Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nòng cốt cung cấp thực phẩm an toàn

Hồng Sơn| 19/10/2010 07:40

(HNM)- Nhu cầu sử dụng rau an toàn (RAT) và thực phẩm an toàn (TPAT) trên địa bàn Hà Nội ngày càng được đặt ra một cách bức thiết, nhất là trong bối cảnh thành phố chưa thể tự túc về nguồn cung.


Các phương tiện thông tin đại chúng vẫn đưa tin về những vụ ngộ độc do sử dụng rau quả hoặc thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội và sức khỏe người tiêu dùng… Đó cũng là lý do để Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) nghiên cứu, triển khai đề án xây dựng mạng lưới kinh doanh RAT, TPAT giai đoạn 2010-2015...

Lợi ích "kép"


Theo kết quả điều tra, nội thành Hà Nội hiện có khoảng 2,4 triệu người, với nhu cầu tiêu thụ 1.500 tấn rau/ngày, chưa kể các loại hoa quả, cùng 600 tấn thực phẩm các loại/ngày. Hiện nay, các trang trại, hộ gia đình sản xuất mới đáp ứng 60% nhu cầu về rau, 25% nhu cầu RAT cho nội thành. Tương tự, khả năng chăn nuôi trên địa bàn cũng chỉ đáp ứng khoảng 60% về nhu cầu thực phẩm. Mặt khác, các lò mổ, điểm giết mổ gia súc, gia cầm phần lớn vẫn chưa đạt yêu cầu về VSATTP, các hình thức vận chuyển, bảo quản, phân phối còn thô sơ, mất vệ sinh. Một số cơ sở giết mổ hiện đại đang trong giai đoạn triển khai, chưa hoạt động... Thị trường Hà Nội luôn phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ các địa phương, nên khó kiểm soát chất lượng "đầu vào" của các loại sản phẩm.

Từ thực tế trên, Hà Nội đã khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, chế biến và cung cấp RAT, TPAT. Hưởng ứng chủ trương của thành phố, Hapro đã phát huy vai trò là đơn vị nòng cốt trong bình ổn thị trường, nhất là với các sản phẩm rau, thực phẩm, từng bước tạo thói quen nuôi, trồng và chế biến, sử dụng RAT, TPAT trên địa bàn. Việc nghiên cứu, hình thành đề án là một quá trình lao động khá công phu, với công tác điều tra số liệu, đánh giá thực trạng, tiềm năng và phương thức thực hiện một cách hiệu quả, bền vững, phấn đấu đến năm 2015 sẽ thiết lập mạng lưới gồm 320 cửa hàng RAT, TPAT. Hapro sẽ sản xuất, thu mua và chế biến hơn 170 loại sản phẩm là rau, hoa quả tươi cùng những chủng loại thực phẩm đông lạnh, tươi sống và đồ hộp. Riêng lượng RAT có thể đáp ứng 31% nhu cầu của người dân Hà Nội nói chung và 56% nhu cầu của người dân nội thành nói riêng. Hapro sẽ đầu tư xây dựng, hoặc tham gia hình thành 550-600 điểm kinh doanh RAT, xây dựng 4-6 chợ đầu mối chuyên RAT.

Đại diện Hapro cho biết, Tổng Công ty luôn phấn đấu đi đầu trong công tác xây dựng văn minh thương mại, VSATTP và góp phần bình ổn giá thị trường trên địa bàn. Thực tế, khi nhu cầu về lương thực, thực phẩm tăng đột biến trong các dịp lễ, tết, Hapro luôn thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bình ổn giá, kết hợp với tiêu thụ hàng sản xuất trong nước cũng như duy trì định hướng kinh doanh RAT, TPAT. Đây là những hoạt động lồng ghép, hướng tới mục tiêu, mang lại lợi ích "kép" cho cộng đồng và các doanh nghiệp.

Tạo nguồn cung ổn định

Với RAT, Hapro sẽ ưu tiên khai thác tối đa nguồn cung cấp tại các HTX, cơ sở sản xuất, chế biến có uy tín theo quy hoạch của thành phố và ở các tỉnh lân cận (như Tam Đảo, Sapa, Đà Lạt...) nhằm đa dạng hóa nguồn hàng, loại sản phẩm, thu hút khách hàng, kể cả khách hàng là cá nhân, tổ chức nước ngoài. Để đạt mục tiêu trên, Hapro sẽ triển khai một số biện pháp: Thành lập công ty CP chuyên về chế biến rau, củ, quả an toàn, tạo thế chủ động từ khâu thu mua, chế biến và tiêu thụ RAT. Các sản phẩm bán ra đều được thống nhất về hình thức bao bì, nhãn mác, quy cách sản phẩm, phương thức đóng gói. Bên cạnh đó, Tổng Công ty cũng ký hợp đồng với các cơ sở có uy tín để bảo đảm cung cấp RAT với giá cả, chất lượng ổn định ngay cả khi khan hiếm do những nguyên nhân khách quan.

Hapro yêu cầu nhà cung cấp cam kết về chất lượng hàng hóa: không chứa chất gây hại, giá ổn định; có chỉ định rõ về quy cách sản phẩm, đóng gói; quy định về nhãn hàng hóa của từng nhà cung cấp. Đặc biệt, Hapro sẽ yêu cầu rõ về thời gian đặt hàng, giao hàng, phương tiện vận chuyển sạch sẽ, bảo đảm quy định về VSATTP với từng loại sản phẩm RAT qua mỗi hợp đồng với nhà cung cấp.

Với TPAT, Hapro ưu tiên khai thác sản phẩm từ các công ty thành viên của Tổng Công ty, như các công ty Thực phẩm Hà Nội, CP Sản xuất, kinh doanh gia súc gia cầm, CP Thực phẩm truyền thống Hapro… và ký hợp đồng với các cơ sở chế biến, sản xuất TPAT, có uy tín, như các Công ty Vissan, Hạ Long, Đức Việt, Cầu Tre… để có đủ nguồn hàng cung cấp cho toàn hệ thống. Thực phẩm được bán tại hệ thống phải rõ xuất xứ, đạt tiêu chuẩn VSATTP… Nhằm chủ động một phần nguồn cung, mới đây Tổng Công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở Lệ Chi (Gia Lâm), công suất 600 con lợn/ngày...

Đặc biệt, ngày 19-10, Hapro tổ chức sự kiện nhận diện chuỗi cửa hàng RAT, TPAT tại 30 địa điểm và công bố nhận diện chuỗi cửa hàng mang thương hiệu Hapro food tại 5 địa điểm mới. Đây là một phần trong kế hoạch hình thành 72 điểm kinh doanh RAT, TPAT từ nay đến hết năm 2010 của Hapro.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nòng cốt cung cấp thực phẩm an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.