Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông dân không ruộng

Tống Thanh - Ngọc Hải| 04/12/2015 06:52

(HNM) - Sản xuất trên đất giao khoán từ những năm 80 của thế kỷ trước, bỗng nhiên 13 hộ nông dân phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm được mời đến họp liên quan đến việc thu hồi đất để thực hiện dự án xây dựng Trường Mầm non Tây Tựu B.


Lúc này, các hộ dân mới ngã ngửa khi được thông báo: Toàn bộ diện tích bị thu hồi phục vụ dự án mà họ đang sản xuất là đất công ích (do UBND phường quản lý). Đáng nói hơn, trong số 13 hộ dân bị thu hồi đất, có những hộ bị thu hồi 100% đất sản xuất nông nghiệp, mất toàn bộ tư liệu sản xuất.

Theo đơn trình bày của 13 hộ nông dân phường Tây Tựu, họ đang sản xuất trên phần đất nông nghiệp được hợp tác xã giao từ năm 1981. Từ đó đến nay, những hộ này sản xuất ổn định, nộp khoán sản lượng đầy đủ và đều có tên trong sổ theo dõi, quản lý biến động về đất của HTX.

Sự việc bắt đầu phức tạp khi giữa tháng 9-2015, 13 hộ dân được UBND phường Tây Tựu mời đến họp và thông báo về việc thu hồi đất phục vụ cho dự án xây dựng Trường Mầm non Tây Tựu B. Lúc này, các hộ dân mới biết khu vực họ đang canh tác đã được UBND phường Tây Tựu (trước đây là xã Tây Tựu) đưa vào bản đồ quy hoạch đất công ích. Ngay khi biết sự việc, 13 hộ dân đã làm đơn gửi UBND phường Tây Tựu, gửi UBND quận Bắc Từ Liêm kiến nghị xem xét lại nguồn gốc đất để họ được nhận đền bù, hỗ trợ thỏa đáng. Tuy nhiên, các đơn kiến nghị của những hộ dân này đều không được trả lời bằng văn bản, cũng như không được trả lời thỏa đáng trong các buổi đối thoại.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Hà Huy Hưởng, Tổ dân phố 2, phường Tây Tựu bức xúc: Người dân luôn tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Khi được thông báo rằng sẽ triển khai dự án xây dựng Trường Mầm non Tây Tựu B, chúng tôi hoàn toàn nhất trí và ủng hộ, thậm chí là vui mừng vì sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi không thể chấp nhận việc chính quyền địa phương xác nhận một cách thiếu căn cứ về nguồn gốc đất.

Diện tích đất sản xuất nông nghiệp của gia đình ông Hưởng bị xếp vào đất công ích.



Điều này khiến những nông dân vốn đã khó khăn trong sản xuất càng trở nên cơ cực. Bởi theo quy định, nếu đất bị thu hồi là đất giao khoán, người nông dân ở khu vực Tây Tựu sẽ được hỗ trợ khoảng hơn 450 triệu đồng/sào. Chưa kể, nếu theo quy định của thành phố, những hộ mất trên 30% tổng số đất nông nghiệp đang canh tác còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, đời sống. Nay theo dự thảo phương án đền bù đất công ích, chúng tôi chỉ được hỗ trợ 7 triệu đồng/sào cùng với các khoản bồi thường hoa màu trên đất trị giá hơn 40 triệu đồng/sào.

Cũng theo nội dung đơn kiến nghị do các hộ dân cùng ký tên gửi Báo Hànộimới, trong việc áp giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng có nhiều nhập nhèm, khuất tất của UBND phường Tây Tựu và Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Bắc Từ Liêm. Đưa ra các bằng chứng, các hộ dân cho rằng, việc đưa đất nông nghiệp do các hộ nhận giao khoán của HTX vào khu vực đất công ích do UBND phường quản lý trong khi các hộ không hề hay biết là việc làm không đúng quy trình, thiếu tính minh bạch. Đưa cho chúng tôi biên lai nộp tiền khoán sản lượng cho HTX đến hết năm 2015, ông Vũ Đình Tính, ở Tổ dân phố 2, phường Tây Tựu không giấu nổi băn khoăn: Chúng tôi nhận đất giao khoán của HTX, nộp tiền khoán sản lượng cho HTX từ năm 1981, nay bỗng dưng UBND phường thông báo rằng chúng tôi sản xuất trên đất công ích, đất do UBND phường quản lý là điều hết sức phi lý. Không những thế, theo nguyên tắc quản lý, sử dụng đất công ích thì UBND phường được giao quản lý sử dụng hoặc cho thuê. Số tiền thu được từ việc cho thuê đất sẽ được sử dụng vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Và khi giao đất cho tổ chức, cá nhân sản xuất trên đất, UBND xã, phường phải có tổ chức đấu thầu, giao thầu hoặc ký hợp đồng cho thuê đất với thời hạn không quá 5 năm. Chúng tôi khẳng định, từ trước tới nay, UBND phường Tây Tựu (trước đây là xã Tây Tựu) chưa hề thông báo đấu thầu, giao thầu cho các hộ dân trong toàn phường Tây Tựu. Bản thân 13 hộ gia đình bị thu hồi đất phục vụ dự án này đều chưa hề ký hợp đồng thuê đất hay nhận thầu với UBND phường Tây Tựu hiện nay cũng như UBND xã Tây Tựu trước đây.

