(HNM) - Đã có 17 người thiệt mạng và hơn 1.400 người bị thương trong ngày 30-3 là con số được Đại sứ Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour nêu trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về thực trạng đáng báo động đang diễn ra tại 65km dọc biên giới Israel - Gaza.
Lính Israel bắn lựu đạn hơi cay về phía người biểu tình Palestine tại Gaza. |
Sự việc đau lòng xảy ra khi khoảng 10.000 người Palestine tụ tập ở các điểm khác nhau dọc biên giới Israel và Palestine ở Gaza tuần hành kỷ niệm 42 năm "Ngày Đất đai". Việc này nhằm phản đối sự chiếm đóng của Israel và việc Mỹ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, cũng như dự định chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem vào ngày 14-5 tới. Người biểu tình cũng yêu cầu lực lượng chiếm đóng Israel phải cho phép những người tị nạn Palestine được trở về quê nhà tại phía Nam Dải Gaza hiện do nhà nước Do Thái kiểm soát.
Trong khi Israel khẳng định binh sĩ chỉ bắn đạn thật với những trường hợp phá hủy hàng rào an ninh biên giới nhưng theo các quan chức y tế Palestine, lính Israel hầu hết dùng đạn thật để trấn áp người biểu tình, bên cạnh hơi cay và đạn cao su. Nhiều nhân chứng đã thấy quân đội Tel Aviv điều động một máy bay không người lái để xả hơi cay.
Trước diễn biến ngày càng căng thẳng, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã hối thúc Liên hợp quốc sớm có biện pháp bảo vệ người dân Palestine, đồng thời khẳng định nhà chức trách Israel phải chịu trách nhiệm về những trường hợp bị sát hại. Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về cuộc “đụng độ chết chóc” này.
Phản ứng trước các vụ đàn áp, giết hại người Palestine, Liên đoàn Arab, Ai Cập và Jordan đều lên tiếng chỉ trích những hành động của Israel chống lại dân thường Palestine. Tổng Thư ký của Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit còn cho rằng, đây là hành vi tàn bạo và khẳng định Israel phải chịu trách nhiệm.
Trong khi đó, Ai Cập cũng lên án việc sử dụng bạo lực chống lại dân thường không vũ trang ở các vùng lãnh thổ Palestine. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này khẳng định hỗ trợ đầy đủ cho quyền lợi chính đáng của nhân dân Palestine, đặc biệt là quyền thành lập nhà nước độc lập với thủ đô là Đông Jerusalem, đồng thời kêu gọi các bên thực hiện nghiêm nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc.
Căng thẳng leo thang càng đẩy Dải Gaza tới trước bờ vực xung đột diện rộng. Vùng đất này vốn bị Tel Aviv áp đặt lệnh phong tỏa từ năm 2006, sau khi Phong trào Hồi giáo Hamas giành thế đa số trong cuộc bầu cử Quốc hội Palestine. Một năm sau, nhà nước Do Thái tiếp tục siết chặt cô lập Gaza khi Hamas kiểm soát vùng đất này.
Cùng với đó, các cuộc đụng độ vũ trang với Israel cũng tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng tại Gaza. Hậu quả nghiêm trọng nhất là đến nay, Gaza đang dần cạn kiệt nguồn điện và năng lượng, thậm chí các bệnh viện phải hoạt động cầm chừng. Gần 2 triệu cư dân Palestine ở Gaza, hơn nửa số này là trẻ em, chỉ được cung cấp điện chưa đầy 8 tiếng mỗi ngày.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết, 65% nguồn cung năng lượng cho Gaza là từ Israel. Hiện các bệnh viện tại Gaza phải phụ thuộc vào máy phát điện dự phòng vì Israel phong tỏa chặt nguồn cung với chỉ vài giờ phát điện mỗi ngày. Vì thế, phần lớn các ca phẫu thuật không thể tiến hành, đẩy hàng trăm bệnh nhân vào tình trạng nguy hiểm tính mạng. Thậm chí, do tác động của việc Israel gia tăng phong tỏa Dải Gaza năm 2017, việc chuyển các bệnh nhân nguy kịch tới bệnh viện ở Bờ Tây, ở Israel hay các nước khác cũng bị hạn chế.
Liên hợp quốc mới đây cảnh báo, Gaza sẽ xảy ra thảm họa nhân đạo nếu vấn đề thiếu ngân sách không được giải quyết. Vì vậy, việc Israel giết hại những người biểu tình khiến tình hình càng trở nên đáng lo ngại. Thực trạng này cần được sự can thiệp quyết liệt từ cộng đồng quốc tế trong bối cảnh người Palestine đang nằm dưới sự chiếm đóng của Israel và không có quyền tự quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.