Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông dân “dài cổ” chờ đất dịch vụ

Bài và ảnh: Thiện Mỹ| 25/08/2011 07:06

(HNM) - Khi thu hồi đất nông nghiệp thực hiện các dự án trên địa bàn xã Liên Bạt (Ứng Hòa), người dân đã tin tưởng nhận tiền bồi thường, giao đất cho doanh nghiệp và yên tâm chờ nhà nước giao đất sản xuất, kinh doanh dịch vụ phi nông nghiệp (đất dịch vụ).



Thế nhưng, đã 4 năm trôi qua, doanh nghiệp hoạt động khá tốt trên đất đó, còn người nông dân vẫn phải gõ cửa các cơ quan chức năng để tìm quyền lợi cho mình.

Các doanh nghiệp đã ổn định sản xuất tại Cụm công nghiệp Bắc Vân Đình.

Có mặt tại Cụm công nghiệp Bắc Vân Đình, nhìn sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp, chúng tôi không khỏi bùi ngùi trước hoàn cảnh của một số người dân thôn Lương Xá, xã Liên Bạt (Ứng Hòa). Vị trí này trước kia là khu ruộng màu mỡ, song để thực hiện dự án xây dựng Cụm công nghiệp phía Bắc Vân Đình, cơ quan chức năng đã thu hồi đất nông nghiệp của hơn 100 hộ dân thôn Lương Xá, giao cho doanh nghiệp. Phần lớn các hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) và yên tâm sẽ được nhận đất dịch vụ. Hết năm này đến năm khác, UBND huyện Ứng Hòa "hứa lên hứa xuống", nhưng đến nay việc giao đất dịch vụ vẫn chưa thực hiện. Trong khi đất đai đã giúp doanh nghiệp sinh lợi, phục vụ sự phát triển chung của xã hội, thì quyền lợi của người nông dân vẫn bị bỏ lửng… Đồng cảm với sự thiệt thòi của người dân, ông Nguyễn Đình Liên, Chủ tịch UBND xã Liên Bạt cho biết: Năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) có quyết định thu hồi hơn 65.000m2 đất nông nghiệp ở xã Liên Bạt để giao cho các doanh nghiệp thực hiện dự án Cụm công nghiệp phía Bắc Vân Đình. Việc thu hồi đất nói trên liên quan đến 111 hộ gia đình, các hộ đều nhất trí với mức bồi thường, hỗ trợ GPMB là 27 triệu đồng/sào, đồng thời họ sẽ được giao đất dịch vụ. Tại thời điểm thu hồi đất, phần lớn các hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao đất cho dự án, còn đất dịch vụ thì UBND huyện vẫn "nợ". Cũng vì không có đất dịch vụ trả cho các hộ dân, nên đến nay Công ty cổ phần Xây dựng Thần Châu vẫn chưa được nhận mặt bằng, vì trên phần đất doanh nghiệp được giao vẫn còn 27 hộ chưa nhận tiền bồi thường. Để "chắc ăn", các hộ này cho biết chỉ nhận tiền và bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp khi đã nhận được đất dịch vụ. Để có quỹ đất dịch vụ trả cho các hộ, tháng 12-2008, UBND huyện Ứng Hòa đã thu hồi hơn 11.000m2 đất nông nghiệp ở cánh đồng Đường Lang của 35 gia đình thôn Lương Xá thực hiện dự án đất dịch vụ. Tuy nhiên, do quá trình hợp nhất giữa Hà Tây và Hà Nội, vào thời điểm đó các chính sách liên quan đến bồi thường, hỗ trợ GPMB chưa có sự đồng nhất, vẫn thực hiện theo chính sách cũ. Hơn nữa, chính các hộ dân cũng chưa thống nhất trong việc nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo Quyết định số 108/QĐ-UBND ngày 29-9-2009 của UBND thành phố Hà Nội hay vừa nhận tiền bồi thường, vừa nhận đất dịch vụ theo một số chính sách của tỉnh Hà Tây trước đây. Bên cạnh đó, quy trình thu hồi đất giữa Hà Nội và Hà Tây cũng có sự khác biệt, nên việc thu hồi làm quỹ đất dịch vụ của huyện Ứng Hòa cũng bị dừng từ ngày hợp nhất. Chờ đợi mãi vẫn không có kết quả, từ tháng 5-2011 đến nay, nhiều người thôn Lương Xá đã liên tục kéo đến trụ sở UBND huyện Ứng Hòa đề nghị được giao đất dịch vụ. Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Văn Khoa, Phó ban GPMB huyện Ứng Hòa băn khoăn: Suốt ngày tôi phải tiếp dân đến hỏi về tiến độ thực hiện dự án đất dịch vụ. Tôi giải thích thấu đáo, nói rõ những quy trình đã thực hiện, nhưng người dân vẫn thắc mắc "sao chậm thế?". Tôi hiểu, người dân bức xúc là đúng, vì quyền lợi của họ bị "treo" đã quá lâu. Khi bị thu hồi ruộng họ trông chờ nhiều vào đất dịch vụ.

Nhận thấy đề nghị của người dân thôn Lương Xá là chính đáng, UBND huyện Ứng Hòa đã nghiêm túc tiếp nhận ý kiến của người dân và lập kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn, đề ra từng mốc thời gian phải hoàn thành. UBND huyện cũng đã báo cáo UBND thành phố Hà Nội về những khó khăn khiến dự án chưa được triển khai, đồng thời đề nghị thành phố cho thực hiện GPMB theo cơ chế của Hà Tây cũ và cơ chế của Hà Nội hiện nay. Theo hướng dẫn của thành phố, UBND huyện đã báo cáo Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc về số diện tích đất dịch vụ còn thiếu trên địa bàn huyện và địa điểm quỹ đất dịch vụ dự kiến thu hồi tại khu vực tiếp giáp với quốc lộ 21B thuộc địa bàn xã Liên Bạt. Ông Lê Đình Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa khẳng định: Huyện đang chờ thẩm định, phê duyệt của các ban, ngành chức năng. Khi được chấp thuận về diện tích, địa điểm, địa phương sẽ triển khai ngay việc thu hồi…

Trong thời gian qua, việc chậm bàn giao đất dịch vụ cho người có đất nông nghiệp bị thu hồi đã gây bức xúc cho người dân, nhất là ở các quận, huyện thuộc khu vực tỉnh Hà Tây (cũ). Nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do sự thay đổi về cơ chế, chính sách, song mặt khác cũng do sức "ỳ", sự thiếu chủ động của các địa phương trong quá trình triển khai. Đến khi người dân bức xúc khiếu kiện vượt cấp, đông người, các địa phương mới báo cáo, xin ý kiến các sở, ban, ngành… Điều này đã gây ức chế, dẫn đến sự hoài nghi trong cộng đồng dân cư, khiến tình hình an ninh trật tự mất ổn định. Với sự việc cụ thể nêu trên, rất mong các sở, ngành liên quan nhanh chóng thẩm định và hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng quy trình để sớm bàn giao đất dịch vụ, bù đắp phần nào những thiệt thòi cho người có đất bị thu hồi…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nông dân “dài cổ” chờ đất dịch vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.