(HNM) - Cuối tuần này, Bộ Công thương đã có cuộc họp báo khẩn, công bố những thông tin quan trọng về thị trường lúa gạo trong nước, khẳng định việc điều hành sản xuất và xuất khẩu gạo vẫn đang trong tầm kiểm soát.
Đáng chú ý là việc Bộ Công thương khẳng định thông tin tháng 7 Trung Quốc nhập 600 nghìn tấn gạo là không chuẩn vì đó là tổng số lượng gạo Trung Quốc nhập trong 3 tháng (từ tháng 4 đến hết tháng 7) và nó càng không phải là nguyên nhân đẩy giá lúa lên.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ lúa, gạo vẫn là nỗi ám ảnh của người trồng lúa. Lâu nay, "được mùa mất giá, được giá mất mùa" cứ luẩn quẩn, quấn lấy người nông dân. Thực tế nhiều yếu tố tự nhiên cũng như diễn biến phức tạp trên thị trường đang tác động ghê gớm đến người trồng lúa. Vụ hè thu này bà con ở Đồng bằng sông Cửu Long đang lo lắng về khâu tiêu thụ. Chính vì thế chỉ một thông tin nhạy cảm rằng Trung Quốc đang thu gom ồ ạt lúa, gạo là lập tức thị trường bị tác động mạnh. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ngày 6-8 một số phương tiện thông tin đã dẫn nguồn thiếu tin cậy gây tác động đến thị trường lúa, gạo trong nước, khiến giá gạo tăng khoảng 500-1.000 đồng/kg. Trong khi thực tế lượng lúa hàng hóa trong nước không hề thiếu, thậm chí dư sức cung ứng cho thị trường, cả trong nước và xuất khẩu.
Vấn đề đặt ra là, tuy đã có mặt hàng được coi là thế mạnh, thậm chí là chủ lực, nhưng rõ ràng dư luận xã hội vẫn có cảm giác bất an khi trong một thời gian dài việc điều hành mặt hàng này luôn ở thế bị động. Ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng chưa năm nào giảm nhưng nông dân vẫn một điệp khúc kêu khó. Những vụ hè thu ở vựa lúa miền Nam gần đây vốn kém hiệu quả nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp, nông dân vẫn chật vật với bao nỗi gian truân nhưng đổi lại họ chưa bao giờ yên tâm về khâu tiêu thụ.
Từ giữa tháng 7, Chính phủ có chủ trương hỗ trợ lãi suất cho VFA thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Giá mua lúa vì thế tăng thêm khoảng 200-300 đồng/kg so với tháng 6. Tuy nhiên, thực tế thì việc thu mua gạo tạm trữ chỉ mới tác động tích cực đến tâm lý chứ chưa tạo đột phá giá thành, đặc biệt là chưa giảm được lượng lúa tồn đọng. Sự phối hợp giữa nhà quản lý, doanh nghiệp với nông dân còn chưa chặt, không thống nhất về quản lý chất lượng nên việc hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ luôn gặp trục trặc và mục tiêu phấn đấu để người trồng lúa có lãi từ 30% trở lên dường như vẫn chỉ là mơ ước. Vòng luẩn quẩn giữa chất lượng và giá thành cứ thế lặp đi lặp lại. GS-TS Võ Tòng Xuân bức xúc: Quy hoạch bộp chộp, các địa phương lại lỏng lẻo trong khâu giám sát, sản xuất tự phát, hệ lụy là nông dân rơi vào điệp khúc "trồng cao - bán thấp". Mùa thu hoạch lúa, thương lái tự điều chỉnh giá cả, họ mua lúa giá nào thì nông dân phải bán giá đó, trong khi nông dân lo sản xuất, không quyết định được giá "đầu vào" như: mua vật tư giống, vốn, phân bón, thuốc trừ sâu…
Vì sao câu chuyện quanh hạt lúa nhỏ bé cứ mãi luẩn quẩn, đôi khi chỉ vì một thông tin thất thiệt mà nông dân cũng khốn đốn? Làm sao tính toán giá thành hợp lý, sắp xếp kênh tiêu thụ, bảo đảm đầu ra cho hạt lúa ngay từ đầu vụ để nông dân bớt lo lắng? Câu hỏi ấy không lẽ khó trả lời khi mà bản chất của vấn đề đã được nhận thức rõ?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.