(HNM) - “Tôi tin rằng, sẽ còn nhiều sân chơi cờ vua hơn nữa để người khuyết tật được thi đấu bình đẳng, sòng phẳng không có khoảng cách với các vận động viên bình thường cũng như đạt các danh hiệu trong làng cờ vua ở nước ta và thế giới. Quan trọng nhất là phải có người tạo ra sân chơi”, Đại kiện tướng quốc tế Bùi Vinh, phụ trách Câu lạc bộ Cờ vua Kiện tướng tương lai chia sẻ trong một ngày cuối tháng 12.
Ước mơ thành sự thật
Giữa tuần này, Câu lạc bộ Cờ vua người khuyết tật Hà Nội tổ chức giải đấu (3 tháng một lần) giữa các kỳ thủ trong câu lạc bộ, với những kỳ thủ bình thường khác. Ở giải đấu lần này, 5 huấn luyện viên tại Câu lạc bộ Kiện tướng tương lai, trong đó có Lã Mạnh Tuấn đã tham dự với tư cách vận động viên. Lã Mạnh Tuấn chia sẻ: "Tham gia giải mang đến niềm vui cho tôi, bởi đã giúp các vận động viên người khuyết tật trau dồi chuyên môn, thêm đam mê với môn cờ vua".
Đó chỉ là một trong những hoạt động của Câu lạc bộ Kiện tướng tương lai nhằm tạo nên sân chơi bình đẳng cho vận động viên cờ người khuyết tật. Còn với nữ kỳ thủ khiếm thị Nguyễn Thị Mỹ Linh, những sân chơi cờ vua giữa người khuyết tật và người bình thường từng là ước muốn của cô. Hồi mới 5 tuổi, thị lực của Mỹ Linh suy giảm khiến cô chỉ còn nhìn thấy những hình ảnh mờ trước mắt. Khi sinh hoạt tại Câu lạc bộ Cờ vua người khuyết tật Hà Nội, Mỹ Linh cũng đã được thi đấu với những kỳ thủ bình thường, nhưng là ở những cuộc đấu mang tính chất giao lưu. Còn việc được thi đấu ở những giải đấu chính thức, nơi kỳ thủ được tính hệ số elo quốc tế thì đó chỉ là giấc mơ. “Em và nhiều kỳ thủ cùng cảnh ngộ từng mơ được dự những giải cờ vua như bao giải dành cho người bình thường diễn ra ở Việt Nam. Vậy mà ước mơ đó lại có thật”, Mỹ Linh nói.
Nguyễn Thị Mỹ Linh vẫn nhớ rõ lần đầu tiên dự một giải cờ quy mô lớn trong đời, có sự tham dự của cả người bình thường và người khuyết tật. Đó là giải cờ vua “Không khoảng cách” lần thứ nhất vào năm 2016. Chính giải đấu này đã tác động mạnh đến ý thức phải làm gì đó cho cộng đồng của những người gắn bó lâu năm với môn cờ vua. Để rồi, những năm sau đó, một số giải cờ vua không phân biệt đối tượng dự giải là người bình thường hay người khuyết tật đã được tổ chức nhiều hơn, trong đó nổi lên vai trò của các câu lạc bộ như: Kiện tướng tương lai, Vietchess.
Nguyễn Thị Mỹ Linh cùng nhiều kỳ thủ người khuyết tật khác ở Hà Nội đã dự sân chơi này và tích lũy hệ số elo đáng kể. Như hiện tại, Nguyễn Thị Mỹ Linh có hệ số elo hơn 1.300. “Trước đây, em không nghĩ sẽ có hệ số elo, bởi để sở hữu elo phải được tham dự những giải đấu do Liên đoàn Cờ vua thế giới công nhận. Nhưng rồi, giải cờ vua hệ số quốc tế Hà Nội do Câu lạc bộ Kiện tướng tương lai tổ chức và giải “Road to Master” do Câu lạc bộ Vietchess tổ chức đã mở ra cơ hội cho em. Thậm chí, em còn cảm nhận rõ hơn về sự đồng cảm, không phân biệt của các kỳ thủ bình thường với người khuyết tật. Dễ thấy nhất là chuyện người chơi cùng mình không bắt lỗi khi em chạm vào quân cờ trên bàn trong lúc thi đấu nhằm tính toán nước đi. Trong khi bình thường, nếu không thi đấu ở bàn cờ chuyên dụng cho người khiếm thị thì em bị coi là phạm luật và phải đi ngay quân cờ mà mình chạm vào”, Mỹ Linh cho biết.
