Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông dân An Mỹ đã thôi “chán” ruộng

Bạch Thanh| 25/08/2013 06:32

(HNM) - Có một thời, người nông dân xã An Mỹ (Mỹ Đức)

Tuy cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn nhưng với truyền thống đoàn kết, yêu thương nhau và tần tảo làm ăn, An Mỹ giờ đang thay da đổi thịt. Mặc dù trong xã có cả người theo đạo Phật và đạo Thiên chúa nhưng tình làng nghĩa xóm ở đây luôn được trân trọng. Người dân có tinh thần cầu thị, ham học, ham làm. Xã có 3 thôn: Tảo Khê, Kênh Đào, Đoan Nữ, trong đó lương - giáo sống hòa thuận, tốt đời đẹp đạo. Dù cuộc sống còn bộn bề khó khăn nhưng mỗi buổi chiều về, sân đình cả 3 thôn đều chật cứng người chơi bóng chuyền hơi và các môn thể thao khác. Bà con nông dân lấy sinh hoạt cộng đồng làm gốc rễ để duy trì tình cảm làng quê.


Hỏi chuyện Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Ngọc Đan: "tại sao nông dân ở nhiều nơi bỏ bê đồng ruộng mà ở đây thì không", ông cười cho biết: Giờ nông dân không bỏ ruộng mà "giao phó" đồng ruộng cho HTX. Mọi công việc đồng áng từ làm đất, cày cấy, thu hoạch... nhiều hộ khoán thẳng cho HTX để yên tâm chạy chợ kiếm thêm thu nhập. Chả thế mà nhiều nơi, hoạt động của HTX bị "teo" lại nhưng ở An Mỹ ngày càng đắt khách. Hiện nay, HTX đã thành lập được 7 tổ chạy sạ, mỗi tổ 10 người, phân theo đội sản xuất phục vụ gieo cấy cho nhân dân. Vụ xuân 2013, diện tích gieo sạ của An Mỹ đạt 290ha, chiếm trên 90% diện tích gieo cấy. Ăn nên, làm ra, đường về An Mỹ hôm nay rộng thênh thang, xe buýt chạy qua làng. Bà con ra phố làm ăn, buôn bán nông sản trong ngày là về nhà.

Chị Nguyễn Thị Hề, cán bộ Quỹ Tín dụng nhân dân xã An Mỹ chia sẻ: Bà con ở đây đều yêu đồng ruộng nhưng số hộ làm giàu từ nông nghiệp thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. An Mỹ một thời được coi là thuần nông, bốn mùa chiêm khê mùa thối, ngoài cây lúa khó có cây rau màu nào trụ được trên đồng đất nên sản xuất rất khó khăn. Trăn trở để tìm được cây, con phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao, xã đã đứng ra tổ chức liên kết với Công ty Giống cây trồng trung ương để nông dân sản xuất giống lúa nguyên chủng với diện tích 70ha. Mặc dù, năng suất lúa của HTX những năm qua luôn đạt 12,5 tấn/ha, nhưng lãi từ sản xuất lúa mang lại rất thấp nên ngoài hai vụ lúa, vụ đông đã thành vụ chính trên đồng đất An Mỹ. Đối với diện tích sâu trũng, xã chuyển đổi được 37ha theo mô hình lúa - cá - vịt và 11ha cây ăn quả. Ở mảnh đất này xuất hiện những tỷ phú trẻ tuổi, làm giàu được từ đồng trũng úng, chua phèn, bạc màu. Điển hình là anh Nguyễn Bá Nam, mới ngoài 30 tuổi nhưng nhờ biết cách tính toán làm ăn và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương đã xây dựng thành công trang trại, cho doanh thu 3-4 tỷ đồng mỗi năm.

Gặp Chủ nhiệm HTX nông nghiệp An Mỹ Nguyễn Văn Tài, người được đánh giá là một trong những chủ nhiệm có tài và có tâm. Không khoa trương bằng những thành tích đã qua, anh chia sẻ giản dị: "Bà con mình bám ruộng đồng, cả đời chân lấm tay bùn nhọc nhằn lắm chứ. Nếu chúng ta không năng động đưa những cây, con mới, làm những dịch vụ phi nông nghiệp để hỗ trợ lại nông nghiệp thì người nông dân làm sao bám đất bám làng được. Chúng tôi quan niệm, HTX và nông dân là khách hàng của nhau, có ràng buộc rõ ràng, tổ, khâu dịch vụ nào làm chưa tốt, nông dân kêu ca phàn nàn thì phải làm lại. Còn cái gì miễn, giảm được thì cố gắng thực hiện để nông dân thấy mình được chăm lo và tin tưởng vào HTX". Có lẽ vì vậy mà mỗi vụ, nông dân ở đây chỉ dành dăm ba ngày cho ruộng đồng mà mùa nào lúa cũng tốt bời bời.

Rời An Mỹ khi những cánh đồng lúa đang thì con gái, đồng ruộng ngăn nắp, các ô thửa lớn chạy dài tít tắp. Hòa cùng với đó là những đàn ngan, vịt, các trang trại đa canh ở các xứ đồng trũng làm nên vẻ đẹp an bình ở một xã thuần nông miền sơn cước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân An Mỹ đã thôi “chán” ruộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.