(HNM) - Chiều muộn 9-11, trên phố Hàng Nón, một chị đạp xe đèo cái hộp xốp đựng mía đi bán dạo, gần tới đầu phố Hàng Thiếc thì có người gọi:
- Mía... ơi... Cho mua mấy tấm nào...
- Vâng... Bác mua giúp nốt cho em về, kẻo tối đến nơi rồi... - Chị hàng mía dừng xe, đon đả rồi đưa gói mía đã dóc, tiện sẵn từng khoanh, xởi lởi "bác cứ nếm khắc biết, không ngọt em không dám lấy tiền...". Bà khách ăn thử liền mấy khoanh, gật gù tỏ vẻ hài lòng:
- Còn bao nhiêu, để tôi mua nốt...
Nhận tiền, bó gọn mấy tấm mía trao cho khách xong, cô hàng cúi nhặt hết chỗ bã mía bà khách vừa bỏ trên vỉa hè...
- Ôi dào, cứ để đấy - Bà khách thấy vậy tặc lưỡi - Đến tối sẽ có công nhân môi trường quét dọn mà…
- Để em nhặt rồi bỏ thùng rác công cộng, bây giờ phố nào cũng có phong trào không vứt rác ra đường, nhất là phố cổ, nghe nói còn trừ cả điểm khu phố văn hóa, gia đình văn hóa nếu vứt rác tùy tiện ra hè phố nữa... Cánh hàng rong chúng em càng phải chấp hành, không thể làm ảnh hưởng đến các bác được...
Vừa nói, cô hàng mía vừa cất gói bã cẩn thận vào dưới cái hộp xốp. Trước khi đi, cô còn lấy ra một cái túi giấy đưa cho bà khách:
- Em biếu bác cái túi này, thứ túi tự tiêu của mấy anh thanh niên tình nguyện tặng em dạo trước, có thể dùng một lần hay nhiều lần cũng được, nhưng quả là không nên bỏ rác trong túi ni lông...
- Cám ơn, nhưng cô cẩn thận và... lo xa quá.
- Nhà em ở gần khu bãi rác nên mới biết, trồng có vạt rau mà bổ nhát cuốc xuống chỉ độc thấy ni lông là ni lông, mà người ta nói thứ này cả đến chục năm, trăm năm cũng không tiêu nổi dưới lòng đất, tai hại lắm... Cũng mong rồi người ta sản xuất và bán thứ túi tự tiêu này cho bà con khắp nội, ngoại thành thì tốt biết mấy...
Tình cờ chứng kiến cuộc đối thoại của cô bán hàng rong, Người Xây Dựng ước ao: Giá như người bán hàng rong nào cũng ý thức được như chị bán mía kia. Và nữa, các nhà quản lý môi trường và cơ quan chức năng suy nghĩ gì trước mong mỏi giản dị của cô gái ngoại thành ấy?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.