Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi lo… “tiêu chí”

Nhị Hoàng| 15/07/2010 07:19

(HNM) - Trở về sau cuộc họp triển khai nội dung xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của cấp trên, ông Tư cứ băn khoăn mãi. Chẳng là xã ông được huyện chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới trong năm 2010 để từ đó rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng. Đáng ra là mừng mới phải, nhưng thực tâm ông băn khoăn nhiều hơn.

Đề án "Xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội giai đoạn 2010-2020, định hướng đến năm 2030" với tổng kinh phí gần 32 nghìn tỷ đồng vừa được TP đề nghị Chính phủ phê duyệt. Theo đó, các chỉ tiêu cụ thể cho từng giai đoạn cũng được hoạch định như: Đến năm 2015 sẽ có 40-45% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2020 tăng lên 80-90%... Riêng năm 2010, mỗi huyện, thị xã chọn ít nhất 1-2 xã làm điểm về rút kinh nghiệm. Không chỉ nông dân ở hơn 400 xã ngoại thành Hà Nội quan tâm mà tại các cuộc góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XV Đảng bộ TP, các mục tiêu, chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới đến năm 2015 cũng được bàn thảo sôi nổi với tâm trạng vui xen lẫn những băn khoăn, lo lắng. Xã của ông Tư được huyện chọn làm điểm, ở ngay ven đô, có phố trong xã, việc xây dựng nông thôn mới theo hướng một nông thôn đô thị là lẽ đương nhiên. Thế nhưng nhiều người có suy nghĩ giống ông và phân tích: Riêng tiêu chí "thu nhập bình quân đầu người/năm so với mức bình quân chung của các xã khác trên địa bàn huyện phải cao hơn 1,5 lần - tức là năm 2010 phải đạt 13-14 triệu đồng/người - cũng khó khăn. Đặc biệt, tiêu chí "tỷ lệ lao động việc làm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp giảm xuống còn 25%...", vậy lao động không làm nông nghiệp nữa sẽ chuyển sang việc gì? Xã ông đúng là sắp thành đại công nghiệp vì có rất nhiều dự án đang được triển khai, dân được nhận tiền đền bù đất cũng không ít nhưng họ sẽ làm gì khi không còn đất ruộng và trong tay không có nghề phụ?

Tại cuộc họp, nhiều người còn nêu các tiêu chí khác như vệ sinh môi trường - một vấn đề bức xúc của địa phương hiện nay. Nông thôn mới mà nước thải, rác thải ứ đọng, hệ thống thoát nước không bảo đảm, nước sinh hoạt thiếu thốn, đường chẳng ra đường - thì liệu có ổn, liệu có thực chất? Và họ tỏ rõ nỗi lo thật sự bởi xung quanh làng là các đô thị mới, nhà ống cao thấp lô nhô; trong làng cũng đang có một thực tế nhiều nhà đua nhau xây dựng, cải tạo; nguy cơ biến vùng quê thành vũng chứa nước thải của đô thị "mẹ" là nhỡn tiền. Sợ rằng, mục tiêu xây dựng nông thôn mới không thành mà chưa biết chừng lại trở thành khu ô nhiễm mới.

Phát triển đô thị gắn liền với xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Chính phủ rõ ràng cần một lộ trình cụ thể. Để đạt danh hiệu, không thể ngày một ngày hai; càng không thể chạy đua với thời gian mà "ép" phải thực hiện bằng được các tiêu chí (10 tiêu chí) - khi nông thôn chưa thực xứng đáng!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo… “tiêu chí”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.