Tuần lễ mừng 45 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội ( từ ngày 5 đến 11-12) trở thành ngày hội nghệ thuật không chỉ của giảng viên, sinh viên trong trường mà với cả khán giả Thủ đô.
Nghệ sĩ Thủ đô
Danh xưng tự hào ấy được dành cho những thế hệ sinh viên đã rèn luyện, học tập từ Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội trong gần nửa thế kỷ qua.
Những ngày đầu, tiếp nhận cơ sở trường âm nhạc tư nhân nhưng không chỉ phát huy thế mạnh là đào tạo âm nhạc, Ban giám hiệu nhà trường đã nỗ lực đa dạng hóa ngành đào tạo để Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội có thêm các chuyên ngành như múa, sân khấu, mỹ thuật... Có nhiều người được đào tạo ở đây nay đã trở thành nghệ sĩ, nhà quản lý của lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam: NSND Nguyễn Thị Bình (nay là Hiệu trưởng nhà trường, dịp này được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba); NSƯT Vương Duy Biên (nay là Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL); nghệ sĩ Nguyễn Bình Minh (nay là Phó GĐ Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam); NSƯT Minh Vượng (kịch nói)... Những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, ngành nghề đào tạo của trường tiếp tục được mở rộng, đóng góp cho Thủ đô nguồn nghệ sĩ đa dạng và chuyên nghiệp về thanh nhạc, nhạc nhẹ, mỹ thuật, thiết kế thời trang, đạo diễn âm thanh…, đáp ứng phần nào nhu cầu của xã hội. Mươi năm nay, trường đã xây dựng lộ trình phát triển hướng đến mục tiêu chất lượng đào tạo đạt chuẩn quốc gia, khu vực và trong tương lai sẽ áp dụng tiêu chuẩn đào tạo quốc tế.
Nhiệm vụ chính của trường là đào tạo những người làm nghệ thuật cho Thủ đô, bởi vậy phần lớn học sinh, sinh viên của trường là người Hà Nội. Nhưng cũng có nhiều bạn trẻ ở các địa phương khác tin tưởng vào chất lượng đào tạo của trường đã theo học thành tài rồi trở về phục vụ địa phương. Hiện có khoảng 1.500 sinh viên theo học ở 11 chuyên ngành. Lý giải về "bí quyết" làm nên uy tín đào tạo của trường, NSND Nguyễn Thị Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết : Điểm mạnh và hấp dẫn trong phương pháp đào tạo của trường là phát huy tối đa khả năng nghệ thuật của mỗi học trò; cử giảng viên đi tập huấn phương pháp giáo dục nghệ thuật của các nước trên thế giới; thường xuyên mời những nghệ sĩ hàng đầu mỗi lĩnh vực đến chia sẻ kinh nghiệm với sinh viên; tìm cơ hội ngoài nhà trường cho sinh viên thể hiện tài năng… Nhờ đó, 70% sinh viên tốt nghiệp từ trường đã có việc làm và thu nhập ổn định - hiệu quả đào tạo không phải nơi nào cũng đạt được. Nhiều nghệ sĩ hiện đang được khán giả cả nước mến mộ luôn tự hào vì được đào tạo từ đây như các ca sĩ Ngọc Khuê, Minh Quân, Duy Khoa, Lê Việt Anh, Hoàng Yến, Hoàng Hải, Mỹ Dung; nhà thiết kế Vũ Việt Hà; pianist Trịnh Minh Trang; họa sĩ Nguyễn Trường Linh; nhóm Pha Lê…
Rèn đức luyện tài
"Dạy người trước rồi dạy nghề sau" nên thẩm mỹ nghệ thuật là phần giáo dục không thể thiếu trong nhà trường và được rèn giũa trong suốt quá trình sinh viên theo học. Những điều cơ bản nhất như tác phẩm biểu diễn, trang phục trên sân khấu, đề tài sáng tác cũng như cách ứng xử của người làm nghệ thuật với công chúng đều được giáo dục, định hướng kỹ cho sinh viên. Thế nên, những chương trình nghệ thuật lớn của đất nước và Thủ đô như Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại hội Đảng bộ thành phố, các ngày kỷ niệm trọng đại… Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội luôn được giao nhiệm vụ.
"Thực hành biểu diễn nghệ thuật cũng là phương pháp để rèn giũa người nghệ sĩ cả về đức lẫn tài, để các em thấy mình có trách nhiệm hơn trong công việc. Hằng năm, đoàn thanh niên, các khoa, tập thể nhà trường thường tổ chức hàng chục chuyến lưu diễn đến các vùng sâu, vùng xa của Hà Nội, các nước có Việt kiều lao động sinh sống. Mỗi lần như vậy, từ giảng viên đến sinh viên đều hào hứng" - NSND Nguyễn Thị Bình cho biết. Đặc biệt hai năm trở lại đây, khi "Nhà hát thực hành" của trường khánh thành, các chương trình biểu diễn báo cáo hết kỳ, tốt nghiệp đã trở thành món ăn tinh thần cho khán giả Thủ đô. Vì vậy, tại nhiều hội thi dành cho sinh viên các trường nghệ thuật, sinh viên của trường đều giành giải cao như 5 HCV Liên hoan Ca múa nhạc, Sân khấu kịch hát dân tộc học sinh - sinh viên năm 2010, HCV triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2011, Giải nhất toàn đoàn cuộc thi Tài năng trẻ học sinh, sinh viên các trường VHNT, TT&DL toàn quốc năm 2012.
45 năm, Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội đã chắp cánh cho biết bao nghệ sĩ, để họ tự tin đem tài năng của mình làm đẹp đời sống văn hóa của nhân dân. Thầy và trò nhà trường vẫn không ngừng phấn đấu xây dựng để trở thành nơi đào tạo các bậc nghệ thuật cao hơn, đa dạng hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.