(HNM) - Hiện nay, người chăn nuôi cả nước đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn, giá thực phẩm liên tục giảm trong khi mọi chi phí đầu vào đều tăng cao. Để cứu ngành chăn nuôi thoát khỏi khủng hoảng, duy trì sản xuất ổn định, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện giãn nợ, hạ lãi suất vay vốn cho các trang trại, hộ chăn nuôi.
Người chăn nuôi hiện nay đang rơi vào tình trạng khó khăn do giá thực phẩm liên tục giảm. Ảnh: Phương An |
Chính sách còn nằm trên giấy
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, giá thực phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn liên tục giảm nên người chăn nuôi thua lỗ nặng, nhiều hộ phải bỏ chuồng. Hiện, toàn TP chỉ còn khoảng 7.000 trang trại (TT) chăn nuôi, giảm 10.000 TT so với cùng kỳ 2011, khiến nguy cơ thiếu thực phẩm trầm trọng vào những tháng cuối năm là khó tránh khỏi. Trước thực trạng đó, Bộ NN&PTNT đã đề xuất gói tín dụng hỗ trợ 6.000 tỷ đồng để cứu ngành chăn nuôi và ngày 8-8-2012, Chính phủ đã có văn bản giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện việc giãn nợ tối đa 24 tháng và hạ lãi suất đối với khoản vốn đã vay cho các TT, hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp chăn nuôi, giết mổ, chế biến thịt lợn, gia cầm. Đồng thời, tiếp tục cho vay mới với lãi suất thấp nhất là 11% đối với các đối tượng này.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Cục phó Cục Chăn nuôi, sau hơn một tháng có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chỉ một vài doanh nghiệp chăn nuôi ở phía Nam được hưởng chính sách ưu đãi này, còn lại hầu hết nông dân chưa được tiếp cận. Thực tế, các TT chăn nuôi tiếp cận với nguồn vay ưu đãi này không dễ vì theo lý giải của các ngân hàng, các chủ hộ chăn nuôi đa phần chưa trả hết món nợ cũ tại ngân hàng nên chưa được vay món mới với lãi suất ưu đãi. Nông dân thì cho rằng đòi hỏi này của các ngân hàng như là "đánh đố" họ trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Anh Trần Anh Quân - chủ hộ chăn nuôi lợn ở xã Ba Trại (Ba Vì) cho biết, hiện TT đang vay vốn của Ngân hàng NN&PTNT 700-800 triệu đồng với lãi suất 14%/năm. Khoảng 2 tháng, TT được giảm lãi suất xuống còn 12%/năm nhưng đối với hộ chăn nuôi quy mô 100 lợn thịt và thời giá như hiện nay, mỗi tháng TT của anh trả lãi 20 triệu đồng là rất khó khăn. Cùng chung tâm trạng này, anh Nguyễn Trọng Long, chủ TT chăn nuôi ở Thanh Oai cho biết, với quy mô TT 300 lợn nái và 3.000 lợn thịt, nên trước đây, TT đã vay của các ngân hàng 6 tỷ đồng với lãi suất cao 15%/năm (nay giảm xuống còn 13%/năm), trung bình một tháng TT phải trả lãi 70-80 triệu đồng nên rất khó duy trì. Hiện nay, mặc dù chính sách của Nhà nước đã có nhưng TT chưa tiếp cận được với những ưu đãi này vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do chưa trả hết nợ cũ.
Cần có hướng dẫn cụ thể
Theo ý kiến của người chăn nuôi, việc Chính phủ ban hành chính sách tại thời điểm khó khăn này là cần thiết nhưng để chính sách này đi vào cuộc sống cần phải có những hướng dẫn cụ thể mới tránh được tình trạng "đánh đố" người sản xuất. Nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường giám sát việc cho vay của các ngân hàng và có những hình thức xử lý cụ thể đối với những ngân hàng thương mại không nghiêm túc thực hiện chính sách này. Các địa phương cần thông báo rõ ràng chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các TT chăn nuôi được biết và hướng dẫn các TT, hộ chăn nuôi những thủ tục cần thiết khi đến ngân hàng giao dịch để được tiếp cận với chính sách ưu đãi này. Đây là một loại hình kinh doanh đặc thù, nên các ngân hàng cần xem xét giảm bớt các thủ tục vay hoặc thế chấp tài sản đơn giản hơn so với các loại hình kinh doanh khác.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần cho rằng, Cục Chăn nuôi cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, theo dõi việc thực hưởng chính sách ưu đãi tại cơ sở, báo cáo kịp thời với Bộ NN&PTNT và Chính phủ để không xảy ra tình trạng người chăn nuôi không tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi. Về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các TT chăn nuôi lớn được vay vốn dài hạn và lãi suất ưu đãi để các hộ chăn nuôi có đủ nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành những khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn, xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.