(HNM) - Có bề dày cả nghìn năm tuổi, những sản phẩm của làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức) có mặt ở nhiều nơi linh thiêng, cổ kính như Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Cố đô Huế…
Làng Sơn Đồng có 11 thôn thì cả 11 thôn làm nghề. Làng nghề này cũng đã có lúc mai một và được khôi phục vào năm 1983 khi cụ Dậu là nghệ nhân tâm huyết đứng ra mở lớp truyền nghề cho 30 học viên mà sau này họ đều là những thợ giỏi, giám đốc các công ty làm ăn phát đạt. Những tác phẩm tuyệt tác của Sơn Đồng nhờ lớp thợ giỏi ở đây tài hoa khéo léo trổ tài đạt độ tinh xảo, chuẩn mực. Nghệ nhân Trần Quang Hùng cho biết, bí quyết thành công khi làm đồ thờ cho các đình chùa là phải nắm chắc niên đại để thể hiện họa tiết, hoa văn, màu sắc khác nhau sao cho phù hợp thời kỳ của lịch sử. Vì vậy, làng nghề này rất kén thợ, đòi hỏi sự tỉ mỉ khéo léo đến từng chi tiết nhỏ. Công việc truyền nghề, dạy nghề cho người dân Sơn Đồng hiện rất khó khăn do lớp trẻ bây giờ hiếu động không muốn ngồi mãi một chỗ để đục đẽo, mài dũa từng hoa văn, họa tiết cầu kỳ. Nếu không mở rộng đào tạo, dạy nghề, truyền nghề cho người ngoài địa phương thì nỗi lo thất truyền một nghề truyền thống đã có danh tiếng nghìn năm là điều khó tránh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.