Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông dân vẫn chịu thiệt

Nữ Quỳnh| 11/12/2010 06:33

(HNM) - Chuyện thứ nhất, rất hy hữu hay nói đúng hơn là lần đầu tiên được nhắc đến ở nước ta, đó là gần 100ha lúa nàng thơm Chợ Đào của nông dân ở các xã Thanh Phú, Mỹ Yên và Tân Bửu (huyện Bến Lức, Long An) cứ ôm đòng rồi nghẹn cả tháng nay không trổ bông được.

Mà nguyên nhân được các nhà khoa học khẳng định tại… dàn đèn cao áp trên đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Ánh sáng đèn đã khiến loài lúa chỉ trổ bông dịp "tháng mười chưa cười đã tối" nhầm tưởng là ban ngày mà chẳng thể đâm bông. Chưa biết rồi đây vấn đề sẽ được giải quyết ra sao, ai chịu trách nhiệm, nhưng lúc này nếu không thể tắt đèn ban đêm thì số lúa sẽ cứ mãi ở "thì con gái", nông dân cầm chắc nguy cơ thất bát.

Chuyện thứ hai đang rất thời sự và đã được "quốc tế hóa" liên quan đến con cá tra, một sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, đã có mặt ở 150 quốc gia, bỗng dưng bị quả giáng trời ơi từ một tổ chức tận bên trời Tây. Khổ thân con cá chẳng tội tình gì mà được cưỡng ép vào danh sách đỏ, còn người nuôi chúng thì như bị dội gáo nước lạnh.

Chuyện thứ ba xảy ra với nông dân miền Bắc. Chưa vụ nào mà người dân trồng rau ngoại thành Hà Nội lại buồn như vụ đông năm nay. Những cánh đồng rau đang phải để hoang hóa cho trâu, bò gặm cỏ. Nguyên nhân vì rau nội đang bị đè bởi rau ngoại, nhất là rau nhập về từ Trung Quốc, giá vừa rẻ, mẫu mã lại đẹp. Thậm chí một nhà quản lý cũng phải thốt lên: Nói một cách thẳng thắn thì rau quả trong nước khó lòng cạnh tranh với Trung Quốc về giá cả lẫn mẫu mã.

Ba câu chuyện, cùng một nỗi bi hài. Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, lờ lãi cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng người nông dân đang phải chịu quá nhiều sức ép, từ tác động của phát triển như câu chuyện thứ nhất, đến sự o ép từ bên ngoài như câu chuyện thứ hai, rồi đến cả sự bất lực thua kém như ở câu chuyện thứ ba. Không làm thì không có ăn, còn làm thì tứ mùa có cả chục nỗi lo thất bát.

"Thua trên sân nhà" vốn là cụm từ vẫn hay được dùng để nói về thực trạng này. Thua vì quy hoạch kém, vì yếu dự báo, rồi thua vì sản phẩm chất lượng chưa cao, thậm chí thua cả vì "không biết cách cạnh tranh", không có cơ chế. Hiện nay thuế nhập khẩu một số loại rau ở mức 0%, thêm nữa là rau, củ, quả tươi cũng thuộc diện không phải chịu thuế giá trị gia tăng, ngoài ra các hàng rào khác như kiểm tra chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm… gần như bị bỏ rơi nên rau ngoại vẫn ồ ạt tràn vào. Với người trồng lúa, người chăn nuôi cũng vậy, suốt nhiều năm qua điệp khúc được mùa mất giá cứ lặp đi lặp lại. Việt Nam đang là nguồn cung sản phẩm cá tra chủ lực của cả thế giới, song thực tế ở đồng bằng sông Cửu Long, số bà con nuôi cá phá sản, "treo" ao ngày càng nhiều. Một nghịch lý thật buồn.

Là nước lấy nông nghiệp làm thế mạnh, nhưng nông sản trong nước vẫn ở trong tình trạng sản xuất manh mún, tiêu thụ nhỏ lẻ, người dân tự xoay xở trong canh tác, tiêu thụ, chúng ta cũng chưa hình thành khâu phân phối hiệu quả nên hàng trong nước trở nên yếu thế là điều dễ hiểu. Và chuyện nông sản chất lượng kém, khó cạnh tranh vốn được thừa nhận từ lâu. Thế nhưng đến nay vẫn chưa cơ quan quản lý nào đưa ra lời giải. Chỉ có các tư thương là trục lợi vì họ đã nắm chắc cái quy luật ấy mà triệt để ép giá. Còn nông dân chỉ biết ngậm ngùi chịu thiệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân vẫn chịu thiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.