(HNM) - Giá vàng trong nước chênh lệch lớn so với giá thế giới, chất lượng vàng lưu hành trên thị trường bị thả nổi, nợ xấu gia tăng và doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng...
Chính vì vậy, phiên chất vấn người đứng đầu hệ thống NH ngày 13-11 đã diễn ra rất sôi nổi với những câu hỏi thẳng thắn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Hồng Hà chất vấn thành viên Chính phủ. |
Giá vàng trong nước - một mình một chợ?
Mở đầu phiên chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết, có 3 nhóm vấn đề nóng được cử tri cả nước quan tâm, cần câu trả lời từ Thống đốc gồm: bảo đảm nguồn vốn phục vụ SXKD; giải quyết thanh khoản và nợ xấu; quản lý thị trường vàng theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, có vai trò nhà nước để bảo đảm nền kinh tế này không bị "vàng hóa" nhưng vẫn tôn trọng lợi ích của người dân đang sở hữu vàng.
Ngay sau ý kiến của Chủ tịch QH, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đã thẳng thắn chất vấn: Vì sao cơ chế quản lý thị trường vàng chưa đem lại hiệu quả và chưa đạt được mục tiêu đưa giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới? Tại sao NHNN không tập trung vào quản lý chất lượng vàng mà lại quản lý thương hiệu để tạo ra sự độc quyền? Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, trước đây mỗi khi giá vàng trong nước biến động, tạo ra sự chênh lệch với giá vàng thế giới đã gây ra nhiều biến động kinh tế vĩ mô. Tác động này thông qua mức tỷ giá, nếu giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới ở mức khoảng 400.000 đồng là đã có hiện tượng đầu cơ và buôn lậu vàng qua biên giới ở quy mô rất lớn. Ước tính, trước khi Nghị định 24 có hiệu lực thì lượng vàng buôn lậu qua biên giới là khoảng 10-30 tấn vàng/năm.
Thống đốc cho biết, vàng miếng không phải là mặt hàng thiết yếu, không phục vụ gì cho quốc kế dân sinh. Trong tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, kể cả Luật Giá QH mới ban hành cũng quy định rõ: vàng không phải là mặt hàng thiết yếu. Nhưng vì tính chất ảnh hưởng của nó đến kinh tế vĩ mô đối với đời sống KT-XH của đất nước nên buộc Chính phủ và NHNN phải cho phép nhập khẩu vàng qua con đường chính thức để ổn định lại giá vàng trong nước, sao cho giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế, nhưng đó là trước đây. Bằng việc ban hành Nghị định 24, với nội dung Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và Nghị định 95 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngoại hối và hoạt động kinh doanh vàng, thị trường vàng đã chuyển biến tích cực, không còn tình trạng sốt giá hay buôn lậu vàng.
|
Lý giải việc giá vàng trong nước không liên thông với thế giới, Thống đốc giải thích, chúng ta để giá vàng liên thông với giá vàng thế giới có nghĩa là chúng ta chấp nhận trở thành thị trường đầu cơ về vàng, cái mà chúng ta đang chống, cái mà chúng ta đang vất vả bao lâu nay đến nay đã làm được, cho nên không có việc liên thông với giá vàng thế giới. Tuy nhiên, Thống đốc cũng thừa nhận, có nhiều khiếm khuyết trong hoạt động quản lý thị trường vàng. Trước khi Nghị định 24 được ban hành, thị trường vàng hoàn toàn bỏ ngỏ.
Phản biện phần trả lời chất vấn của Thống đốc, ĐB Nguyễn Văn Tuyết cho rằng: Lý giải của Thống đốc về giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chưa thuyết phục. Thống đốc trả lời không liên thông với giá vàng thế giới là tốt, nhưng Thống đốc đừng nghĩ là dân không biết gì. Thống đốc nói giá vàng không ảnh hưởng gì đến kinh tế vĩ mô, không có lý do gì để bình ổn, vậy vì sao trong Nghị quyết 21 năm 2011 của QH có nêu: Phấn đấu không để giá vàng trong nước chênh lệch giá vàng thế giới và nghị quyết chúng ta vừa thông qua mới đây cũng nêu: Khắc phục bất cập trong quản lý ổn định thị trường vàng trong nước liên thông với giá vàng quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về quyền và tài sản của người dân. Với câu trả lời như vậy, Thống đốc có thực hiện Nghị quyết của QH hay không?
Liên quan đến quản lý thị trường vàng, ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) lại nêu câu hỏi: Chi phí để đóng và dập thương hiệu vàng SJC từ vàng miếng nhập khẩu chỉ khoảng 7-8 nghìn đồng/lượng nay lên tới 50 nghìn đồng/lượng, với số vàng cần dập khoảng 5.000 lượng mỗi ngày thì số tiền chi phí cho việc dập thương hiệu ước tính hàng tỷ đồng mỗi ngày. Mức chi phí này do ai đặt ra và dựa trên cơ sở nào, số tiền lớn thu được này sẽ được sử dụng ra sao? Trả lời chất vấn, Thống đốc cho biết, Công ty SJC chưa bao giờ tính giá 7.000-8.000 đồng dập một lượng vàng. Mức giá 50.000 đồng là do NHNN quyết định và đã tính đúng, tính đủ tất cả các chi phí.
