(HNM) - Họ vẫn nói với bạn bè rằng, dù ở nước ngoài có sung sướng đến mấy cũng chẳng bằng ở Việt Nam. Tuy nhiên, vì sự đam mê nghề, nhiệm vụ được giao và để bảo đảm dòng chảy thông tin đến với bạn đọc, họ vẫn lặng lẽ sống xa người thân, gia đình, cần mẫn tác nghiệp nơi đất khách quê người...
Nhà báo Hoàng Minh Nga (phải) trong một lần tác nghiệp. |
Vượt trở ngại nơi đất khách
Nhà báo Đỗ Hữu Hưng, phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Bắc Kinh (Trung Quốc), kể với chúng tôi rằng, khi bắt đầu nhiệm vụ "đi sứ", anh lo lắm. Ngày đầu đến nước bạn, không thể hình dung được công việc, cuộc sống rồi sẽ ra sao. Lo lắng làm sao để tiếp cận được văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán của người dân bản địa. Khi đã có chút kiến thức, anh lại nghĩ đến thiết lập các mối quan hệ với chính quyền sở tại, Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài và đặc biệt là các đồng nghiệp để chia sẻ thông tin. Phóng viên thường trú được ví như chiến sĩ trên mặt trận thông tin đối ngoại. Vì thế, giữa một "rừng" thông tin ở nước sở tại, anh phải cân nhắc chọn lựa, mức độ thông tin đến đâu cho phù hợp với hoạt động đối ngoại, bảo đảm được thông tin khách quan của vụ việc đến với bạn đọc. Tuy nhiên vượt qua những khác biệt về cuộc sống, bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán và cách ứng xử với người bản địa, giờ đây nhà báo Đỗ Hữu Hưng đã tự tin hơn rất nhiều.
Với nhà báo Phạm Nguyễn Minh Quang, phóng viên thường trú Báo Thanh Niên tại Bangkok (Thái Lan) thì trở ngại lớn nhất vẫn là ngôn ngữ. Cứ ngỡ có vốn tiếng Anh thì "đi đâu cũng được, làm gì cũng xong" nhưng oái oăm thay, ở một số quốc gia, tỷ lệ người dân và quan chức biết nói tiếng Anh cũng rất khiêm tốn. Muốn có tin hay, tin sâu, chẳng còn cách nào khác là phải tự học tiếng bản địa. Cách học nhanh nhất là hằng ngày, hằng giờ tiếp xúc với người dân địa phương và học chính từ các đồng nghiệp người Việt đã có thâm niên công tác tại nước ngoài.
Chia sẻ về công việc, nhà báo Hoàng Minh Nga, Trưởng phân xã Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại New York (Mỹ) cho rằng, khi ra nước ngoài, phóng viên thường trú chỉ đại diện cho đơn vị truyền thông của một quốc gia đơn lẻ, nên rất khó để cạnh tranh với các hãng thông tấn quốc tế có tầm cỡ. Không ít phóng viên thường trú phải trông cậy vào nguồn thông tin được đăng tải bởi Reuters, AP, AFP… Từ thông tin đó, họ tự chắt lọc, phân tích và khai thác dưới góc độ được dư luận trong nước quan tâm. Khác với cách tác nghiệp ở Việt Nam, việc "mua tin" hay trả thù lao cho các cuộc phỏng vấn chuyên gia nước ngoài phụ thuộc vào kinh phí. Có những cuộc phải trả đến 1.000 USD cho người được phỏng vấn. Vì kinh phí dành cho phóng viên thường trú eo hẹp nên có những cuộc phỏng vấn độc quyền thì họ đành bỏ lỡ hoặc dễ mắc sai lầm.
Chị Nga kể: "Mỗi tờ báo của Mỹ cũng có những định hướng nhất định về truyền tải nội dung, do đó việc khai thác phải hết sức khéo léo, thận trọng. Ngay trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ, tôi đã phỏng vấn nhiều người dân và chuyên gia. Nhờ điều này mà tôi không bị ảnh hưởng bởi những thông tin bầu cử trên báo chí Mỹ. Một kỷ niệm vui mà tôi nhớ mãi là cuộc phỏng vấn tình cờ một người Mỹ tự giới thiệu là người hưu trí. Ông đã giúp tôi có được dự đoán chính xác về kết quả bầu cử. Thế nhưng chỉ khi về đến nhà, thử lên Google tìm hiểu xem "người dân" đó có nổi tiếng không mà nói chuyện hay như vậy, thì mới biết ông là Mark Helprin - một nhà văn, đồng thời là cây bút bình luận chính trị của nhiều tờ báo lớn ở Mỹ".
