(HNM) - Không phải đến thời điểm này Hà Nội mới ngầm hóa hệ thống đường dây điện. Việc này đã được thử nghiệm cách đây cả chục năm nhằm đáp ứng nhu cầu về mỹ quan đô thị. Chỉ có điều các nhà quản lý cần phải tính hết các yếu tố phát sinh, bởi một lý do dễ hiểu, khi đã chôn xuống sẽ khó sửa chữa hơn nhiều so với việc sửa chữa lộ thiên...
Sẽ hạ ngầm 100% cáp trung áp trong nội thành
Hoàn thành việc hạ ngầm cáp điện trên phố Tràng Tiền. Ảnh: Linh Tâm
HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Dự án "Quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020". Sau khi mở rộng địa giới với diện tích rộng gấp 3,5 lần Hà Nội cũ, dân số lên tới 6,4 triệu người, với 29 quận, huyện, thị xã trực thuộc, đòi hỏi phải lập, phê duyệt quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội giai đoạn mới để làm căn cứ đầu tư xây dựng các công trình điện lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu về cung cấp điện đủ, ổn định, chất lượng cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sử dụng điện, thì lưới điện sẽ tỉ lệ thuận với nhu cầu, nên yêu cầu hạ ngầm lưới điện trung áp ngày càng tăng (khu vực trung tâm đạt 98%) góp phần cải thiện mỹ quan đô thị, nhất là khu vực nội thành và các khu đô thị mới. Hệ thống lưới điện trung áp Hà Nội có 54 trạm biến áp (TBA) trung gian với tổng dung lượng 377,83MVA và 10.387 TBA phân phối với tổng dung lượng 5.166MVA, do đó việc hạ ngầm lưới điện trung thế để bảo đảm mỹ quan cho Thủ đô là nhiệm vụ cần thiết.
Theo đề án đã phê duyệt, đến năm 2015 việc ngầm hóa toàn TP đạt tỷ lệ 35-40%, riêng khu vực trung tâm đạt tỷ lệ 90-100%; các quận, huyện còn lại tùy theo từng khu vực cụ thể sẽ xem xét ngầm hóa ở các tuyến phố chính đã ổn định quy hoạch và các thị trấn, các khu đô thị mới, các khu công nghiệp đồng bộ với sự phát triển của các dự án hạ tầng khác như thông tin liên lạc, bưu chính viễn thông.
Một nhát cuốc, đi… nhiều tỷ đồng
Cuối tháng 11, hai công nhân đang đào đường cống trước số nhà 10, phố Lê Trực (quận Ba Đình) bị điện giật bất tỉnh, báo động tình trạng thi công ẩu, thiếu sự phối hợp giữa đơn vị thi công và chủ sở hữu các công trình ngầm, như cấp thoát nước, điện lực, viễn thông… trên địa bàn. Được biết, hai công nhân trên đào đường ngay trước TBA May Lê Trực đã va vào đường cáp trung thế thuộc lộ 478 E1 từ TBA Bưu điện Trần Phú 2 đi TBA tổng đài Hùng Vương, gây ra sự cố làm mất điện trong nhiều giờ ở nhiều khu dân cư thuộc các phường Lê Trực, Ngọc Hà, Đội Cấn. Tại biên bản làm việc giữa các bên liên quan về sự cố trên, đại diện đơn vị thi công là Công ty CP Xây dựng giao thông Hà Nội (có giấy phép đào hè đường) thừa nhận đã không thông báo với Công ty Điện lực Ba Đình để phối hợp nhằm bảo đảm an toàn cho các đường cáp điện ngầm. Gần đây nhất, ngày 14-12, trong khi khoan phá mặt đường bê tông thi công hạng mục cải tạo đường ngõ xóm của UBND quận Hai Bà Trưng, đơn vị thi công thuộc Công ty Công trình giao thông 2 do không phối hợp với Công ty Điện lực Hai Bà Trưng đã gây sự cố cho tuyến cáp ngầm từ TBA Mì Vifon đi TBA Trại Cá thuộc đường dây 22kV trạm biến áp 110kV Mai Động. Sự cố trên tuy không gây thiệt hại đến tính mạng, nhưng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành lưới điện, làm mất điện gần 30 TBA phân phối thuộc địa bàn quận Hoàng Mai và quận Hai Bà Trưng.
Chi phí để ngầm hóa lưới điện tốn kém gấp 5 lần đường dây trên không và kỹ thuật cũng như thời gian xử lý sự cố phức tạp hơn nhiều lần. Vì thế, nếu không kịp thời rút kinh nghiệm và có một cơ chế đầu tư, quản lý thích hợp, nhất là chế tài cần thiết, không ai dám bảo đảm sẽ không có nhiều nhát cuốc bổ vào đường dây điện ngầm khi Hà Nội ngầm hóa 100% cáp trung áp nội thành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.