Giáo dục

Nỗi niềm nhân viên y tế trường học

Thống Nhất 21/12/2023 - 06:58

Theo hướng dẫn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về danh mục vị trí việc làm nhân viên y tế trường mầm non, phổ thông, từ ngày 16-12-2023, đội ngũ nhân viên y tế chuyển từ nhóm “chuyên môn dùng chung” sang nhóm “hỗ trợ, phục vụ” và thực hiện theo hình thức ký hợp đồng lao động.

Sự điều chỉnh này khiến đội ngũ nhân viên y tế có nhiều băn khoăn, trăn trở. Nhiều trường học đứng trước nguy cơ khó có thể tìm được người đảm nhận vị trí này và thu hút họ gắn bó lâu dài để thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe học sinh.

nhan-vien-y-te-truong-trung.jpg
Nhân viên y tế Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) kiểm tra sức khỏe cho học sinh. Ảnh: Đỗ Tâm

Vì sao chuyển sang nhóm hỗ trợ, phục vụ?

Các vị trí việc làm trong cơ sở giáo dục hiện nay được phân thành 4 nhóm gồm: Lãnh đạo quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, chuyên môn dùng chung và hỗ trợ, phục vụ. Trước đây, vị trí việc làm của nhân viên y tế học đường được định biên và là nhân viên trong cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, theo hướng dẫn mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT, vị trí việc làm của nhân viên y tế trường mầm non, trường phổ thông và các trường chuyên biệt công lập chuyển vào nhóm 4 (nhóm hỗ trợ, phục vụ), cùng nhóm vị trí bảo vệ, phục vụ và nấu ăn trong trường học.

Thông tin thêm về căn cứ ban hành hai thông tư nói trên, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 106/2020/NĐ-CP về vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Ngày 30-12-2022, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 12/2022/TT-BNV, trong đó vị trí “y tế học đường” xếp vào danh mục vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.

Ngày 30-10-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT (đều có hiệu lực từ ngày 16-12-2023) hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trong đó vị trí việc làm của nhân viên y tế thuộc nhóm “hỗ trợ, phục vụ” trong trường học. Theo đó, các trường mầm non được bố trí tối thiểu 1 lao động hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ y tế học đường. Các trường phổ thông căn cứ quy mô học sinh, tính chất, khối lượng công việc và điều kiện thực tế để xác định số lượng lao động hợp đồng đối với vị trí nhân viên y tế.

Trong hai thông tư vừa ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định điều khoản chuyển tiếp để bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ nhân viên y tế trường học đã được tuyển dụng trước ngày 15-2-2023 (trước thời điểm Thông tư số 12/2022/TT-BNV có hiệu lực). Cụ thể, nếu đang hưởng lương theo ngạch, bậc, hạng chức danh nghề nghiệp viên chức thì tiếp tục được thực hiện cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương. Những nhân viên y tế trường học tuyển dụng mới sau ngày 15-2-2023 thì thực hiện theo chế độ hợp đồng lao động.

Nhiều nỗi niềm, trăn trở

Gắn bó với Trường Tiểu học Phú Lãm (quận Hà Đông) từ năm 2013 tới nay, hằng ngày, công việc của bà Nguyễn Thị Thùy, nhân viên y tế trường bắt đầu từ lúc 6h sáng và kết thúc vào buổi chiều, khi không còn một học sinh nào ở lại trường. Bà Thùy cho biết, trường có hơn 1.000 học sinh ăn bán trú, nên từ sáng sớm, bà có mặt tại trường kiểm tra việc giao - nhận thực phẩm và theo sát quy trình tổ chức bán trú. Vào đầu giờ học, các giờ ra chơi và giờ tan học của học sinh là những khoảng thời gian nhân viên y tế trường học bận nhất vì phải đối diện nhiều nguy cơ thương tích khi học sinh đùa nghịch.

Tại quận Hà Đông, 76 trường đã tuyển dụng biên chế, còn 21 trường chưa tuyển dụng được nên phải ký hợp đồng nhân viên y tế. Đã có thời điểm, một số trường phải phối hợp với nhân viên y tế của phường để làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe học sinh.

Lý giải về việc tại sao khó tìm người để hợp đồng vị trí nhân viên y tế, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho hay, nếu làm ở phòng khám thì nhân viên y tế có thu nhập khoảng 7 triệu đồng trở lên, nhưng nếu làm ở trường học chỉ được một nửa. Trong khi đó, nhân viên y tế trường học phải trực cả ngày, khối lượng công việc nhiều, số lượng học sinh đông. Với hướng dẫn mới, nguy cơ khó tìm được vị trí đảm nhận nhiệm vụ y tế của các trường học có lẽ càng thêm khó.

Phụ trách công tác y tế của Trường Mầm non Trương Định (quận Hoàng Mai), bà Quản Thị Uyên bộc bạch, rất hụt hẫng và trăn trở khi y tế không thuộc nhóm vị trí việc làm được định biên trong trường học mà thuộc nhóm hỗ trợ, phục vụ. Khối lượng công việc nhiều cùng với sự điều chỉnh này khiến chị và nhiều đồng nghiệp cảm thấy thiệt thòi.

Trước tâm tư, nguyện vọng của nhân viên y tế và vai trò quan trọng của công tác y tế học đường hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 12/2022/TT-BNV theo hướng điều chỉnh vị trí y tế học đường từ danh mục “hỗ trợ, phục vụ” sang danh mục vị trí việc làm “chuyên môn dùng chung”. Đội ngũ nhân viên y tế các trường học đang mong mỏi sớm nhận được phản hồi tích cực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm nhân viên y tế trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.