(HNM) - Những ngày cao điểm vừa qua, hàng nghìn cán bộ, nhân viên tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cùng các lực lượng chức năng đã làm việc với cường độ gấp đôi ngày thường để phòng, chống dịch Covid-19 nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho cửa ngõ hàng không quốc tế lớn nhất miền Bắc. Mỗi người làm việc tại đây luôn tâm niệm, mình không chỉ là một tuyên truyền viên mà còn là những “chiến sĩ” nơi tuyến đầu trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19 - là những người đầu tiên trực tiếp tiếp xúc với hành khách trong và ngoài nước.
Chủ động các kịch bản ứng phó
Từ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (ngày 25-1), ngay sau khi Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài ban hành chỉ thị trong toàn đơn vị về việc phòng, chống dịch Covid-19, hơn 2.500 cán bộ, nhân viên cũng như lực lượng từ các cơ quan chức năng tham gia phối hợp đã luôn trong tình trạng “căng như dây đàn”. Ông Ngô Ngọc Quyên - Đội trưởng Đội Y tế khẩn nguy của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nhớ lại: “Dù Cảng đã có kinh nghiệm trong các đợt phòng, chống dịch bệnh trước đây như dịch SARS vào năm 2003, dịch MERS-CoV vào năm 2015 và công tác này cũng được diễn tập thường xuyên hằng năm song lần dịch bệnh đến quá nhanh, đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên ban đầu không tránh khỏi những khó khăn. Hơn nữa, trong những ngày Tết, việc mua trang thiết bị bảo hộ y tế, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn với số lượng lớn không dễ. Trong kho vật tư của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài khi đó có 1.500 khẩu trang, chỉ đủ cấp phát cho những nhân viên trực tiếp tiếp xúc với hành khách".
Trong bối cảnh đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã có sự hỗ trợ kịp thời. Riêng mùng 5 Tết (ngày 29-1), ACV chuyển xuống Cảng 25.000 khẩu trang y tế cùng một lượng lớn dung dịch sát khuẩn, quần áo bảo hộ chuyên dụng... "100% nhân viên sân bay đều đeo khẩu trang trong suốt quá trình làm việc. Các điểm cấp phát khẩu trang miễn phí, điểm đặt dung dịch sát khuẩn cho hành khách được thiết lập. Toàn bộ cán bộ, nhân viên đều được tập huấn về cách phòng tránh dịch bệnh để từ đó tuyên truyền nhằm giúp hành khách không hoang mang và sẵn sàng hợp tác", ông Ngô Ngọc Quyên chia sẻ.
Để phòng, chống dịch một cách kịp thời, hiệu quả, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã chủ động triển khai biện pháp ứng phó thông qua việc đặt ra các tình huống giả định phát hiện khách bị nhiễm Covid-19 tại các khu vực khác nhau (trọng điểm là Nhà ga quốc tế T2, Nhà ga quốc nội T1, sảnh E…; tình huống khách trên chuyến bay cập cầu hành khách; khách trên chuyến bay đỗ ngoài sân đỗ, khách tại khu vực công cộng…).
Ông Nguyễn Huy Dương, Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cho biết, việc tập dượt các phương án phân luồng, cách ly hành khách, máy bay khi có khách bị nhiễm Covid-19 đã được tiến hành nghiêm ngặt.
Đặc biệt, Đội Y tế khẩn nguy đã tổ chức một tổ cấp cứu lưu động với đầy đủ trang thiết bị cấp cứu, cách ly người nghi nhiễm bệnh và xe cấp cứu trực 24/24 giờ để sẵn sàng phối hợp với cơ quan kiểm dịch y tế vận chuyển về các bệnh viện chuyên khoa. Lực lượng an ninh cũng luôn sẵn sàng hướng dẫn máy bay có hành khách nghi nhiễm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vào vị trí cách ly và phối hợp thực hiện khử trùng máy bay. Cảng cũng đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội bố trí vị trí đặt máy đo thân nhiệt tại Nhà ga T2, T1; bố trí 2 phòng cách ly tại Nhà ga T2 để cách ly hành khách khi bị nghi ngờ nhiễm bệnh.
