(HNM) - “Mặc dù Ngày thể thao Việt Nam 27-3 đã qua, nhưng báo chí chúng ta cần tiếp tục tuyên truyền về thành tựu đáng trân trọng của thể thao nước nhà. Bởi mọi người đều biết, cùng với nhiều dấu ấn chính trị, văn hóa, xã hội khác thì từ thể thao và nhờ thể thao mà bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam như một quốc gia năng động, thân thiện và hòa hiếu
Đó là lời nhắc chí tình của một cán bộ lãnh đạo cơ quan quản lý báo chí tại cuộc họp giao ban báo chí hằng tuần. Từ lời nhắc này, soi vào chuyện vui buồn của thể thao nước nhà những ngày gần đây càng thêm nhiều tâm trạng.
Thông tin gần nhất: Cầu thủ bóng rổ của tỉnh Sóc Trăng Diệp Phước Lộc vừa đột quỵ trên sân đấu sau ít phút khởi động và tử vong sau đó vì không có bác sĩ cấp cứu kịp thời. Thật là xót xa! Dẫu bóng rổ Sóc Trăng chưa phải là đội bóng lớn, nhưng cầu thủ này đã hơn 10 năm phục vụ, rồi bỗng mất mạng vì lãnh đạo đội bóng và Ban tổ chức sân đấu không quan tâm thỏa đáng việc bảo đảm an toàn sức khỏe cho cầu thủ trong thi đấu. Càng thêm tủi phận cho cầu thủ Diệp Phước Lộc khi mới ít ngày trước những người yêu thể thao trên thế giới và cả chúng ta nữa đã chứng kiến sự thần kỳ của y học thể thao xứ sở Sương mù Anh quốc khi họ cứu sống cầu thủ tiền vệ 23 tuổi người Congo Fabrice Muamba, câu lạc bộ Bolton bị đột quỵ trong trận gặp Tottenham ở Cup FA sau 78 phút chết lâm sàng.
Dân ta vốn yêu thể thao. Bằng chứng là ở mỗi điểm vui chơi công cộng, công viên, hè phố từ các đô thị, trung tâm thành phố lớn như Hồ Gươm - Hà Nội, khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng - TP Hồ Chí Minh... hay trên những sân kho, đường làng, bờ đê đầu xã... hoặc tại những trung tâm thể thao chuyên nghiệp vào mỗi buổi sáng sớm, hay chiều muộn đều thấy tấp nập người già đến trẻ nhỏ hăng hái tập thể dục, đi bộ, tập dưỡng sinh, nhảy aerobic... Với môn thể thao vua - bóng đá, người Việt Nam có lẽ đứng trong tốp đầu các quốc gia có số lượng cổ động viên đông nhất và cuồng nhiệt nhất. Người Việt Nam và nhiều bạn bè quốc tế không thể nào quên những hình ảnh, âm thanh hùng tráng, sôi động khi cả biển người trên sân vận động Mỹ Đình cùng đứng dậy, đồng thanh hát vang Quốc ca mỗi khi đội tuyển Việt Nam thi đấu ở SEA Games 22 và các trận cầu của AFF cup. Cũng thật ấn tượng và náo nức khi chứng kiến ở tất cả các đô thị lớn suốt dải đất chữ S cả vạn người đổ xuống đường ăn mừng khi đội nhà giành ngôi vô địch Đông Nam Á, tháng 12-2008. Và nay, dù thi đấu chầy chật, nhưng từ năm 2011, bóng đá nam Việt Nam đã đứng trên Thái Lan theo xếp hạng của thế giới. Không chỉ bóng đá nam, đội tuyển bóng đá nữ của Việt Nam đã nhiều kỳ giữ ngôi Hậu của khu vực, lại vừa được FIFA xếp hạng 30 thế giới trong quí I-2012 và luôn được coi là một "thế lực đáng gờm" ở Châu Á. Nhiều môn thể thao thành tích cao khác như: vật, pencatsilat, cờ vua, bơi lội, điền kinh, thể dục dụng cụ, bắn súng, đua thuyền, võ... của Việt Nam ta luôn trong tốp dẫn đầu khu vực, châu lục và cả giữ kỷ lục thế giới. Ngay tại SEA Games 26, vừa diễn ra tại Indonesia năm 2011, vị trí thứ ba toàn đoàn đã cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của thể thao Việt Nam trong đấu trường khu vực. Thành quả đó thật đáng trân trọng!
