(HNM) - Giải vô địch Bi sắt quốc gia mới kết thúc tại Hà Nội được coi là sân chơi quan trọng nhất để tuyển chọn VĐV đội tuyển quốc gia, chuẩn bị cho SEA Games 26. Nhưng khả năng để lọt những VĐV có khả năng đoạt huy chương quốc tế vẫn còn.
VĐV bi sắt Nguyễn Thị Hiền trên sân thi đấu. |
Không thuộc nhóm 3 đoàn dẫn đầu, vì kém TP Hồ Chí Minh về số huy chương đồng nhưng việc đoạt 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ cũng là thành tích chấp nhận được của bi sắt Hà Nội, bộ môn thể thao mới phát triển được hơn 6 năm nay. Trong khi đó Sóc Trăng, Trà Vinh, TP Hồ Chí Minh những đoàn dẫn đầu đã phát triển bi sắt từ lâu. Để có HCV tại giải vô địch toàn quốc là cả chặng đường lao động cật lực của thầy trò đội bi sắt Hà Nội cũng như sự "chịu chơi" của lãnh đạo Trung tâm Đào tạo VĐV cấp cao của Thủ đô. Từ nhiều năm nay, các VĐV bi sắt Hà Nội liên tục được đi tập huấn ở Thái Lan, một trong những quốc gia phát triển mạnh nhất môn này. Tại Việt Nam, hiếm địa phương nào theo kịp bi sắt Hà Nội ở khoản này nên khoảng cách giữa VĐV Hà Nội với các đoàn có truyền thống ngày càng thu hẹp. Riêng ở các giải quốc tế, VĐV Hà Nội lại tỏ ra vững hơn về bản lĩnh.
Giải Bi sắt vô địch quốc gia 2011 kết thúc tại Cung Thể thao Quần Ngựa (Hà Nội) với chức vô địch toàn đoàn thuộc về Trà Vinh (4 HCV, 2 HCB), thứ nhì - Sóc Trăng (3 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ), ba - TP Hồ Chí Minh (1 HCV, 1 HCB, 4 HCĐ). Đoàn Hà Nội xếp thứ tư với 1 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ. HCV của đoàn Hà Nội thuộc về Vũ Thị Dung - Nguyễn Thị Trang (nội dung đôi nữ). |
Trước giải năm nay, bi sắt Hà Nội tập trung vào các nội dung đơn, đôi và cuối cùng đoạt 1 HCV đôi nữ. Dù vậy, VĐV sáng giá nhất của bi sắt Hà Nội Nguyễn Thị Hiền - vô địch ĐH Thể thao trong nhà châu Á 2009, vô địch SEA Games 25, lại không thi đấu thành công. Tuy nhiên, ít ai biết rằng Nguyễn Thị Hiền mới trở lại tập luyện sau thời gian sinh con.
Từ nhiều năm nay, HCV giải vô địch quốc gia vẫn là tấm thông hành đưa VĐV vào đội tuyển quốc gia. Cũng vì vậy, các đoàn chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng cho giải này. Như giải năm nay, Hà Nội tập trung cho các nội dung đơn, đôi nên đã đoạt HCV đôi nữ, bảo đảm có VĐV được vào đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 26.
Bi sắt Việt Nam có cái khó là ít kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Ngoài Hà Nội, các tỉnh, thành, ngành khác không có điều kiện cho VĐV đi tập huấn nước ngoài nên có thể thi đấu trong nước rất hay nhưng thi đấu quốc tế lại dở. Thậm chí, cách đây không lâu, ở một giải quốc tế, có VĐV còn mất tăm (theo đúng nghĩa đen) vì ngợp khi được HLV gọi vào thi đấu. Thế nên, cứ theo tiêu chí chọn VĐV vào đội tuyển quốc gia như hiện nay thì khả năng không thành công tại các giải quốc tế quan trọng cũng rất cao. Nhưng, nếu không gọi VĐV đoạt HCV ở giải trong nước vào đội tuyển thì lại ảnh hưởng đến phong trào tập luyện trong cả nước. Đấy cũng là cái khó của bi sắt Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.