Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nói và làm không nhất quán - biểu hiện “bệnh” công thần, kiêu ngạo

Đại tá, PGS. TS Nguyễn Văn Sáu| 09/03/2020 06:44

(HNM) - Đảng Cộng sản Việt Nam là tổ chức thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động. Những ai tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng phải chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Tuy nhiên, tình trạng một số cán bộ, đảng viên nói và làm không nhất quán - một biểu hiện của “bệnh” công thần, kiêu ngạo xuất hiện thời gian qua, rất cần phải xử lý nghiêm nhằm góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII).

1. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (xuất bản năm 1947), đối với người kiêu ngạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tự cao tự đại, ham địa vị, hay lên mặt. Ưa người ta tâng bốc mình, khen ngợi mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo, cho ai cũng không bằng mình”… Còn đối với người có “máu” công thần, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Có những người cậy mình là “công thần cách mạng”, rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng và của Chính phủ. Thế là họ kiêu ngạo, họ phá kỷ luật của Đảng, của Chính phủ”.

Đại hội XII cảnh báo: “Đã xuất hiện những việc làm và phát ngôn vô nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng ở một số cán bộ, đảng viên”. Tại Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ rõ hơn: “Nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”. Đây chính là “bệnh” công thần, kiêu ngạo, nói và làm không nhất quán, dễ gặp ở những đảng viên từng có chức quyền, công lao đối với đất nước.

Những người nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc nghỉ hưu, mắc bệnh kiêu ngạo, công thần thường nói, viết theo quan điểm suy diễn riêng. Một số người còn tham gia các cuộc tọa đàm, trao đổi, tham gia xuất bản những ấn phẩm do một vài hội, nhóm không được thừa nhận, gây ra những tranh cãi, bất đồng chính kiến làm bức xúc dư luận. Các đối tượng này tự cho mình là “hiểu cao, biết rộng” còn tham gia ký các đơn, “tâm thư”, “thỉnh nguyện tập thể” có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, không có lợi cho đất nước nhưng lại được kẻ xấu tung hô, ngợi ca nên ngày càng mù quáng... Điển hình trong số này là ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ. Từ khi nghỉ hưu, ông này đã viết bài, tham gia các diễn đàn chống lại quan điểm, đường lối của Đảng dù được nhắc nhở, kiểm điểm nhưng không chấp hành. Do đó, ông Chu Hảo đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng… Hay gần đây, có vị cán bộ cấp tướng từng lập chiến công, là hình mẫu của thế hệ trẻ một thời nhưng lúc nghỉ hưu lại thiếu tỉnh táo, nói, viết không thận trọng, không đúng sự thật, miệt thị, chê bai, xúc phạm các đồng chí lãnh đạo cao cấp của quân đội… Đáng nói là phát ngôn của một số cá nhân kể trên được nhiều người thiếu thông tin chia sẻ với tốc độ chóng mặt qua mạng xã hội, gây hoang mang dư luận…

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn tôn trọng, ghi nhớ và đánh giá cao công lao, đóng góp của những người đã từng chiến đấu bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Đồng thời, cũng không chấp nhận những biểu hiện của căn bệnh công thần, kiêu ngạo, hẹp hòi, ích kỷ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, cố tình xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước. Bởi từ chê bai dẫn đến đả phá chế độ, hạ thấp thành quả xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gây nghi ngờ, chia rẽ nội bộ, làm suy giảm niềm tin với Đảng, Nhà nước là khoảng cách không xa.

2. Cần khẳng định rằng, mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ, tâm huyết, sự sáng tạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên, các tầng lớp nhân dân góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và các quyết sách lớn là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Đảng viên có thể góp ý qua sinh hoạt chi bộ, qua báo chí, qua phản ánh với cấp trên; người dân có thể góp ý qua các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tất cả các ý kiến đều được bảo lưu, lắng nghe trên cơ sở tôn trọng pháp luật. Vì thế, với những cá nhân “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” qua hành động nói và làm không nhất quán, công thần, kiêu ngạo đòi hỏi cần có thái độ rõ ràng: Trái về đạo lý thì phải đấu tranh, trái về pháp lý thì phải xử lý. Ngoài ra, cần có những giải pháp, biện pháp hiệu quả và toàn diện.

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn, quy định của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); Quy định 47-QĐ/TƯ ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 101-QĐ/TƯ ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư khóa XI “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; Quy định số 55-QĐ/TƯ ngày 19-12-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”… Có như vậy mới đấu tranh có hiệu quả để chống lại căn bệnh kiêu ngạo, công thần, nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc nghỉ hưu.

Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện; khiêm tốn, thật thà, không đố kỵ, luôn tự răn mình, tôn trọng và tuân thủ nghị quyết tổ chức Đảng; lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, luôn luôn thấy mình cần học hỏi để vươn lên, chứ không phải tự cao, tự đắc. Hơn lúc nào hết, mỗi người cần tự có ý thức tự soi, tự sửa, loại bỏ chủ nghĩa cá nhân theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Thứ ba, phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào nhân dân để ngăn chặn tình trạng nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc nghỉ hưu. Đặc biệt, phải tạo điều kiện tối đa để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên. Thông qua đó, tạo hiệu ứng tốt cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là nâng cao tinh thần trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên khi đương chức cũng như nghỉ hưu, của mỗi tổ chức cơ sở Đảng trở thành việc làm thiết thực hằng ngày, góp phần xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Thứ tư, về mặt quản lý, các cơ quan chức năng cần có biện pháp tăng cường quản lý mạng xã hội; ngăn chặn, xử lý những thông tin chưa được kiểm chứng, tránh thông tin xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, chống phá Đảng, Nhà nước. Những quy định này cần được thi hành nghiêm túc; cần xử lý nghiêm minh những cá nhân vi phạm, nhất là những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đương chức và đã nghỉ hưu.

Trên bước đường phát triển, cách mạng Việt Nam luôn gặp những khó khăn, trở ngại, đó là điều thông thường. Yêu cầu đặt ra trong xây dựng Đảng hiện nay là tích cực hơn nữa trong phòng, chống “bệnh” kiêu ngạo, công thần, nói và làm không nhất quán, đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) vào cuộc sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nói và làm không nhất quán - biểu hiện “bệnh” công thần, kiêu ngạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.