(HNM)- Để từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, nâng cao giá trị sản phẩm cho nông dân, năm 2010 Hà Nội đã triển khai chương trình an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), xây dựng chuỗi an toàn nông sản từ sản xuất tới tiêu thụ.
Đồng bộ từ sản xuất tới tiêu thụ
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp Hà Nội, trong năm 2010 thực hiện chương trình ATVSTP trong nông nghiệp, Sở đã phối hợp với các đơn vị triển khai được 8 chuỗi nông sản an toàn, trong đó có 3 chuỗi ATVSTP trong chăn nuôi thú y, bảo đảm từ chăn nuôi đến nơi tiêu thụ sản phẩm; 5 chuỗi sản xuất quả, chè an toàn. Đồng thời, hỗ trợ 10 cơ sở nuôi trồng thủy sản (NTTS) áp dụng các biện pháp nuôi an toàn. Sau một thời gian thực hiện, đến nay nhìn chung các mô hình khi tham gia trong chương trình ATVSTP đều đạt được kết quả tốt, sản phẩm bảo đảm chất lượng. Đã hình thành được một số chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, người sản xuất đã hiểu rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của ATVSTP trong sản xuất nông sản, thực phẩm. Chính quyền các cấp đã nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý sản xuất nông sản thực phẩm bảo đảm ATVSTP để kết hợp với cơ quan chuyên môn trong việc kiểm tra giám sát từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản thực phẩm, phát hiện và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Văn Thông, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi Tân Đô, xã Cổ Đô (Ba Vì) cho biết, toàn xã có 121 hộ NTTS với diện tích 127ha. Tham gia sản xuất an toàn, nông dân được nâng cao kỹ năng NTTS, chủ động phòng trừ dịch bệnh, nắm bắt được nhu cầu của thị trường... Các sản phẩm thủy sản mặc dù chưa được phân phối qua hệ thống siêu thị, cửa hàng… nhưng nhờ chất lượng tốt nên giá bán cũng cao hơn và không còn cảnh bị thương lái ép giá vào chính vụ như trước đây. Ngoài ra, nông dân Cổ Đô đã được áp dụng phương pháp ghi chép nhật ký nông hộ, nhờ đó đã tự kiểm soát được hiệu quả từng khâu từ sản xuất đến tiêu thụ.
Đại diện Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cho rằng, việc xây dựng chuỗi nông sản an toàn là yếu tố tất yếu trong sản xuất nông nghiệp, nông dân và người tiêu dùng đều được hưởng lợi từ việc này. Tuy nhiên, nếu khâu tiêu thụ nông sản an toàn không tổ chức tốt, nông dân sẽ quay lại với phương pháp sản xuất truyền thống, mặc dù trước đó họ được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ hạ tầng, giống vốn… Để nông sản an toàn Hà Nội đến được với bàn ăn của mỗi gia đình, có chỗ đứng tốt trong hệ thống nhà hàng, khách sạn thì các khâu trong chuỗi nông sản an toàn phải được thực hiện đồng bộ bởi mỗi khâu là một mắt xích không thể tách rời!
Hỗ trợ toàn diện
Ông Nguyễn Quang Huy, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp dịch vụ Đông Dư (Gia Lâm) cho rằng, do bước đầu thực hiện chuỗi ATVSTP trong sản xuất các sản phẩm từ nông nghiệp nên hiểu biết của người dân về vấn đề này còn hạn chế. Ngoài ra, người nông dân chưa có thói quen trong việc cập nhật thông tin, đặc biệt là các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản nên nhiều sản phẩm vẫn chưa bảo đảm an toàn. Nông sản được tiêu thụ nhưng chưa có nhãn mác khiến giá bán thấp và không ổn định.
Tổng kết chương trình, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, mặc dù sau một thời gian thực hiện mô hình về ATVSTP trong chăn nuôi, thủy sản và rau, quả, nhìn chung các sản phẩm khi tham gia mô hình đều đạt chất lượng tốt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số hạn chế như công tác quản lý sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm của chính quyền địa phương còn hạn chế, một số địa phương chưa chủ động quản lý việc sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh nông sản, thủy sản trên địa bàn. Khi triển khai mô hình chuỗi tại các địa phương do kinh phí chỉ hỗ trợ một phần khiến nông dân, doanh nghiệp phải đóng góp kinh phí rất lớn nên việc thực hiện gặp khó khăn. Bên cạnh đó, giá thành sản phẩm của mô hình cao nên việc cạnh tranh với các loại sản phẩm thông thường gặp khó khăn, việc tiêu thụ mới chỉ giới hạn ở một vài cửa hàng nên chưa thể quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng Thủ đô… Vì vậy, sang năm 2011, để mô hình tiếp tục phát triển và nhân ra diện rộng, TP cần quan tâm hỗ trợ kinh phí để duy trì và xây dựng các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn, để nông dân sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường, bảo đảm sức khỏe của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các sở, ngành, UBND các cấp cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức cho người sản xuất. Các địa phương cần phối hợp với các đơn vị liên quan của TP tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra và áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp sản xuất nông sản không bảo đảm chất lượng. Đồng thời xem xét và tạo điều kiện cho các huyện, thị xã, thị trấn và các xã… xây dựng cửa hàng tiêu thụ sản phẩm ngay tại địa phương để phù hợp với kinh phí được hỗ trợ cũng như tạo sự bình đẳng đối với người tiêu dùng nội thành và ngoại thành. Nếu hệ thống phân phối này thành công, sẽ tạo thuận lợi cho đầu ra của nông sản an toàn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.