Ngoài bất đồng về ngôn ngữ, văn hóa và cách ứng xử, việc tác nghiệp đơn lẻ của phóng viên thường trú ở nước ngoài cũng luôn tiềm ẩn rủi ro. Nếu như ở trong nước, họ dễ dàng xoay xở, tìm kiếm sự trợ giúp của người dân hay chính quyền địa phương, thì ở nước ngoài, mỗi nhà báo cũng đồng thời là một chiến sĩ, phải biết tự bảo vệ mình.
Chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ trong lúc tác nghiệp đưa tin về cuộc biểu tình tại Thái Lan, nhà báo Phạm Nguyễn Minh Quang kể: “Hôm đó tôi chỉ bước chậm một giây, chắc giờ không còn cơ hội để ngồi mà kể chuyện. Lúc ấy, đang mải hòa cùng dòng người biểu tình, tôi nghe soạt bên tai, một vật cứng sắc nhọn bay vụt trước mặt. Phản xạ nhanh, tôi cúi rạp người xuống. Thót tim, trấn tĩnh lại mới nhận ra vật thể bay đó là "sản phẩm" của những người biểu tình quá khích”.
"Đại sứ" trên mặt trận thông tin
Không chỉ gặp khó khăn, nguy hiểm trong quá trình tác nghiệp, các phóng viên thường trú cũng đối diện với những trăn trở của cuộc sống thường nhật, từ chuyện ăn uống, đi lại, cho tới cuộc sống gia đình, chuyện học hành của con cái... Là Trưởng đại diện nữ đầu tiên của TTXVN tại New York, nhà báo Hoàng Minh Nga cũng là mẹ của hai con nhỏ. Điều này khiến chị không khỏi âu lo trước mỗi chuyến công tác, hoặc phải tham gia những sự kiện vào buổi tối. Trò chuyện với phóng viên Hànộimới, chị Nga bộc bạch: "Lo lắng cho gia đình thì nhiều lắm nhưng biết làm sao được. Nghề mình chọn thì phải cố gắng thôi. Tất cả rồi cũng quen".
Có người thân bên cạnh luôn là điều mong ước của nhiều phóng viên thường trú tại nước ngoài. Tuy nhiên, không phải người nào cũng có may mắn đó. Với nhiều phóng viên thường trú, bạn bè và cộng đồng người Việt ở nước sở tại là chỗ dựa lớn về tinh thần và hoạt động tác nghiệp. Theo nhà báo Phạm Nguyễn Minh Quang, sự gần gũi của bạn bè và kiều bào Việt Nam là nguồn động viên giúp phóng viên thường trú vững tin, cảm thấy bớt cô đơn khi xa gia đình.
Được biết, hiện nay, Việt Nam đang có khoảng hơn 50 cơ quan thường trú của các cơ quan báo chí ở khắp nơi trên thế giới. Trong đó, các đơn vị như Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV)... có một lực lượng khác đông đảo nhà báo, phóng viên thường trú tại nước ngoài. Nhắc đến những cái tên như Duy Nghĩa, Hồng Quang (VTV) hay các nhà báo nữ như Thùy Vân (VOV), Thanh Hà (TTXVN)... chắc hẳn rất nhiều độc giả biết đến. Các nhà báo, phóng viên thường trú đã làm tốt vai trò cầu nối thông tin đối ngoại, không chỉ tuyên truyền hình ảnh đất nước con người Việt Nam ra thế giới, về chính sách đối nội và đối ngoại của Nhà nước Việt Nam, mà còn cung cấp đầy đủ thông tin nước sở tại cho người dân trong nước. Đồng thời cung cấp thông tin trong nước, cũng như về các nước cho người Việt Nam ở nước ngoài.
Trong một thế giới "phẳng" như hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thì sự cạnh tranh thông tin trong báo chí ngày càng đòi hỏi cao hơn. Việc được lựa chọn, cử đi thường trú nước ngoài là một vinh dự với bất cứ phóng viên nào. Nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm lớn, sức ép rất nặng nề vì phải chạy đua với thông tin của nước ngoài. Có thể nói, dù còn nhiều khó khăn trở ngại, nhưng tình yêu nghề, đam mê theo đuổi các thông tin thời sự vẫn luôn là ngọn lửa dẫn đường, tạo động lực giúp các "đại sứ" của mặt trận văn hóa, thông tin vững vàng trước mọi khó khăn, góp phần xứng đáng vào mặt trận thông tin đối nội và đối ngoại của đất nước. Đó cũng là một "binh chủng" hợp thành của đội quân báo chí cách mạng Việt Nam trong mọi thời kỳ phát triển của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.