NN&PTNT chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao... nghiên cứu, phân tích thị trường, dự báo cơ hội, thách thức cũng như đánh giá các tác động và tham mưu Thủ tướng Chính phủ có đối sách, kịch bản thích ứng với diễn biến cung - cầu nông sản trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, việc chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp không phải là câu chuyện nhất thời mà cần thay đổi tư duy phát triển, phải tư duy theo hướng tích hợp đa giá trị, tìm ra những giá trị mới. Mỗi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng không thay đổi còn khó khăn hơn nữa, ngành Nông nghiệp vẫn còn nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển... Trong năm 2023, cần linh hoạt hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh để thích ứng với những biến động thị trường ngắn và dài hạn. Ngành Nông nghiệp sẽ tập trung cơ cấu lại theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.