Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi lo vũ khí “nóng” trôi nổi

Thành Tâm| 14/01/2017 06:42

(HNM) - Cuối tháng 10-2016, trên địa bàn Hà Nội liên tục xảy ra 2 vụ nổ súng, trong đó gây xôn xao dư luận là vụ án giết người, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng xảy ra tại ngõ 23 phố Nguyễn Thị Định (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) vào rạng sáng 27-10-2016, trước nhà nghỉ Nam Cường.

Các đối tượng mang theo 2 súng tiểu liên, 1 súng ngắn, bắn bừa bãi, khiến 1 người tử vong, 1 người bị thương. Sau khi xác định được nghi can, công an khám xét và thu giữ được 1 súng ngắn, 2 súng AK, 1 súng bắn tên, 2 mìn tự tạo, 60 viên đạn các loại. Vụ thứ hai, ngày 20-11-2016, công an khám xét khẩn cấp nơi ở của nghi can buôn bán ma túy Lê Cao Long (SN 1969, ở phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng), thu giữ 2 khẩu súng ngắn quân dụng, 2 hộp tiếp đạn có 12 viên đạn, 5 quả lựu đạn…

Trước đó vào cuối tháng 7-2016, Công an quận Đống Đa nhận được tin báo của người dân có một nam thanh niên rơi từ tầng 3, số nhà 866 đường Láng xuống đường. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ, bắt giữ 4 đối tượng, trong đó có Vũ Quang Hùng (SN 1981, trú tại số 4 Văn Cao, phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội). Khám xét nơi tạm trú của đối tượng, công an thu giữ 11 khẩu súng trong đó có 3 khẩu súng dài có ống ngắm, 8 khẩu súng ngắn, hàng trăm viên đạn các loại cùng nhiều vũ khí, dao kiếm khác.

Thống kê trong số vũ khí, vật liệu nổ bị thu giữ qua 5 năm thực hiện Kế hoạch 141 của Công an thành phố thu được 21 súng quân dụng, hơn 800 viên đạn, gần 34,5g chất nổ. Điều đáng nói, đây mới chỉ là những con số thu giữ được, còn số vũ khí vật liệu nổ trôi nổi lớn hơn nhiều. Câu hỏi đặt ra là, tại sao các đối tượng lưu manh côn đồ, đối tượng buôn bán ma túy lại có sẵn nhiều loại vũ khí quân dụng nguy hiểm như vậy? Chưa kể, nhiều loại vũ khí “nóng” khác như súng tự chế, kiếm... cũng không còn là đồ hiếm. Trên thực tế, hoạt động mua bán vũ khí đã và đang diễn ra âm thầm, phức tạp. Theo đánh giá của cơ quan công an, các đối tượng tổ chức mua bán súng, vũ khí quân dụng ngày càng tinh vi, quy mô ngày càng lớn. Nhiều vụ vận chuyển súng qua đường hàng không, cửa khẩu biên giới... đã được phát hiện.

Gần đây, vào cuối tháng 10-2016, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an đã phá chuyên án, bắt Lê Hồ Anh Khoa (SN 1986, trú ở Đà Nẵng) để điều tra hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng. Khoa bị bắt tại tỉnh Quảng Ninh khi đang chuẩn bị giao hàng gồm 4 khẩu súng quân dụng các loại. Một vụ việc khác, ngày 30-11-2016, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo (tỉnh Quảng Bình) phối hợp với Hải quan cửa khẩu Cha Lo bắt giữ vụ vận chuyển một số lượng đạn lớn. Đối tượng bị bắt mang qua biên giới 700 viên đạn và khai nhận mục đích là về nội địa bán kiếm lời…

Từ thực trạng trên, công tác quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ được lãnh đạo Bộ Công an nhấn mạnh là một trong những hoạt động nghiệp vụ cơ bản. Trung tướng Nguyễn Danh Cộng, Chánh Văn phòng Bộ Công an khẳng định, công tác quản lý, phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo đã được tăng cường chú trọng. Song, so với yêu cầu thực tiễn cũng như diễn biến của tội phạm, công tác này cần được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu và phải tổ chức thường xuyên hơn.

Tết Nguyên đán đang đến gần, vấn đề vũ khí, vật liệu nổ đã được cơ quan công an tập trung xử lý, trong đó yêu cầu là siết chặt công tác quản lý. Song, nếu có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân thì việc phát hiện, phòng ngừa tội phạm tàng trữ, buôn bán súng, vật liệu nổ mới đạt hiệu quả cao, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Thủ đô nói riêng và trên cả nước nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo vũ khí “nóng” trôi nổi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.