Nhưng... Lại vẫn có nhiều cái nhưng... Dẫu biết tấm huy chương nào cũng có mặt sau, nhưng sao cái "mặt sau" tấm huy chương thể thao nước nhà lại khó coi đến vậy? Trong đó, bóng đá nổi lên như là điểm nóng thường trực. Những lùm xùm xung quanh việc mua bán, chuyển nhượng cầu thủ; tổ chức rồi điều hành Giải vô địch quốc gia của môn bóng đá nam mấy năm gần đây như không có hồi kết. Mâu thuẫn giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF và các ông bầu của nhiều đội bóng mùa giải 2011 để rồi sau đó "đẻ" ra Công ty cổ phần Tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp VPF chưa dứt thì lại nổ ra vụ tranh chấp bản quyền truyền hình mùa giải 2012, đến nay chưa tìm ra lối thoát. Giải bóng đá vô địch quốc gia dù đã đi qua 12 vòng đấu, nhưng chưa thấy vòng nào yên ả. Vấn đề vi phạm khuyết điểm đến mức phải kỷ luật dài của cầu thủ, lãnh đạo đội và cả những sai sót của nhiều trọng tài luôn trở thành đề tài thường trực trên các mặt báo. Nhiều chuyện, đại loại như khiếu nại trọng tài thiên vị, bắt lỗi sai hay cầu thủ chơi xấu, ẩu đả nhau ngay trên sân, đến cầu thủ phản ứng thái quá, lãnh đội chửi mắng người cầm cân nảy mực... xảy ra ngày càng dày hơn.
Không chỉ bóng đá, tại một số môn thể thao khác, thậm chí cả những môn sắp đi dự thi Olympic thế giới cũng gặp những chuyện chẳng giống ai. Ở môn đua thuyền khi đưa quân đi tập huấn ở Australia đến ngày về thì hai VĐV bỏ trốn. Họ là hai VĐV trẻ triển vọng, Nguyễn Phương Đông, Lương Đức Toàn, vừa giành HC Đồng thuyền đôi nam tại SEA Games 26 và đang được đầu tư để chuẩn bị cho vòng loại Olympic London 2012. Hay như với chuyến tập huấn 3 tháng vừa qua tại Mỹ của kình ngư Hoàng Quý Phước mà hai HLV đi cùng lại có đánh giá ngược hẳn nhau, khiến dư luận chẳng biết tin ai và bỗng dưng phải đeo thêm nỗi lo về mâu thuẫn nội bộ đội tuyển bơi lội sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích thi đấu của VĐV trong tương lai... Tại sao lại có những chuyện như vậy? Đâu là bản chất của vấn đề? Làm thế nào để khắc phục những lùm xùm không đáng có để thể thao Việt Nam phát triển lành mạnh? Đó là những câu hỏi không dễ trả lời nhưng vẫn cần được giải đáp một cách rốt ráo.
Trở lại vấn đề chăm sóc sức khỏe VĐV. Trước chuyện không may mới vừa xảy ra với VĐV bóng rổ Sóc Trăng Diệp Phước Lộc thì thể thao Việt Nam đã từng có một số VĐV bị đột tử. Đó là Trần Thanh Ngời (judo), Đỗ Xuân Tâm (xe đạp), Trần Nam Trung (đội bóng đá Quân khu 4)... Nguyên nhân là do đòi hỏi khắt khe của thể thao thành tích cao khiến các VĐV thường phải tập luyện, thi đấu với cường độ lớn, đôi khi quá sức. Như thế đáng lẽ ra, để bù lại sự hao tổn sức lực ấy, chế độ dinh dưỡng, thuốc men, chữa trị chấn thương... cho VĐV phải được quan tâm đầy đủ, kịp thời. Đáng tiếc là đối với thể thao Việt Nam, chăm sóc y tế cho VĐV thường chỉ được đề cập tới sau khi sự cố đã xảy ra, nhưng rồi lại nhanh chóng bị lãng quên. Cái gốc của vấn đề ở đây là nguồn kinh phí dành cho hoạt động bảo đảm y học thể thao khó đáp ứng đủ khi chỉ được ngân sách cấp một phần, phần lớn còn lại từ nguồn xã hội hóa qua các nhà tài trợ! Khó nữa là đội ngũ bác sỹ chuyên khoa sâu luôn trong tình trạng vừa thiếu vừa yếu! Nhiều người vẫn cho rằng, nếu tổ chức tốt, có trong tay đội ngũ thầy thuốc giỏi và cơ sở vật chất thiết yếu... thì những chuyện đau lòng trên của thể thao nước nhà cũng bớt lặp lại.
