(HNM) - Những cơn mưa kéo dài từ cuối tháng 8 sang đầu tháng 9 đã "âm thầm" để lại hậu quả khi giá rau xanh trên thị trường Hà Nội những ngày qua tăng chóng mặt và chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt".
Tại các chợ trên địa bàn, nguồn cung rau xanh trở nên khan hiếm dẫn tới giá các mặt hàng tăng 1,5 lần, thậm chí gấp đôi, gấp ba so với trước đây. Đằng sau câu chuyện tăng giá ngoài lý do thời tiết diễn biến thất thường ảnh hưởng đến việc canh tác thì không thể loại trừ nguyên nhân các thương nhân đầu mối chuyên cung cấp rau cho Thủ đô lợi dụng tình hình để "té nước theo mưa" để lập một mặt bằng giá mới.
Có thể khẳng định điều này khi thị trường rau xanh nói riêng và thực phẩm nói chung hầu như bị điều tiết bởi thương nhân chứ không phải là những doanh nghiệp lớn thực hiện khép kín từ khâu canh tác - thu hoạch - bao tiêu sản phẩm - cung cấp tới người tiêu dùng. Khảo sát tại nhiều vùng trồng rau của Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc... cho thấy, giá rau xanh khi đến bếp ăn của người Hà Nội có khi tăng gấp 5-6 lần so với giá thu mua tại ruộng. Nghịch lý này tồn tại qua nhiều năm và ai cũng biết là bất hợp lý nhưng chưa có cách gì giải quyết rốt ráo, khiến người hưởng lợi không phải là nông dân và người tiêu dùng mà là các tầng nấc tiểu thương.
Trong khi thị trường rau xanh đang "khủng hoảng nhẹ" thì không ít người đặt câu hỏi về vai trò của các vùng sản xuất rau an toàn (RAT) vốn được đầu tư khá bài bản về giống, vốn, kỹ thuật và nhiều điều kiện ưu đãi khác từ thành phố nắm giữ vai trò gì trong câu chuyện điều tiết thị trường? Được biết, hiện diện tích trồng RAT của Hà Nội đã lên tới 4.500ha, với sản lượng 800 tấn/ngày. Về lý thuyết, lượng RAT này có thể đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ (hiện là 2.600 tấn/ngày). Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh và phân phối RAT hiện còn nhiều bất cập, dẫn đến khả năng dẫn dắt thị trường và là sự lựa chọn tối ưu của bà nội trợ vẫn khá nhạt nhòa.
Sở dĩ RAT vẫn "lép vế" so với các loại rau xanh khác vốn khó kiểm soát về chất lượng được đưa ra là do vùng sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; mạng lưới phân phối còn hạn chế đã đẩy giá thành của RAT khi đến tay người tiêu dùng khá cao. Mặt khác, dù RAT được tổ chức, sản xuất theo quy trình, có công ty sơ chế, đóng gói trên địa bàn và sản phẩm được đưa lên Sàn giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội song lượng rau được tiêu thụ qua đơn đặt hàng rất ít, đa phần nông dân phải tự tìm hướng tiêu thụ, bán cho các tiểu thương và bán buôn tại chợ đầu mối. Tại các khu dân cư, thành phố cũng chỉ lập được 72 điểm phân phối RAT tại các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Đống Đa, Hoàn Kiếm... với mức tiêu thụ trung bình từ 100 đến 150 kg/điểm/tuần. Con số này hẳn là quá nhỏ so với nhu cầu. Trong khi đó, tại các chợ, người tiêu dùng lại chẳng mặn mà với việc mua rau ở cửa hàng rau sạch bởi nghi ngờ chắc gì rau ở đấy đã "sạch" thật, giá lại cao hơn giá rau ở chợ. Họ không mấy tin tưởng vào rau sạch không phải không có nguyên cớ. Tất cả bắt nguồn từ sự nhập nhằng trong tổ chức kinh doanh, tiêu thụ vốn đã được các phương tiện truyền thông đề cập khiến người trồng RAT thì phấp phỏng lo ế, còn người tiêu dùng thì mỏi mắt đi tìm niềm tin vào rau sạch.
Rau xanh tăng giá những ngày qua là cơ hội để rau nhập lậu vào Hà Nội có dịp tung hoành vì với mức giá rẻ nên nhiều bà nội trợ dù biết sẽ phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn thực phẩm cũng đành "bấm bụng" cho qua. Rõ ràng, rau xanh tăng giá những ngày qua đã vượt quá tầm kiểm soát của người tiêu dùng và họ không còn cách nào khác là phải chấp nhận.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.