(HNM) - Thời gian qua, Hà Nội tiếp tục mở rộng diện tích trồng lúa Japonica chất lượng cao theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, doanh nghiệp và nông dân liên kết với nhau tạo ra chuỗi giá trị. Đây cũng là cơ sở để khắc phục cảnh "được mùa mất giá", nâng cao hiệu quả kinh tế và mở ra hướng đi mới để hạt gạo của Thủ đô vươn ra thế giới.
Những cánh đồng giá trị cao
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, ngày 21-1-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 438/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch phát triển sản xuất lúa Japonica hàng hóa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Sau một năm triển khai ở các địa phương, hiệu quả mang lại đã rõ rệt.
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Lương Hậu cho biết, vụ mùa 2019, hợp tác xã triển khai trồng lúa Japonica chất lượng cao trên diện tích 40ha. Lúa ít bị sâu bệnh, năng suất đạt trung bình 60 tạ/ha, mang lại giá trị kinh tế cao hơn 15-20% so với các giống lúa khác đang canh tác. Để bảo đảm đầu ra, hợp tác xã đã ký hợp đồng liên kết với Công ty Xuất nhập khẩu lương thực Bảo Minh bao tiêu toàn bộ sản lượng cho nông dân với giá 6.000 đồng/kg thóc.
Còn theo bà Trịnh Thị Nguyệt ở xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), trước đây người dân chỉ trồng lúa lai, lúa thuần nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2019, nông dân chuyển sang trồng giống lúa Japonica chất lượng cao theo phương thức sản xuất hữu cơ đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, cho giá trị kinh tế cao hơn từ 10 đến 16 triệu đồng/ha.
Thực hiện chủ trương của thành phố, nhiều địa phương đã tích cực chuyển đổi sang trồng lúa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho biết, đến nay huyện đã mở rộng được hơn 2.000ha gieo cấy giống lúa chất lượng cao, trong đó có nhiều diện tích lúa Japonica. Để thúc đẩy sản xuất, huyện luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất lúa gạo, bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Đánh giá về hiệu quả của việc sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, năm 2019 Hà Nội đã xây dựng được 15 mô hình sản xuất lúa Japonica tại 14 xã thuộc 7 huyện, với quy mô 865ha.
Trong đó, gồm 65ha lúa Japonica theo hướng hữu cơ, 600ha lúa Japonica theo chuẩn Việt Nam, 200ha lúa Japonica chất lượng an toàn… Từ việc thực hiện kế hoạch sản xuất, Hà Nội đã kết nối với các doanh nghiệp, thu mua lúa cho nông dân nên đầu ra thuận lợi.
Mở rộng quy mô, hướng tới xuất khẩu
Mặc dù sản xuất lúa ở Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, song đến nay, sản phẩm vẫn chủ yếu phục vụ thị trường Thủ đô và một số tỉnh lân cận; sản lượng, kim ngạch xuất khẩu gạo khá khiêm tốn.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, nguyên nhân là do việc đưa các giống lúa mới vào sản xuất ở một số địa phương còn khó khăn; việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến còn hạn chế và nông dân vẫn có thói quen canh tác cũ nên ngại chuyển sang các giống lúa chất lượng cao, đòi hỏi phương thức canh tác mới...
Để từng bước khắc phục những bất cập này, Hà Nội sẽ tiếp tục đưa các giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, phát triển 35-50 vùng trồng lúa hàng hóa chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Dự kiến, năm 2020 cơ cấu giống lúa chất lượng cao của toàn thành phố đạt hơn 55% diện tích gieo cấy.
Để thực hiện được mục tiêu trên, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Hoàng Thị Tuyết đề nghị, ngành Nông nghiệp hỗ trợ 100% giống lúa chất lượng cao trồng thí điểm. Từ hiệu quả thực tế “mắt thấy, tai nghe”, nông dân dễ học tập và nhân rộng hơn.
Là một trong những doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm lúa gạo, bà Phùng Thị Thu Hương - Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và Xuất khẩu Greenpath Việt Nam cho biết, công ty đang làm thủ tục xuất khẩu 80 tấn lúa hữu cơ giống Japonica mua của nông dân Hà Nội sang thị trường Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Để kiểm soát toàn bộ quá trình trồng lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP, hữu cơ..., công ty đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội và các địa phương, hướng dẫn người dân cải tạo đất, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; kiểm soát toàn bộ quy trình từ khâu gieo mạ đến thu hoạch...
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, năm 2020 Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục đưa giống lúa chất lượng cao Japonica vào sản xuất ở các huyện đã được quy hoạch; hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng thương hiệu gạo, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu xây dựng 3 nhãn hiệu tập thể gạo Japonica ở các vùng sản xuất lúa hàng hóa.
“Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị để kiểm soát quy trình sản xuất, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ các hợp tác xã đầu tư vào khâu chế biến, bảo quản sản phẩm. Đặc biệt, Sở NN&PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm và hướng dẫn người dân ở vùng sản xuất lúa chất lượng cao về kỹ thuật, quy trình canh tác”, ông Nguyễn Xuân Đại nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.