Nợ xấu cao, mong người dân chia sẻ
Quan ngại việc tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống NH quá cao, có khả năng gây ra những hệ lụy to lớn cho nền kinh tế, ĐB Dương Hoàng Hương (đoàn Phú Thọ) đã đề nghị Thống đốc nêu rõ thực trạng nợ xấu và giải pháp xử lý. Trả lời chất vấn, Thống đốc cho biết, hiện có 3 dạng loại số liệu về nợ xấu. Theo đánh giá của NHNN thì nợ xấu khoảng 8,82%. Trong giai đoạn gần đây, nợ xấu liên tục tăng mạnh do kinh tế khó khăn. Năm 2008, nợ xấu tăng 74%, năm 2009 tăng khoảng 27%, năm 2010 tăng khoảng 41%, đến năm 2011 tăng 64% và 10 tháng đầu năm 2012, nợ xấu của chúng ta tăng khoảng 66%. Nhóm giải pháp giải quyết nợ xấu của hệ thống NH được Thống đốc đưa ra là NH thương mại phải có trách nhiệm trước tiên và lớn nhất. NHNN có hai trách nhiệm: quản lý cơ chế chính sách và tăng cường hoạt động thanh tra giám sát. Thống đốc cũng cho biết thêm, sau 6 tháng thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, tổng số nợ được cơ cấu lại dưới mọi hình thức mới chỉ hơn 36 nghìn tỷ đồng. Nhưng tính đến ngày 30-9-2012, tổng số nợ được cơ cấu lại trong toàn hệ thống khoảng 252 nghìn tỷ đồng. "Nếu không quyết liệt thì nợ xấu của chúng ta (theo báo cáo của các tổ chức tín dụng) không phải là 4,93% mà là con số lớn hơn rất nhiều. Chúng tôi xin nói để DN và cử tri trong cả nước thấy sự quyết liệt và thông cảm, chia sẻ với hệ thống NH" - Thống đốc cho biết.
Doanh nghiệp biếu quà vẫn không vay được vốn
Trả lời câu hỏi của ĐB Dương Hoàng Hương về việc dù đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, song nhiều DN vẫn không thể tiếp cận nguồn vốn NH, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nếu như trước ngày 15-7-2012, dư nợ có lãi suất trên 15% trong hệ thống NH khoảng 65-70% thì đến đầu tháng 10, tỷ lệ này chỉ còn lại chưa đến 20%. Như vậy, gần 80% số nợ có lãi suất trên 15% đã được đưa xuống dưới mức 15%, tuy nhiên cũng chưa phải đáp ứng được yêu cầu của DN. Nguyên nhân là do thanh khoản của hệ thống NH dù đã được cải thiện, khiến lãi suất giảm song vẫn còn hết sức bấp bênh. Trong tổng số hơn 100 tổ chức tín dụng Việt Nam, có khoảng 50 tổ chức có tỷ lệ sử dụng vốn cao hơn tỷ lệ huy động, từ đó mới tạo ra áp lực lớn với lãi suất. Vì thế, chúng ta cần phải đồng tâm giữ vững được lạm phát ít nhất dưới 8%, không để lên cao nữa. Sang năm tới có điều kiện, chúng ta tiếp tục đưa lạm phát xuống và hệ thống NH tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay để DN tiếp cận vốn tốt hơn. "Còn bây giờ tôi xin báo cáo thật với ĐBQH, nhiều NH báo cáo rằng, em đốt đuốc đi tìm DN nhưng bây giờ anh bảo em cho vay ra không thu hồi được, sau này anh có chịu trách nhiệm không? Anh có dám ký bảo lãnh vào đây không? Tôi cũng xin chịu!" - Thống đốc nêu thực tế.
Phản biện phần trả lời của Thống đốc, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu ý kiến "Mang quà đi, quà lại nhưng bây giờ DN vẫn kêu chưa tiếp cận được vốn NH. Đồng chí đi nhiều nhưng đồng chí cũng thấy nhiều DN kêu là không tiếp cận được vốn". Trả lời ý kiến này, Thống đốc cho biết, trên tinh thần chia sẻ với DN, đã có khoảng 250 nghìn tỷ đồng được NH cơ cấu lại nợ DN. Khi cơ cấu lại nợ, NH đã phải cơ cấu lại chính lợi nhuận của họ rồi. "Còn bây giờ có DN nào trong số chúng ta, tôi không cần nói là tốt, chỉ cần đáp ứng được yêu cầu, thậm chí hơi yếu một tí, các đồng chí mang đến đây, với tư cách là Thống đốc NHNN, tôi sẽ chỉ đạo toàn hệ thống là cấp tín dụng mới ngay, thậm chí với lãi suất hợp lý".
Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều xung quanh những vấn đề nóng liên quan đến hệ thống tín dụng, song phần trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã phần nào giải đáp những băn khoăn của dư luận trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, để thị trường tiền tệ của nước ta ổn định và phát triển bền vững đòi hỏi cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các cơ quan liên quan, giúp khơi thông dòng vốn phục vụ SXKD, qua đó sớm khôi phục đà tăng trưởng kinh tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.