Trước những bức xúc của các hộ dân, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Lê Văn Việt, Chủ tịch UBND phường Tây Tựu. Ông Lê Văn Việt cho rằng, cơ sở pháp lý mà UBND phường Tây Tựu xác nhận phần đất mà 13 hộ dân đang canh tác là dựa vào tờ bản đồ quy hoạch đất công ích được lập năm 1999. Tuy nhiên, khi lập bản đồ, lãnh đạo địa phương thời kỳ đó đã làm không hết trách nhiệm dẫn đến những khó khăn cho người dân và chính quyền sau này. Đến năm 2009, khi thực hiện phương án giao khoán đất cho các hộ theo Nghị định 64 của Chính phủ, UBND xã Tây Tựu thời đó đã xác định hạn mức giao khoán cho các hộ dân thuộc HTX số 1 là 249m2/khẩu. Cũng theo ông Việt, khi xác lập phương án giao đất, lãnh đạo xã Tây Tựu thời kỳ 2009 đã biết nhiều hộ dân bị thiếu hạn mức, trong khi nhiều hộ dân khác đang thừa hạn mức nhưng do không ai chịu trả lại ruộng nên "cứ biết thế đã". Và cũng chính từ chuyện "cứ biết thế đã" cùng với sự thiếu trách nhiệm của các thời lãnh đạo địa phương đã dẫn đến việc người dân không biết đất giao khoán của mình bị hô biến thành đất công ích. "Chính từ những vướng mắc ấy, khi tôi cầm thông báo thực hiện dự án xây dựng Trường Mầm non Tây Tựu B, bên cạnh sự vui mừng có ngôi trường mới rộng gần 8.000m2 nhưng tôi đã lo về việc giải phóng mặt bằng". - ông Việt cho biết.

Riêng đối với trường hợp ông Hà Huy Hưởng, hộ dân có duy nhất một thửa đất sản xuất rộng 1.768m2 rơi đúng vào vùng quy hoạch đất công ích, ông Việt cho rằng, trách nhiệm của chính quyền xã chỉ là xác nhận và đề xuất lên cấp trên cho hướng giải quyết. Và "chúng tôi buộc phải xác nhận theo quy hoạch và hồ sơ địa chính lưu tại địa phương. Và các đời chủ tịch sau cũng phải xác nhận như thế". - ông Việt khẳng định.

Theo phương án giao đất, mỗi nhân khẩu tại HTX số 1, phường Tây Tựu được giao 249m2 đất sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, khi đối chiếu với thực tế tổng diện tích đất nông nghiệp các hộ dân đang sử dụng, hộ gia đình ông Hà Huy Hưởng bị thu hồi 100% diện tích đất sản xuất nông nghiệp với 1.768m2; hộ bà Chu Thị Ngọ có hơn 3.000m2 bị thu hồi 685,7m2; hộ ông Chu Văn Khiêm có 2.200m2 bị thu hồi 801m2; hộ gia đình Ông Chu Văn Bính có 1.107m2 bị thu hồi 519m2; hộ gia đình ông Chu Văn Toàn có 2.300m2 bị thu hồi 567m2… và đều được quy là đất công ích. Đây là những hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp với diện tích lớn, hầu hết chiếm trên 30% đất sản xuất. Chính vì vậy, trước nỗi lo thiếu tư liệu sản xuất, ngay sau khi nhận được thông báo triển khai dự án, các hộ dân đã kiến nghị UBND phường xem xét lại. Thậm chí sau nhiều ngày không nhận được câu trả lời thỏa đáng, ngày 16-10-2105, các hộ dân đã gửi đơn đến UBND quận Bắc Từ Liêm, đồng thời gửi đích danh Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm là ông Đỗ Mạnh Tuấn qua đường bưu điện. Thế nhưng đến nay, đã gần 2 tháng, các hộ dân vẫn chưa nhận được câu trả lời cụ thể nào từ cơ quan chức năng.

Rời khỏi đồng đất Tây Tựu, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh ông Hà Huy Hưởng và ông Vũ Đình Tính bên xứ đồng được cho là đất công ích với hàng loạt câu hỏi khó của ông Hà Huy Hưởng: "Nếu xác định là đất được giao, riêng tôi sẽ được đền bù khoảng 2 tỷ đồng. Số tiền này có thể giúp tôi chuyển đổi nghề nghiệp hoặc đi thuê đất vùng khác để sản xuất, ổn định cuộc sống. Nay UBND phường Tây Tựu và quận Bắc Từ Liêm xác định là đất công ích, tôi chỉ được hỗ trợ chưa đầy 100 triệu đồng, trong khi đó gia đình tôi không còn tấc đất nào cho sản xuất. Vậy đất được giao theo Nghị định 64 của tôi ở đâu? Gia đình tôi sẽ sống bằng gì sau khi đất sản xuất bị thu hồi cho dự án?".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nông dân không ruộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.