Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông dân tại Tây Nguyên: Gánh nặng nợ nần ngày càng nghiêm trọng

Đức Trường| 09/12/2015 17:16

(HNMO) – Đó là một trong những thông điệp chính được Tiến sỹ nhân học Hoàng Cầm đưa ra tại hội thảo “Chuyển đổi sinh kế và tình trạng tài chính của một số tộc người thiểu số ở Việt Nam” diễn ra chiều 9-12, tại Hà Nội.

Tiến sỹ Hoàng Cầm báo cáo kết quả nghiên cứu tại hội thảo chiều 9-12.


Nghiên cứu này do Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Trung tâm chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn miền Nam (SCAP) tiến hành tại Đắk Lắk và Lâm Đồng trong năm 2015.

Nghiên cứu cho thấy một tỉ lệ rất lớn các hộ nông dân dân tộc thiểu số Tây Nguyên đang phải gánh các khoản nợ khác nhau, với mức độ nợ từ 50 – 240 triệu đồng. Đáng chú ý, tới 70% mục đích các khoản vay là để đầu tư cho nông nghiệp, 7 – 8% là để trả các khoản nợ đã có (đảo nợ). Khoảng 90% số hộ được hỏi cho biết họ cảm thấy gánh nặng nợ là nghiêm trọng cho tới rất nghiêm trọng.

Hơn nữa, phần lớn các hộ dân này đang phải vay nặng lãi từ tư nhân để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, với lãi suất lên tới 50-60%/năm, thay vì có thể vay ở các ngân hàng với lãi suất thấp như chính sách quy định.

Lý do người dân vay nặng lãi từ tư nhân rất đa dạng: Do không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng; Do thủ tục vay ngân hàng quá phức tạp và giải ngân chậm, phải chờ đợi từng đợt vay với lượng tiền quy định, nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu đầu tư sản xuất. Trong khi đó, vay từ tư nhân thủ tục đơn giản hơn nhiều, không yêu cầu thế chấp, và đáp ứng ngay khi có nhu cầu với lượng tiền cho vay cao hơn.

TS. Hoàng Cầm, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: “Họ chú trọng sản xuất theo hướng hàng hóa với nhu cầu vốn đầu tư cho sản xuất rất cao, trong khi hệ thống tín dụng của Nhà nước chưa đáp ứng được và tình trạng thua lỗ từ mùa vụ thì liên tục tái diễn. Nếu tiếp tục sản xuất và đầu tư theo phương thức này người dân tộc thiểu số sẽ không thể thoát ra khỏi vòng xoáy nợ nần, nghèo khổ và tiếp tục chịu nhiều định kiến nặng nề của xã hội”.

Nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và đông đảo phóng viên báo chí tham dự hội thảo.


Tại hội thảo, nhiều khuyến nghị cả ngắn hạn và dài hạn được đề xuất để giải quyết tình trạng nợ nghiêm trọng của nông dân dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên, như: các công cụ tài chính, tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, nhìn nhận lại các mô hình sinh kế và triết lý phát triển vùng dân tộc thiểu số.

Từ trái qua phải là: ông Lê Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE); ông Hoàng Cầm, Viên Nghiên cứu Văn hóa; ông Đào Thế Anh, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam; ông Lê Đức Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); bà Hoàng Hường, phóng viên báo Vietnamnet; ông Y Thin Bya, đại diện nông dân đang thảo luận bàn tròn.


Cuộc thảo luận bàn tròn tại hội thảo đã thu nhận được nhiều ý kiến của các cơ quan liên quan như Bộ Nông nghiệp, Ủy ban Dân tộc, đại diện nông dân, các tổ chức xã hội, báo chí và các nhà nghiên cứu đóng góp cho báo cáo nghiên cứu và chương trình hành động của Liên minh Nông nghiệp để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân tại Tây Nguyên: Gánh nặng nợ nần ngày càng nghiêm trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.