(HNM) - Nền kinh tế đang tiếp tục gặp khó khăn do ảnh hưởng suy thoái, hậu quả là phần lớn các chỉ tiêu kinh tế không đạt như mong muốn. Trong bối cảnh đó, xuất khẩu vẫn là điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế, trong khi một vấn đề đáng lo ngại là kim ngạch nhập khẩu rơi vào cảnh trầm lắng bất thường. Một số chuyên gia cảnh báo, đây là diễn biến mới và không thể xem thường…
Xuất khẩu duy trì phong độ
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu (XK) cả nước tháng 7-2012 đạt 9,6 tỷ USD, tương đương mức thực hiện của tháng trước và nâng tổng kim ngạch XK 7 tháng qua lên 62,933 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 7, có hai mặt hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD, gồm hàng dệt may (1,4 tỷ USD), điện thoại các loại và linh kiện (1,2 tỷ USD). Đến thời điểm hiện tại, đã có 13 nhóm hàng đạt kim ngạch XK vượt 1 tỷ USD, trong đó có tới 11 nhóm hàng kim ngạch vượt 2 tỷ USD. Đứng đầu là hàng dệt may, tiếp đến là điện thoại các loại và linh kiện điện thoại, giày dép, thủy sản, cà phê, gỗ và sản phẩm gỗ… Kết quả trên được đánh giá là tích cực, thể hiện sức sống của lĩnh vực XK, với sự gắng sức, linh hoạt của các DN trong việc duy trì XK hàng hóa sang những thị trường truyền thống bên cạnh việc tìm thị trường mới, thị trường nhỏ lẻ. Trong đó, một số thị trường lớn, có sức mua khá ổn định vẫn đều đặn "ăn hàng" Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, khu vực ASEAN, Trung Quốc… Đáng lưu ý, Hoa Kỳ hiện đứng vị trí là đối tác nhập khẩu (NK) lớn nhất của DN nước ta; tạo điều kiện tốt và sự "an tâm" cho DN nước ta sản xuất hàng XK để từng bước gia tăng giá trị XK kết hợp tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt. Thực tế cho thấy, việc hàng hóa Việt Nam thâm nhập thành công vào thị trường Hoa Kỳ cũng chính là bằng chứng sáng giá, thể hiện uy tín tầm vóc quốc tế của DN và hàng hóa Việt, qua đó sẽ dễ dàng thâm nhập thị trường khác…
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty CP May 10. Ảnh: Minh Nguyễn |
Từ nay đến cuối năm, Bộ Công thương sẽ phối hợp với Bộ Tài chính quan tâm thỏa đáng đến tình hình hoạt động của DN và chủ động bảo lãnh tín dụng cho DN, nhất là DN nhỏ và vừa làm hàng XK cũng như điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế XK và NK theo hướng có lợi cho DN. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát các quy định, trình tự thủ tục, nhất là thuộc ngành thuế và hải quan để hỗ trợ các đơn vị trong sản xuất và XK hàng hóa.
Nhập siêu thấp... "kỷ lục"
Bảy tháng qua, kim ngạch NK cả nước đạt 62,991 tỷ USD, vì vậy mức nhập siêu chỉ là 58 triệu USD, bằng 0,09% tổng kim ngạch XK. Mức nhập siêu này là thấp kỷ lục so với cùng kỳ nhiều năm qua, đồng thời thấp hơn nhiều so với dự báo và chỉ tiêu đề ra từ đầu năm.
Về lý thuyết, nhập siêu thấp là dấu hiệu tốt, thể hiện sự lành mạnh trong cán cân thương mại của một nền kinh tế giàu sức cạnh tranh. Tuy nhiên, vấn đề này chỉ đúng đối với những nền kinh tế phát triển, có khả năng làm chủ tình huống cũng như cân bằng được đầu vào - đầu ra cho nền kinh tế bằng cách duy trì XK liên tục, mang lại nguồn thu cho đất nước. Trong khi đó, các chuyên gia đang lo ngại về hậu quả mặt trái của việc nhập siêu ngày càng có xu hướng giảm thấp ở nước ta. Đặc biệt, riêng tháng 7 qua, quan hệ xuất - nhập khẩu đã đột ngột "đảo chiều", dẫn đến kết quả là nước ta xuất siêu 100 triệu USD. Đây là một sự bất thường, "ngược" với thông lệ, đồng thời nằm ngoài dự đoán của giới quản lý, chuyên gia, bởi thực tế từ trước đến nay cho thấy, tháng nào Việt Nam cũng nhập siêu và mỗi năm nền kinh tế thường xuyên nhập siêu trung bình 10 tỷ USD. NK của Việt Nam chủ yếu là các loại nguyên, vật liệu, thiết bị, máy móc… để các DN sử dụng, sản xuất phục vụ thị trường trong nước kết hợp XK. Các chuyên gia nhận định, nhập siêu của Việt Nam có tính chất quy luật, phản ánh thực trạng nền kinh tế đang phát triển, phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên vật liệu từ bên ngoài để duy trì định hướng hướng về XK. Vì vậy, sự nhập siêu quá thấp như trên thật sự là vấn đề đáng lo ngại, bởi nó báo hiệu sự trì trệ trong hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước, với sự đình đốn của một số DN. Như vậy, xét trong hoàn cảnh cụ thể, nếu nhập siêu càng giảm càng đáng lo.
Các chuyên gia cho rằng, trong tình huống cụ thể hiện tại, rất khó đưa ra một phương án hay gói giải pháp nào có thể trị được "bệnh" nhập siêu thấp, bởi vấn đề này phụ thuộc vào sự tăng trưởng của sản xuất công nghiệp là chủ yếu. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp đang trầm lắng, hiện tượng tồn đọng sản phẩm xảy ra ở nhiều doanh nghiệp khiến họ buộc phải cắt giảm sản xuất nên nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu NK không thể tăng lên so với thời gian trước. Thực chất đây là vòng luẩn quẩn, chưa thể xử lý dứt điểm một sớm một chiều. Vấn đề này phụ thuộc vào sự sôi động trở lại của thị trường nội địa, cũng như sự gia tăng nhu cầu tiêu dùng thế giới, tức là đầu ra cho sản xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.