Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi tuổi già đáng sợ hơn cái chết!

Mai Chi| 22/12/2015 14:19

(HNMO) - Trung Quốc là đất nước có tốc độ già hóa dân số cao nhất trong lịch sử nhân loại, nhưng lại có rất ít sự hỗ trợ đối với người cao tuổi. Theo truyền thống, khi ông bà cha mẹ tuổi đã cao, con cháu sẽ có trách nhiệm chăm sóc họ. Nhưng ngày nay không phải gia đình nào cũng như vậy.

Trung Quốc có rất nhiều trại trẻ mồ côi. Tuy vậy, chùa Cát Tường lại mang một mục đích hoàn toàn khác – đây là “trại mồ côi” dành cho người già.

Nằm trên ngọn núi phía Nam tỉnh Phúc Kiến, ngôi chùa mang đậm nét kiến trúc thường thấy ở một thánh địa Phật giáo. Một bức tượng Phật khổng lồ phủ hào quang màu vàng rực rỡ lên tòa nhà chính với nhiều gian phòng – nằm trong khuôn viên của khu vườn rộng lớn được tô điểm bằng nhiều bức tượng đá điêu khắc tinh xảo.


Nhưng một khi du khách lại gần và ngắm kỹ từng chi tiết, họ sẽ phát hiện ra chức năng thực sự của ngôi chùa này: Những tay vịn chạy dọc theo cầu thang cùng với nhiều chai đựng thuốc trong chiếc tủ lớn ở sảnh chính.

Đây chính là nơi nhiều người cao tuổi sinh sống những năm cuối cuộc đời mình. Có người trong số họ quá nghèo để chuyển đi nơi khác hoặc không có con cái. Nhưng phần lớn những trường hợp này đều bị gia đình bỏ rơi. Trong một cộng đồng người nghèo khổ, một khi không còn khả năng lao động, họ sẽ bị coi là gánh nặng của xã hội.

Trụ trì ngôi chùa chia sẻ: “Trong vùng này, rất ít gia đình có truyền thống hiếu kính cung phụng cha mẹ, và tuổi già thực sự là một điều đáng sợ. Ở làng bên, có một người ông lão với 8 người con. Mỗi buổi sáng, ông đều ghé qua nhà từng người trong số họ, nhưng ngay cả bữa sáng ông cũng không được mời. Khi người dân trong làng liên lạc với chúng tôi, tất cả đều quá muộn. Ông ấy đã tự sát”.

Ở tuổi 81, đại sư trụ trì vẫn rất tâm huyết với công việc của mình. Ông thường xuyên ghé qua những ngôi làng để giúp đỡ người già không nơi nương tựa.


“Thật đau lòng khi phải chứng kiến hoàn cảnh của họ. Nhiều người đã ốm liệt giường mấy ngày liền. Thậm chí có những cô con dâu còn ép buộc chồng bỏ rơi mẹ khi bà ấy đã già yếu và không còn khả năng làm việc. Tình trạng của họ vô cùng tồi tệ và chúng tôi phải dùng cáng để đưa họ đi”.


Ngôi chùa hoạt động theo một thời gian biểu cố định, bắt đầu từ 4 giờ sáng hàng ngày. Tất cả những người có mặt trong chùa sẽ dậy thật sớm để học giáo lý nhà Phật. Một nghi lễ được tiến hành trong khoảng 1 tiếng trước khi mọi người dùng bữa sáng. Các hoạt động được lặp đi lặp lại từ ngày này sang ngày khác: đọc sách, tụng kinh, dùng bữa, nghỉ ngơi…

“Chúng tôi chăm sóc lẫn nhau. Trước đây tôi thường thức giấc lúc nửa đêm để thay tấm giữ nhiệt dưới ga giường cho họ, nhưng giờ họ đã có thể tự giúp nhau. Người 80 tuổi giúp người 100 tuổi”.