Kỳ thủ khiếm thị Nguyễn Mạnh Quyết cũng dẫn lại câu chuyện của mình: “Tôi vẫn thường đề nghị người chơi thông báo về khoảng thời gian sắp hết của mình trong mỗi ván đấu. Đối thủ đều hỗ trợ để tôi yên tâm thi đấu”. Năm nay, Nguyễn Mạnh Quyết đã 17 tuổi. Quyết cũng từng mong mỏi được thi đấu với người bình thường ở những giải đấu không phân biệt đối tượng. Khi còn theo học ở Trường phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, cậu từng mong sẽ được dự giải học sinh quận. Nhưng rồi ý định đó cũng không thành. Đến khi có các giải cờ vua do Câu lạc bộ Kiện tướng tương lai, Vietchess hay một số đơn vị khác tổ chức thì Nguyễn Mạnh Quyết mới có cơ hội. “Đến giờ hệ số elo của em là 1.293. Đó là điều mà em chưa từng nghĩ đến khi tập luyện cờ vua. Vì thế em đã đặt mục tiêu cho mình là sẽ đạt elo 2.200”, Nguyễn Mạnh Quyết khoe.
Cả xã hội cùng chung tay
Từ 4 năm nay, Đại kiện tướng quốc tế Bùi Vinh và các thành viên Câu lạc bộ Cờ vua Kiện tướng tương lai vẫn luôn đau đáu với việc tổ chức sân chơi cờ vua, nơi chỉ có khái niệm “kỳ thủ”, không phân biệt giữa kỳ thủ bình thường và kỳ thủ người khuyết tật. Mỗi dịp tổ chức giải có tính hệ số elo quốc tế hay như Giải Cờ nhanh Hà Nội mở rộng… trong 3-4 năm gần đây, Ban Tổ chức gồm Liên đoàn Cờ Việt Nam, Câu lạc bộ Kiện tướng tương lai đều mời các kỳ thủ người khuyết tật tham dự các bảng đấu như mọi kỳ thủ bình thường khác. Họ được miễn phí tham dự, được công nhận hệ số elo nếu có thành tích tốt và được đội ngũ tình nguyện viên hỗ trợ tối đa. Đến nay, đã có hàng trăm lượt kỳ thủ người khuyết tật, chủ yếu là kỳ thủ khiếm thị, tham dự các giải đấu tính hệ số elo do Câu lạc bộ Kiện tướng tương lai tổ chức.
Tại Hà Nội, ngoài Câu lạc bộ Kiện tướng tương lai, Câu lạc bộ Vietchess cũng tích cực tổ chức các giải đấu có tính hệ số elo quốc tế, trong đó cũng miễn phí tham dự cho kỳ thủ người khuyết tật. Như phụ trách câu lạc bộ Lương Trọng Minh từng chia sẻ, thì đó là thông điệp rõ ràng nhất về sự bình đẳng giữa người thường và người khuyết tật. Đi xem nhiều giải cờ vua tại Hà Nội, anh Nguyễn Anh Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) nhận xét: “Những ván cờ hấp dẫn của các kỳ thủ khiếm thị vốn phải dựa vào sự cảm nhận của đôi bàn tay hay những kỳ thủ khuyết tật thường phải gắn mình cùng xe lăn, nạng gỗ luôn đem đến trải nghiệm quý giá cho người chơi bình thường và chính tôi về nghị lực, ý chí vượt qua hoàn cảnh, theo đuổi đam mê cờ đến cùng. Đó là hình ảnh đẹp và nhân văn mà tôi luôn muốn thấy”.
Cũng nhờ những nỗ lực của các câu lạc bộ mà tới nay, hơn 20 kỳ thủ người khuyết tật, chủ yếu là người khiếm thị, đã có hệ số elo quốc tế.
Đại kiện tướng quốc tế Bùi Vinh bày tỏ: “Tôi tin rằng cờ vua là môn thể thao thích hợp để xóa khoảng cách giữa người bình thường với người khuyết tật. Về lâu dài cần tính tới việc phong cấp quốc gia cho những kỳ thủ người khuyết tật nếu họ đạt được thành tích như các kỳ thủ bình thường khác. Chúng tôi luôn mong muốn có nhiều đơn vị tổ chức sân chơi cờ vua có tính hệ số elo hoặc có giải thưởng cho người khuyết tật”.
Có những việc tưởng như khó thực hiện, nhưng trong thực tế chỉ cần nỗ lực cùng mong muốn mang đến những điều tốt đẹp hơn cho cộng đồng thì sẽ thực hiện được. Nhìn vào niềm vui của những kỳ thủ người khuyết tật khi có nhiều sân chơi bình đẳng tại các giải cờ vua ở Hà Nội, chúng ta sẽ có thêm động lực để cùng nhau thực hiện những điều tốt đẹp cho cộng đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.