LTS: Người nông dân một nắng hai sương, còng lưng trên thửa ruộng, nhưng nghịch lý là khó có thể làm giàu được từ sản xuất nông nghiệp. Có quá nhiều khâu trung gian đang
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nếu nông dân liên kết lại, cắt bỏ các khâu trung gian không cần thiết, chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội tốt, không để tư thương bắt chẹt và sẽ bán nông sản với giá cao hơn.
Bài 1: “Đầu vào” - “đầu ra” đều bị “chém”
Nông dân phải mua vật tư nông nghiệp với giá quá cao nhưng bán nông sản chỉ bằng 1/2 thậm chí 1/5 giá thực khi tới tay người tiêu dùng. Tất cả chi phí đội lên đều do các khâu trung gian. Lợi nhuận rơi vào túi thương lái. Và nông dân cùng người tiêu dùng đều chung một "chiến hào" dành cho những người chịu thiệt thòi.
Người nông dân sẽ có nhiều khả năng làm giàu từ nông nghiệp nếu biết liên kết lại, cắt bỏ các khâu trung gian. Ảnh: Khánh Nguyên
"Đầu vào" cao
Hiện nay, nông dân đều mua vật tư nông nghiệp - "đầu vào" qua các kênh phân phối trung gian mà không trực tiếp mua được sản phẩm từ nhà sản xuất. Hơn nữa, doanh nghiệp (DN) cũng đều bán hàng thông qua các đại lý. Theo đó, đại lý cấp 1 bán đến 90% sản lượng cho đại lý cấp 2, 3. Nông dân có quy mô đất đai dưới 1ha thường mua hàng của đại lý cấp 3. Giữa các đại lý, chênh lệch giá mua - giá bán từ 3.000 - 15.000đồng/sản phẩm, trong khi giá nông dân mua chênh lệch từ 20.000 - 40.000 đồng/sản phẩm. Với hệ thống phân phối như trên, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, có thể đội lên gấp 3-4 lần khi tới tay nông dân.
Chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Tiên Chu, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn cho rằng, xã càng xa trung tâm, giao thông khó khăn càng là mảnh đất màu mỡ cho cánh thương lái. Chẳng có DN nào mở đại lý hay cửa hàng ở đây, bà con muốn mua thóc giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… chỉ có thể mua ở các cửa hàng trong xã. Nghịch lý là ở chỗ đó, biết giá cao hơn nhưng nông dân vẫn chấp nhận mua, bởi không phải gia đình nào cũng khá giả, có tiền trả mua hàng ngay mà phải mua "chịu", đến kỳ thu hoạch trả sau. Thực tế, nhiều loại vật tư nông nghiệp khi tới tay nông dân đã bị đẩy giá lên hơn 30-40% so với giá của nhà sản xuất. Hầu hết các vật tư nông nghiệp vẫn qua nhiều khâu trung gian mới đến được tay nông dân. Không những thế, nông dân còn thiệt thòi do mua vật tư làm nhiều lần và dù các đợt lấy hàng cách nhau một hay nhiều tháng thì các chủ hàng vẫn cộng dồn hết giá trị lô hàng lại và tính tiền lãi tại thời điểm mua hàng lần đầu tiên. Theo khảo sát của phóng viên Hànộimới với ba loại hình phân phối là đại lý cấp I, cấp II và cấp III cho thấy, phần lớn các đại lý cấp II và cấp III có vốn mạnh hay có điều kiện tiếp cận các nguồn vốn tại ngân hàng thì sẽ có nhiều nông dân đến mua chịu và kết quả kinh doanh càng cao, vì ngoài lợi nhuận chênh lệch giá, các đại lý này còn hưởng lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất hằng tháng.
"Đầu ra" qua từ 3 tới 5 khâu trung gian
Hiện tại, giá nông sản đang tăng cao nhưng nông dân trực tiếp sản xuất được hưởng rất ít của phần tăng lên đó. Chủ tịch xã Bắc Sơn (Sóc Sơn) Tạ Hồng Thái cho rằng, từ nhiều năm qua người nông dân không thu lợi được bao nhiêu từ mảnh ruộng của mình. Bởi họ không thể định giá được hạt gạo, mớ rau, cân thịt làm ra mà chính hệ thống trung gian dày đặc mới là những người quyết định giá. Có quá nhiều trung gian trước khi hạt gạo, mớ rau, cân thịt được bán ra thị trường. Đời sống người nông dân ngoài việc tùy thuộc vào những yếu tố mang nhiều tính rủi ro như thời tiết, sâu bệnh, vật tư nông nghiệp đầu vào, lãi suất vay vốn... còn lệ thuộc vào thị trường. Thực tế, nông dân sản xuất phân tán, với khối lượng sản phẩm nhỏ lẻ, thường không tự mang sản phẩm của mình đi bán ở chợ, hay ở các trung tâm tiêu thụ, mà thường phải qua trung gian. Theo ghi nhận của phóng viên Hànộimới, hiện tại nông dân ở các huyện ngoại thành bán rau xanh tại ruộng với giá rất thấp, như cải ngọt có giá chỉ 1.000 đồng/kg, cải chíp, xà lách 2.000 đồng/kg, hành lá khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg… nhưng người tiêu dùng phải mua các mặt hàng này ở chợ với giá cao hơn 3 lần so với giá bán của nông dân. Thực tế là trước khi hàng đến người bán lẻ cuối, thì 2-3 cầu trung gian khác đã "ôm" hàng từ chợ đầu mối rồi "sang tay", sau đó mới đến người bán lẻ tại các chợ và người tiêu dùng; mỗi khâu trung gian này lại làm tăng giá thêm 15%. Anh Nguyễn Văn Sang một người trồng rau ở huyện Mê Linh cho biết, trồng được các loại rau ngon đã khó, bán được giá lại càng khó hơn. Giá bán rau tại chợ đầu mối cao hơn tại vườn gấp 2 lần và tại siêu thị cao gấp 3 lần. Với cách phân phối như hiện nay, nông dân là người thiệt thòi nhất, nhưng họ không có cách nào tăng thu từ sản phẩm do mình làm ra vì nhiều lý do.
Đến nay, nông dân vẫn chịu đựng một nắng hai sương, nhưng phần lớn các hộ đều lấy công làm lãi, không có tích lũy nhiều, vốn phải đi vay hoặc mua chịu vật tư sản xuất, đến khi thu hoạch phải nhanh chóng bán sản phẩm để lấy tiền trang trải nợ nần. Nông sản phải "chia năm sẻ bảy" qua bao nhiêu khâu trước khi đến tay người tiêu dùng. Trong mỗi tầng nấc trung gian đó, người tham gia phân phối phải làm sao bảo đảm có lời, vì vậy họ cố làm thế nào mua nông sản tốt nhất, giá rẻ nhất và bán được với giá cao nhất, nhanh nhất. Quá trình này làm cho người nông dân và người tiêu dùng chịu thiệt thòi nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.