Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi "nóng", nơi "nguội"

Chí Đạo| 03/08/2011 06:54

(HNM) - Trong khi nơi này ra quân rầm rộ, giải quyết triệt để thì ở nơi khác, hàng nghìn vụ vi phạm vẫn tồn tại. Việc xử lý vi phạm hành lang sông Nhuệ không đồng bộ làm gia tăng nguy cơ tái lấn chiếm, khiến việc giải tỏa ngày càng khó khăn hơn.


Ra quân đơn độc, hiệu quả không cao


Dấu hiệu vi phạm mới trên hành lang sông Nhuệ qua địa phận quận Hà Đông.

Hai bên hành lang sông Nhuệ dài khoảng 4km chảy qua xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa) giờ đã thông thoáng, dòng chảy được trả lại nguyên trạng ban đầu. Đây là kết quả của đợt ra quân kéo dài trong 15 ngày xử lý 47 vụ vi phạm với sự tham gia của các lực lượng công an, dân quân tự vệ, thanh niên, cán bộ xã, thôn cùng 3 máy xúc công suất lớn, tổng chi phí 150 triệu đồng. Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban giải tỏa xã Đông Lỗ, ông Dương Văn Sửu cho biết: "Mặc dù phải cưỡng chế nhưng nhiều hộ trong diện giải tỏa đã hợp tác với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Trước đó, UBND xã và các ban, ngành, đoàn thể đã liên tục tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi đến từng gia đình, cử đoàn viên, hội viên vận động, thông báo về Luật Đê điều, Pháp lệnh PCLB cho người dân hiểu và tự giác chấp hành". Điều đáng nói là những vi phạm ở Đông Lỗ cũng khá phức tạp, phần lớn tồn tại từ năm 1990 trở về trước, gồm các dạng vi phạm làm lều lán, nhà, đào ao thả cá... Rút bài học năm 1997, xã đã tiến hành cưỡng chế nhưng sau đó lại tái phạm rất nhanh, lần này UBND xã Đông Lỗ giao nhiệm vụ và quy trách nhiệm tới lãnh đạo các thôn Thống Nhất, Viên Đình, Mạnh Tân, Ngọc Trục, yêu cầu quản lý địa bàn, thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện tái phạm báo cáo UBND xã xử lý. Mặc dù việc giải tỏa đã cho kết quả đáng khích lệ nhưng ông Trần Đình Cường, cán bộ giao thông, thủy lợi xã Đông Lỗ vẫn rất băn khoăn: "UBND TP Hà Nội chỉ đạo các địa phương đồng loạt ra quân xử lý vi phạm đê điều, hành lang sông từ tháng 5 đến cuối tháng 7, nhưng nay trên cùng một tuyến hành lang nhưng 2 địa phương bên cạnh xã Đông Lỗ là xã Châu Can (huyện Phú Xuyên) và xã Duy Hải (Duy Tiên, Hà Nam) chưa thấy xử lý nên người dân rất bất bình. Vì vậy, cứ ra quân trong... đơn độc như Đông Lỗ hiệu quả không cao vì nguy cơ tái phạm rất lớn".

Huyện Từ Liêm - địa phương có vi phạm phức tạp nhất, theo Phó Chánh Thanh tra Xây dựng huyện Nguyễn Ngọc Mạnh, cơ quan này vừa phối hợp với Công ty Thủy lợi sông Nhuệ và các địa phương liên quan kết thúc đợt rà soát tổng thể, hiện tồn tại 1.130 vụ vi phạm, trong đó thị trấn Cầu Diễn nhiều nhất với 353 trường hợp. Đây là cơ sở để các ngành chức năng huyện Từ Liêm phối hợp với UBND các xã, thị trấn và Công ty sông Nhuệ tiến hành phân loại, xử lý theo quy định của pháp luật. Trước đó, theo thống kê của Công ty Thủy lợi sông Nhuệ, ở huyện Từ Liêm có đến gần 2.000 vụ đã được xác định là vi phạm. Cùng với việc thống kê, rà soát, huyện Từ Liêm đã tập trung lực lượng xử lý dứt điểm các vi phạm mới, nhưng cũng chỉ được 44 trường hợp từ đầu năm đến nay tại thị trấn Cầu Diễn, xã Mễ Trì, Mỹ Đình.

Nói phải đi đôi với làm

Trao đổi với PV Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Trần Gia Hưng cho biết, rút bài học làm điểm ở xã Đông Lỗ, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo thị trấn Vân Đình là nơi có khoảng hơn 200 vụ vi phạm hành lang thuộc trục chính sông Nhuệ trên sông Vân Đình xây dựng kế hoạch xử lý. Theo ông Hưng, để việc giải tỏa đạt kết quả tốt, nói phải đi đôi với làm và phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, đặc biệt trên cùng một tuyến sông, nếu không cùng giải tỏa, người dân sẽ có sự so sánh, thực tế này đã xảy ra tại xã Đông Lỗ thời gian qua.

Hiện nay, dọc tuyến đê từ quận Hà Đông đến huyện Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, hầu hết các vi phạm vẫn chưa được xử lý. Thậm chí, tại khu vực đường Thanh Bình (quận Hà Đông), chúng tôi thấy có dấu hiệu của những vi phạm mới như cơi nới ra lòng sông. Theo thống kê, trong số gần 1.000 trường hợp vi phạm, quận chỉ giải quyết được 13 vụ.

Phó Tổng Giám đốc Công ty sông Nhuệ Trần Thị Tuyết Hạnh nhận định, việc thống kê, rà soát cũng gặp một số khó khăn do quan điểm phân loại vi phạm công trình của địa phương chưa thống nhất; nhiều trường hợp vi phạm, đất đai đã qua nhiều lần chuyển nhượng; hồ sơ lưu trữ ở các địa phương không đầy đủ... Hầu hết các địa phương đã xây dựng kế hoạch giải tỏa, riêng quận Hà Đông đề nghị sẽ giải tỏa cùng với giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn, tuy nhiên đến thời điểm này số vụ việc được xử lý rất ít, khả năng tiêu thoát nước cho khu vực nội thành Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng rất lớn khi có mưa lũ lớn.

Hiện trên hệ thống trục chính sông Nhuệ (gồm sông Nhuệ, sông La Khê, sông Vân Đình và sông Duy Tiên) có gần 5.000 vụ vi phạm hành lang sông làm nhà cấp 3, cấp 4, lều lán, nhà xưởng, trồng cây... trong đó vi phạm từ đầu năm 2011 đến nay là 87 vụ. Từ tháng 12 năm 2010 đến nay, các địa phương mới giải tỏa được khoảng 400 vụ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nơi "nóng", nơi "nguội"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.