(HNM) - Từ ngày 1-7, phụ huynh học sinh trên địa bàn Hà Nội bắt đầu đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào các trường mầm non, tiểu học và THCS năm học 2018-2019.
Cùng thời gian này, không ít phụ huynh có con vào lớp 10 vẫn phải chật vật tìm chỗ học. Có lẽ hiếm khi nào mà việc xoay xở để con có một chỗ học ở lớp 10 lại khiến phụ huynh mệt mỏi đến vậy.
Không chỉnh sửa thông tin qua mạng
Năm học 2018-2019 là năm thứ ba Hà Nội duy trì song song hai hình thức tuyển sinh là trực tiếp và trực tuyến đối với các lớp mẫu giáo 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6. Khác với mọi năm, việc tuyển sinh trực tuyến được sắp xếp theo độ tuổi và gọn hơn, diễn ra từ ngày 1 đến 9-7; việc tuyển sinh trực tiếp áp dụng từ ngày 13-7. Phụ huynh ở bất kỳ đâu cũng có thể đăng ký tuyển sinh trực tuyến cho con, nếu không rõ về công nghệ hoặc không có máy tính kết nối internet thì có thể đến trường nhờ cán bộ tuyển sinh hỗ trợ.
Vừa trải qua kỳ thi căng thẳng, nhiều học sinh vẫn đang loay hoay tìm chỗ học lớp 10. |
Ghi nhận ban đầu, việc đăng ký tuyển sinh trực tuyến nhận được sự ủng hộ của phụ huynh, một số đơn vị có tỷ lệ đăng ký trực tuyến đạt từ 80% trở lên như nhiều trường tiểu học ở quận Tây Hồ, quận Ba Đình, quận Hà Đông, quận Thanh Xuân... Năm 2017, Trường Tiểu học An Dương (quận Tây Hồ) chỉ có 40% số hồ sơ đăng ký trực tuyến thì năm nay, tính đến hết ngày 2-7, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi.
Chiều 2-7, có mặt tại Trường Tiểu học Xuân La (quận Tây Hồ), ông Lê Văn Nghĩa (trú tại phường Xuân La) cho biết: “Bố mẹ cháu đi công tác nên tôi đi đăng ký tuyển sinh trực tuyến cho cháu. Dù không rành về công nghệ thông tin song tôi được cán bộ tuyển sinh hỗ trợ chu đáo”.
Theo ông Lê Văn Nghĩa, đây là lần thứ hai ông đi nộp hồ sơ tuyển sinh đầu cấp cho cháu, nhưng lần này, cách thức đăng ký tuyển sinh trực tuyến đã góp phần giảm tải - việc phụ huynh phải xếp hàng, mệt mỏi chờ đến lượt nộp hồ sơ không còn nữa.
Quy định của quận Tây Hồ về việc thu nhận hồ sơ đối với những phụ huynh đến trường đăng ký tuyển sinh ngay trong những ngày tuyển sinh trực tuyến đã giúp các bậc cha mẹ không phải đến trường thêm một lần nữa. Nếu trong thời gian đăng ký trực tuyến mà chưa kịp thực hiện thủ tục tuyển sinh thì từ ngày 13 đến hết ngày 18-7-2018, phụ huynh có thể trực tiếp đến trường nộp hồ sơ cho con.
Trước ý kiến về việc xuất hiện dịch vụ hỗ trợ chỉnh sửa thông tin học sinh đăng ký tuyển sinh trực tuyến, ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) khẳng định: Từ cuối tháng 5, Sở Giáo dục và Đào tạo đã công bố hướng dẫn chi tiết về quy trình đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Trong trường hợp cần chỉnh sửa thông tin, phụ huynh phải mang hồ sơ đến trường để cán bộ tuyển sinh đối chiếu, chỉnh sửa. Chỉ có cán bộ tuyển sinh của trường mới có quyền chỉnh sửa thông tin.
Áp lực đối với phụ huynh học sinh lớp 10
Trong khi phụ huynh học sinh mầm non, tiểu học, THCS đã bớt nỗi lo xếp hàng nộp hồ sơ nhập học thì phụ huynh có con vào lớp 10 vẫn đang đôn đáo với vòng quay rút - nhập hồ sơ. Việc số lượng học sinh vào lớp 10 tăng hơn 22 nghìn học sinh so với năm trước, sự hạn chế về cơ sở vật chất trường, lớp công lập và sự lộn xộn trong tuyển sinh lớp 10 của một số trường ngoài công lập đã khiến phụ huynh chịu thêm áp lực.
Đỉnh điểm của sự bức xúc là việc Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu điều chỉnh mức điểm chuẩn 3 lần trong 2 ngày, ngoài ra còn thu phí ghi danh với mức 2 triệu đồng/thí sinh. Có không ít thí sinh đạt 48 điểm - cao hơn mức điểm chuẩn ban đầu 2 điểm nhưng do bố mẹ không kịp đến trường nộp hồ sơ vào buổi sáng, đến buổi chiều đã mất cơ hội vào trường bởi mức điểm chuẩn đã được nâng lên thành 49. Điều tương tự xảy ra vào ngày hôm sau, khi mức điểm chuẩn được “hô biến” thành 50,5.
Một số trường ngoài công lập khác như THPT Đào Duy Từ, THPT Lương Thế Vinh... cũng được phụ huynh nhắc đến với nỗi bức xúc bởi những yêu cầu “có một không hai” như nộp hồ sơ gốc trước khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố điểm chuẩn, nộp học phí tháng đầu tiên và một số khoản tiền hỗ trợ cơ sở vật chất với mức trên 3 triệu đồng/thí sinh, cam kết không rút hồ sơ và học ổn định tại trường trong 3 năm học THPT...
Trước những bức xúc của phụ huynh, ngày 1-7, ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ký văn bản gửi hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn thành phố yêu cầu thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh, không gây áp lực cho phụ huynh và tạo điều kiện để phụ huynh, học sinh rút hồ sơ nếu có nhu cầu. Tối 2-7, ông Phạm Văn Đại tiếp tục ký văn bản gửi Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu với những yêu cầu như trên, ngoài ra còn yêu cầu nhà trường hoàn trả phí ghi danh và các khoản phí đã thu khi phụ huynh rút hồ sơ. Ghi nhận ban đầu, nhà trường đã có thông báo cho phụ huynh về việc này.
Vấn đề đặt ra là việc các trường ngoài công lập tự ý điều chỉnh mức điểm chuẩn và đặt ra các quy định, khoản thu không có trong danh mục, gây khó dễ với phụ huynh là đúng hay sai? Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội đối mặt với lượng học sinh vào các lớp đầu cấp tăng đột biến. Việc các trường THPT ngoài công lập cố tình "om" hồ sơ cho qua thời hạn tuyển sinh của các trường công lập rồi mới trả cho phụ huynh, học sinh là điều rất dễ xảy ra nếu cơ quan quản lý không có giải pháp “mạnh tay”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.