Suy cho cùng thì con người vẫn là yếu tố quyết định. Những chuyện ầm ĩ trong làng thể thao bấy nay cũng có chung nguồn gốc như vậy. Phải chăng nguyên do là tại hầu hết VĐV thể thao của ta chưa được đào tạo một cách bài bản, khoa học mà mới chỉ do phát hiện, bồi dưỡng từ phong trào thể thao quần chúng. Do không có đào tạo, huấn luyện bài bản; chưa có sự coi trọng phối hợp thỏa đáng giữa giáo dục, rèn luyện kỹ thuật chuyên môn với văn hóa, đạo đức từ sớm... nên nhiều VĐV của ta có phông văn hóa không cao, kỹ năng sống hạn chế. Đội ngũ HLV phần nhiều trưởng thành từ VĐV, nên những hạn chế mang tính nền tảng, khó khắc phục.
Trong bối cảnh hiện nay, khi thể thao đang trên đường tiến tới chuyên nghiệp, tác động của kinh tế thị trường vào quá trình phát triển của thể thao cũng rất đáng kể. Đã qua rồi cái thời VĐV khoác áo đội tuyển quốc gia chỉ để cống hiến vì "màu cờ, sắc áo". Thời buổi kim tiền hiện nay, các ông chủ doanh nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa luôn tìm cách tận dụng sức lan tỏa của các giải đấu thể thao, danh tiếng VĐV mà tiếp thị, quảng bá thương hiệu. Đồng tiền đã kích thích thể thao phát triển mạnh mẽ hơn, nhưng cũng can thiệp chi phối, điều khiển nhiều hoạt động thể thao hơn. Thậm chí ở đâu đó, đồng tiền còn có thể tạo ra cả VĐV lẫn thành tích thể thao danh giá. Bệnh "ngôi sao", lối sống thực dụng cùng nhiều thói hư, tật xấu khác theo đó mà len lỏi, hằng ngày, hằng giờ rình rập, tấn công, hạ gục những người kém bản lĩnh và kinh nghiệm. Với những VĐV, HLV có chút "tài" dễ nảy sinh "tật" cũng là điều dễ hiểu. Chúng ta rất trọng người tài. Nhưng hãy coi trọng giáo dục văn hóa đạo đức ngang với rèn luyện thể chất và kỹ năng thi đấu cho họ; chăm lo, giúp đỡ họ về vật chất và tinh thần, đồng thời thực hiện thưởng, phạt công minh, công bằng... sẽ giúp họ phát huy hết tài năng. VĐV nào cũng muốn vào cuộc thi đấu với trái tim nhiệt huyết, hết mình, đúng tinh thần thể thao, trung thực, cao thượng để đạt thành tích cao, mang vinh quang về cho bản thân và đất nước. Vì thế, với người đạt thành tích cao, cống hiến lớn cần có cơ chế đặc biệt giúp họ phát huy tài năng. Với những trường hợp không thể cải tạo, cần kiên quyết loại bỏ để làm trong sạch nội bộ, nhất là với các môn thể thao có tính đồng đội cao như bóng đá, bóng chuyền, cầu mây... càng cần tạo lập sự đoàn kết, gắn bó trong tập thể mới mong có thành tích tốt. Đầu tư cho thể thao là nhắm đến tương lai. Do đó, rất cần được chú ý bảo đảm về cơ sở vật chất, kỹ thuật, nhất là đầu tư cho đào tạo VĐV, HLV càng cần phải quyết liệt, công bằng, khách quan, vô tư. Tức là phải với đúng tinh thần thể thao là có trái tim nóng, cái đầu lạnh và biết FairPlay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.