(HNM) - Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp cuối năm, giáp tết là các địa phương và cả Trung ương đều có văn bản
Chuyện thoạt nghe thì bình thường, nhiều người cho rằng việc nhắc nhở là cần thiết. Song nếu xét cả về khía cạnh tâm lý và pháp lý thì ở đây vẫn có điều gì đó không bình thường.
Đón Tết Nguyên đán là nét truyền thống của dân tộc, là dịp để đoàn tụ, để gặp gỡ thăm hỏi nhau. Truyền thống ấy bao đời nay vẫn thế và được người người trân trọng. Nhưng cũng không biết từ bao giờ, Tết trở thành cơ hội để một số người tranh thủ vì lợi ích cá nhân. Chuyện dùng công quỹ để biếu xén cấp trên hoặc dùng xe công cho việc riêng đã không còn là cá biệt. Chính vì thế, hằng năm, các địa phương, ban, ngành vẫn cứ phải "đều như vắt chanh", "đến hẹn lại ra" các văn bản nhắc nhở. Từ khía cạnh xã hội, chuyện này dường như đã trở thành nỗi bức xúc trong dư luận.
Về bản chất, việc biếu quà là nét văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Theo truyền thống, Tết chính là dịp để "tết mẹ", "tết cha", "tết thầy"… nhớ ơn những người có công sinh thành, dạy dỗ, những người giúp mình nên người. Đó là một nghĩa cử đáng trân trọng. Nhưng khi nét văn hóa ấy bị lợi dụng để biến thành hành vi nịnh bợ, thành cơ hội vụ lợi, không đơn thuần là tình cảm mà được quy ra tiền, ra lợi ích… thì không thể chấp nhận được.
Nhưng vì sao cứ đến cuối năm các cấp lãnh đạo lại phải có văn bản "nhắc nhở"? Thực tế, một văn bản khi ban hành mà không ấn định thời gian hiệu lực thì mặc nhiên nó chỉ chấm dứt tác động khi có văn bản khác bác bỏ. Nhưng rồi năm nào cũng có những văn bản với nội dung tương tự ở nhiều cấp, ngành, địa phương. Và càng đáng nói hơn, là dù có nhiều văn bản như vậy mà chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát nổi. Bởi điều quan trọng nhất chính là ý thức của mỗi cá nhân, mỗi cán bộ, những người đã nhận trọng trách là công bộc của nhân dân.
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay" và Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XI về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và mới đây là Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đặc biệt nhấn mạnh đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tuy nhiên, tình hình xem ra vẫn chưa được cải thiện, gây bức xúc trong xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn.
Để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt hiệu quả, Đảng, Nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện, và xử lý nghiêm những người cố tình vi phạm. Cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên phải gương mẫu chấp hành, coi đây là tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Chúng ta nói, nhưng cũng phải làm nghiêm túc. Đó là giải pháp quyết định để tự làm trong sạch nội bộ, làm trong sạch Đảng, vừa củng cố lòng tin của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.