Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nóng” chuyện bảo tồn và phát huy giá trị

Minh Ngọc| 05/07/2011 07:00

(HNM) - Như Hànộimới đã thông tin, ngày 27-6, UNESCO chính thức đưa Thành nhà Hồ ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) lên bản đồ Di sản văn hóa thế giới. Cùng với niềm tự hào có thêm di sản được thế giới tôn vinh thì vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di tích Thành nhà Hồ trở nên

Thành nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới.


Phát triển không gian phụ trợ

Không giống như các di sản văn hóa khác ở nước ta, Thành nhà Hồ có "số phận" khá đặc biệt vì nó gắn liền với một giai đoạn đầy biến động của xã hội phong kiến Việt Nam. Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng vương triều Hồ cũng có những đóng góp nhất định trong lịch sử, mà một trong số đó là công trình Thành nhà Hồ. Như nhiều nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài nhận xét thì đây là một trong những tác phẩm đẹp nhất của kiến trúc Việt Nam. Đến nay, kỹ thuật xây dựng thành như thế nào, những phiến đá lớn được lấy ở đâu vẫn là một ẩn số. Chính sử còn ghi chép, tòa thành kỳ vĩ này  được xây dựng chỉ trong 3 tháng (năm 1397) nhưng sức bền của nó đã được hơn 600 năm và có thể kéo dài hàng nghìn năm nữa.

Với những đặc điểm hết sức độc đáo này, họa sĩ Phan Bảo hiện sống tại Thanh Hóa, người rất am hiểu về văn hóa xứ Thanh, đã nhiều lần nói với báo giới về đề nghị: "Thành nhà Hồ như thế nào thì cứ giữ nguyên như thế, không nên chặt bỏ những cây cối đã mọc trong kẽ đá, cũng đừng nghĩ đến chuyện phục dựng tường thành, lầu gác. Tuy nhiên, ngày xưa xung quanh thành có hào nước thì thời gian tới các cơ quan hữu quan cũng nên đào lại hào nước và giải tỏa những ngôi nhà xung quanh thành để tôn thêm vẻ đẹp cảnh quan cho tòa thành". Ông còn nhấn mạnh đến việc bảo tồn và phục dựng một số di sản văn hóa liên quan nhằm làm sống lại không gian văn hóa Việt cổ.

Đồng quan điểm trên, ông Doãn Văn Phú, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Thanh Hóa cho biết: Sở sẽ tiếp tục bổ sung, mở rộng, xây dựng quy hoạch tổng thể Thành nhà Hồ trên quy mô 5.000 ha; đồng thời tham mưu cho tỉnh nghiên cứu, khảo cứu không gian văn hóa Tây đô, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các loại hình dịch vụ, kết nối Thành nhà Hồ với các kinh đô cổ thông qua các hoạt động văn hóa, tour du lịch… Dự kiến, Sở sẽ tổ chức các hội thảo khoa học nhằm bổ sung cứ liệu tái hiện lại lễ tế giao, tiến tới khôi phục đàn tế trong năm 2011.

Tăng cường vai trò quản lý của cộng đồng

Ngay sau khi Thành nhà Hồ được UNESCO ghi danh, bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng về Thành nhà Hồ, nhất là đàn tế Nam Giao, giếng vua. Tôi cho rằng việc đề cử để công nhận một di sản cấp quốc gia trở thành Di sản văn hóa thế giới đã khó, nhưng giữ gìn, phát huy giá trị di sản đó sau khi được công nhận còn khó hơn nhiều vì Ủy ban Di sản thế giới gồm 21 quốc gia thành viên luôn giám sát chặt chẽ, nếu các di sản không được bảo tồn tốt thì rất có thể sẽ bị loại bỏ".

Nói về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành nhà Hồ, ông Vương Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Từ khi Thành nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa cấp quốc gia (năm 1962) tỉnh Thanh Hóa đã luôn cam kết bảo tồn nghiêm ngặt, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Thành nhà Hồ; từng bước đầu tư để công trình kiến trúc độc đáo này phát huy hiệu quả về mọi mặt, xứng đáng là di sản văn hóa quốc gia và quốc tế. BQL di tích Thành nhà Hồ cũng đã được thành lập, có trách nhiệm quản lý và phát huy giá trị khu di tích; bảo tồn, thực hiện việc trùng tu, tôn tạo khu di tích khi được cấp có thẩm quyền giao; quản lý, bảo vệ, giữ gìn di sản văn hóa di tích Thành nhà Hồ và các di tích phụ cận; tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động lễ hội và tham quan di tích; nghiên cứu, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa của di tích như đã cam kết với UNESCO.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đức Hà, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Tiến, nơi có 3/4 diện tích nằm trong vùng di sản cho biết: Để bảo vệ di sản thế giới, gần 250 hộ dân ở xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long sẵn sàng di dời đến nơi ở mới, trả lại phần ruộng trong thành để chính quyền và các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về di sản. Tương tự, ông Lê Quang Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết: "Không riêng gì 2 xã Vĩnh Tiến, Vĩnh Long mà nhân dân ở các xã trong huyện đều vui mừng, phấn khởi khi đón nhận tin vui này. Huyện sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con, nhất là bà con trong vùng di sản nhằm bảo vệ nguyên vẹn những gì đang có. Tới đây, huyện sẽ phối hợp với các ngành chức năng, với tỉnh và Bộ VH,TT&DL quảng bá, giới thiệu Thành nhà Hồ đến đông đảo bạn bè trong và ngoài nước…

Mặc dù đã trở thành "tài sản" chung của nhân loại, nhưng những ai từng đặt chân đến di sản văn hóa này không khỏi trăn trở khi cảnh quan, không gian Thành nhà Hồ hiện vẫn khá hoang sơ. Với những nỗ lực trên, hi vọng Thành nhà Hồ không chỉ thực hiện được những điều như đã cam kết với UNESCO mà còn trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn ở xứ Thanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nóng” chuyện bảo tồn và phát huy giá trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.