(HNM) - Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Ất Mùi, tại các vùng ngoại thành Hà Nội, thị trường nông sản đã bắt đầu sôi động.
Đôn đáo tìm thị trường tiêu thụ
Dạo quanh một số vườn quả, trang trại chăn nuôi và một số vùng rau cho thấy, ngoài bưởi Diễn năm nay mất mùa còn các vùng rau đều rất xanh tốt, hứa hẹn nguồn rau dồi dào. Tuy vậy, dù có mất mùa hay dồi dào thì giá các sản phẩm đều không tăng so với năm trước. Hiện bà con đã và đang tất bật thu hoạch. Có mặt ở nhiều vùng trồng cây đặc sản cam Canh, bưởi Diễn huyện Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, chúng tôi nhận thấy sản lượng cam Canh và bưởi Diễn của nhiều vùng đều giảm hơn so với năm 2013 khoảng 20-30%. Ông Nguyễn Văn Mười (nhà ở khu vực 7, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức) cho biết, với 80 gốc bưởi Diễn, năm nay gia đình chỉ thu về được hơn 4.000 quả. So với vụ bưởi 2013, sản lượng giảm chỉ còn 1/3. Không riêng gì gia đình ông Mười, theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Quế Nguyễn Như Hảo, bưởi mất mùa là tình trạng chung. Tuy nhiên, sản lượng giảm nhưng giá thành vẫn giữ nguyên so với các năm trước: Giá cam bán tại vườn 60.000 - 65.000 đồng/kg; giá bưởi khoảng 30-40 nghìn đồng/quả nên nhìn chung doanh thu của các hộ trồng bưởi thấp hơn so với mọi năm.
Chăm sóc vườn bưởi Diễn tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Văn Bộ |
Nếu như các vùng trồng cam và bưởi năm nay thất thu thì người nuôi đặc sản gà Mía ở Đường Lâm, Sơn Tây cũng đang đôn đáo tìm thị trường tiêu thụ. Anh Phan Thanh Khương, thôn Phụ Khang, xã Đường Lâm đang nuôi 2.000 con gà Mía theo phương pháp an toàn sinh học. Dự kiến, dịp Tết này trang trại sẽ cung cấp ra thị trường 3 tấn gà thịt. Anh cho biết, gà nuôi bằng cám sinh học có chất lượng tốt nhưng chậm lớn, thời gian nuôi lâu hơn. Hiện giá gà bán ra thị trường là 90.000 đồng/kg, thông thường, dịp Tết giá sẽ nhích hơn nhưng anh Khương vẫn không khỏi lo lắng bởi năm nay kinh tế khó khăn, giá cả hàng hóa có thể xuống thấp.
Trong khi đó, vụ đông năm nay rau màu phát triển tốt. Xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì có khoảng 180ha sản xuất nông nghiệp, trong đó có 60ha trồng rau. Theo Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Lưu Đình Kiểm, hiện các loại rau: Cải xoong, rau cần, rau muống… phát triển tốt, lượng rau nhiều nên giá đã hạ hơn 20% so với tháng trước. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Đặng Thị Hiền cũng nhận định, từ đầu năm đến nay không xảy ra dịch bệnh lớn trên đàn thủy sản nên hứa hẹn lượng thủy sản phục vụ Tết dồi dào.
Phân tích thị trường trong tháng 12 vừa qua và dự kiến nhu cầu nông sản trong dịp Tết Ất Mùi của Sở Công thương Hà Nội cho thấy, mặt hàng gạo không có nhiều biến động, giá các loại gạo ngon chỉ tăng nhẹ trong thời điểm giáp Tết. Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống, trong tháng 12, giá thịt lợn bán lẻ tại các chợ giảm 2,5-6% do nhu cầu sử dụng của người dân không nhiều mà chủ yếu chỉ có các doanh nghiệp chế biến thực phẩm đóng hộp phục vụ Tết. Giá thịt bò giảm 4-8% do lượng thịt bò nhập khẩu về Việt Nam nhiều với giá cả tương đương. Từ nay đến Tết là thời điểm chính vụ rau nên mặt hàng rau, củ, quả khá dồi dào, các loại rau có xu hướng giảm. Trong tháng 12-2014, giá các loại rau hạ 20-40%. Tuy nhiên, thời gian tới do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại giá rau xanh có thể có biến động tăng nhẹ.
Vẫn chuyện nông sản sạch
Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, do nền kinh tế tiếp tục gặp khó khăn nên sức mua dịp Tết Ất Mùi sẽ không tăng nhiều. Hơn nữa, hiện đặc sản các vùng miền trên cả nước khá đa dạng và đã có sự kết nối với thị trường Hà Nội nên thị trường nông sản dịp Tết khá phong phú. Vấn đề được người tiêu dùng quan tâm nhất hiện nay là nhóm các sản phẩm nông sản sạch, nông sản an toàn, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Chị Nguyễn Thị Dung (nhà ở Văn Quán, Hà Đông) cho biết, cả năm gia đình đã sử dụng các loại thịt lợn, thịt gà mua sẵn ở chợ. Ngày Tết, mong muốn được sử dụng những nông sản sạch, ngon, giá thành hạ nên chị quyết định cùng với các chị em khác trong cơ quan nhờ người thân ở quê tìm mua giúp nguồn nông sản sạch.
Hà Nội hiện có 12.000ha rau (trong đó, diện tích trồng rau an toàn khoảng 5.000ha) với 40 chủng loại, năng suất trung bình đạt 19-20 tấn/ha/vụ, sản lượng ước đạt 570.000 tấn/năm, trong đó, nhu cầu rau xanh của thành phố 2.600 tấn/ngày, tương đương 950.000 tấn/năm. Diện tích như vậy mới đáp ứng được 60% nhu cầu rau xanh, còn lại là phải nhập từ các tỉnh. Trong khi đó, rau an toàn, rau hữu cơ và các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi đáp ứng tiêu chuẩn VietGap tăng không nhiều so với các năm. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ không chỉ cho các cấp chính quyền, các ngành chức năng mà cả cho những người nông dân. Đã đến lúc người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, tuân thủ quy trình sản xuất nông sản, thực phẩm "sạch" mới có thể tiếp cận được người tiêu dùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.