Ngôi chùa trông rất gọn gàng và ngăn nắp, đến nỗi hiếm ai hình dung được điều tồi tệ mà những người ở đây đã phải trải qua.

Hai chị em cụ bà Shi YuPing (92 tuổi) và Shi Guazi (86 tuổi) sống chung trong một gian phòng nhỏ ở tầng trệt. Cả hai đều có dáng người nhỏ bé với mái tóc bạc trắng búi sau đầu, lơ thơ vài sợi xõa trước trán. Guazi cưng chiều chị gái như một đứa trẻ, thường xuyên chải tóc và ân cần chỉnh sửa chiếc kẹp bị lệch cho bà.


“Trước đây, không một ai, kể cả 4 thằng con trai của tôi, thèm bận tâm để mắt đến bà già này. Nơi này đối với tôi còn tốt hơn ở nhà”.

Khi sống tại chùa, Shi Guazi vô cùng gầy yếu bởi những đứa cháu cho bà ăn chưa đến 1 bát cơm mỗi ngày. Một năm sau đó, chị gái bà cũng được đưa vào đây. Họ đã sống cùng nhau tại ngôi chùa trong gần 1 thập kỷ.


Rất nhiều người tỏ ra lo lắng trước số phận của gần 220 triệu người cao tuổi tại Trung Quốc. Theo các số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), đây là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trong lịch sử nhân loại. Tới năm 2050, hơn 40% dân số Trung Quốc sẽ vượt qua 60 tuổi.

Theo truyền thống, mọi thế hệ trong gia đình sẽ sinh sống dưới cùng một mái nhà. Nhưng mô hình này khó lòng tồn tại trong một xã hội Trung Quốc hiên đại và cơ động. Theo một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2013, khoảng 38% số người trên 60 tuổi sống cùng con cháu. Và chỉ có khoảng 50% số người sống một mình nhận được trợ cấp từ người thân ruột thịt.

Khi đã trưởng thành, con cháu thường cố gắng sống gần ông bà cha mẹ để dễ bề chăm sóc họ. Tuy nhiên, những căn hộ hiện đại không có đủ phòng cho nhiều thế hệ cùng sinh sống. Đối với những gia đình nghèo, bọn trẻ thường tìm cách tới những vùng khác để học tập và làm việc, để lại ông bà và cha mẹ tại quê nhà.


Trong những năm cuối đời, những người già thường được nhận rất ít sự trợ giúp. Trong một khảo sát về “chất lượng cái chết" được thực hiện tại 80 quốc gia trên khắp thế giới, Trung Quốc nằm trong số 10 quốc gia cuối bảng do cơ sở y tế nghèo nàn và điều kiện chăm sóc sức khỏe còn thiếu thốn.

Chính quyền tại nhiều thành phố đang gấp rút tiến hành nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề này như mở các trại dưỡng lão, trung tâm dành cho người cao tuổi với các dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản và miễn phí.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những mô hình mang tính thử nghiệm.


Việc chỉ dựa vào chính phủ để giải quyết vấn đề là không đủ. Đó là lý do cần cố sự kết hợp giữa chính phủ, cộng đồng và gia đình để có thể xây dựng một mô hình phù hợp với xã hội Trung Quốc.

Thách thức lớn nhất nằm ở các vùng nông thôn, bởi 65% số người cao tuổi tại các vùng này sống trong nghèo khổ.

Ngôi chùa Cát Tường là một trong những địa điểm ít ỏi tại Trung Quốc cung cấp “dịch vụ” chăm sóc cuối đời miễn phí. Những người sống nương nhờ tại đây đều thể hiện sự biết ơn sâu sắc với những gì mà họ nhận được.

4 giờ chiều, các "cư dân" trong chùa thay trang phục áo choàng nâu cho buổi lễ tụng kinh cuối cùng trong ngày. Mặc dù cuộc sống thiếu thốn đủ bề, ít nhất tại đây còn có sự thoải mái và tương trợ lẫn nhau.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nơi tuổi già đáng sợ hơn cái chết!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.