Luôn bảo đảm an toàn cho mọi hành khách
Là một trong những hành khách bay từ Nội Bài đi Nha Trang trong những ngày đang cao điểm chống dịch Covid-19, ông Nguyễn Quang Vinh (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: "Trước khi lên máy bay tôi cũng lo lắng về nguy cơ lây nhiễm bệnh, nhưng vì là việc quan trọng nên không thể không đi. Tuy nhiên, các khâu kiểm soát, bảo đảm an toàn cho hành khách tại sân bay Nội Bài đều thực hiện rất tốt. Dù bị kiểm soát chặt chẽ hơn so với thông thường song chúng tôi không thấy phiền hà, mà thấy yên tâm hơn".
Đề cập đến vấn đề "Ứng xử với những hành khách bị từ chối nhập cảnh như thế nào để họ không có cảm giác bị phân biệt đối xử?", ông Bùi Đức Long - Đội trưởng Đội An ninh trật tự Ga Quốc tế, thông tin: “Tại 2 phòng cách ly (mỗi phòng rộng 100-120m2) đều được bố trí đầy đủ giường, tủ cá nhân, gần nhà vệ sinh riêng và được giám sát chặt chẽ để không ảnh hưởng tới các hành khách khác. Đồ ăn, nước uống được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Ban đầu cũng có một số hành khách bày tỏ thái độ khó chịu nhưng chúng tôi kịp thời tuyên truyền, giải thích về sự nguy hại cũng như yêu cầu về phòng, chống dịch nên hành khách đã hiểu và thông cảm. Công việc chính của chúng tôi là bảo đảm an ninh hàng không thì nay phải thêm nhiệm vụ chống dịch, nên anh em đều phải nỗ lực hơn”.
Khi bị từ chối nhập cảnh, thường là trong ngày hoặc sang hôm sau, những hành khách này sẽ được bay trở lại sân bay nơi xuất phát bằng chuyến bay sớm nhất của chính hãng hàng không đã đưa họ tới Nội Bài. Với những nhân viên hàng không và hành khách nghi nhiễm bệnh, kể cả khi chuyển khách ra xe cấp cứu để đưa tới bệnh viện thực hiện cách ly, theo dõi đều phải di chuyển bằng các luồng riêng với sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng.
"Cả ngày lo chống dịch ở sân bay, khi về đến nhà, vợ con và người thân có chia sẻ gì không, động viên hay e ngại?". Trước câu hỏi của phóng viên, ông Ngô Ngọc Quyên - Đội trưởng Đội Y tế khẩn nguy của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài nói: “Đương nhiên là có chứ! Vợ tôi cứ nhắc đi nhắc lại là anh phải cẩn thận, phải đeo khẩu trang, phải thường xuyên rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn. Nhưng mình động viên ngược với vợ; đồng thời xác định, y tế sân bay chính là bộ phận y tế tuyến đầu, phải trực tiếp khai thác đầy đủ thông tin của hành khách từ đâu đến, có triệu chứng bệnh gì không... Mọi thao tác đều đòi hỏi sự cẩn trọng, chính xác. Làm trong ngành mà chính mình cũng hoang mang thì không thể tạo ra sự an tâm cho hành khách và cho chính những cán bộ, nhân viên làm việc trong sân bay”.
Phó Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài Nguyễn Huy Dương bộc bạch: "Sân bay Nội Bài là cửa khẩu hàng không quốc tế lớn nhất miền Bắc, có lưu lượng hành khách lớn thứ hai cả nước. Chưa biết khi nào dịch bệnh mới chấm dứt, song mỗi người trong chúng tôi đều tâm niệm, mình không chỉ là một tuyên truyền viên mà còn là những “chiến sĩ” ở tuyến đầu trên mặt trận phòng, chống dịch Covid-19, do đó phải có trách nhiệm cao nhất với mỗi hành khách và cả cộng đồng".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.