(HNM) - Thị trường đồ chơi Tết Trung thu năm nay lại tràn ngập những mặt hàng từ Trung Quốc, trong khi đồ chơi truyền thống trong nước ngày càng vắng dần, ít tạo được hấp dẫn cho con trẻ. Nguy cơ biến mất của các làng nghề sản xuất đồ chơi truyền thống dần lộ rõ.
Làng nghề thoi thóp
Nghệ nhân Nguyễn Quyền (làng Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai) với nghề truyền thống làm đèn kéo quân. Ảnh: Viết Thành
Năm nào cũng vậy, khoảng một tháng trước Rằm tháng Tám, chị Nguyễn Thị Tuyến, thôn Hậu Ái, xã Vân Canh (Hoài Đức) lại bày giấy màu, tre, nứa vót nan làm đèn ông sao, đèn cá chép, tiến sỹ giấy… cho trẻ em. Đó là những thứ đồ chơi không thể thiếu mỗi dịp Tết Trung thu nên dù không mong có thêm thu nhập chị cũng vẫn tranh thủ làm cho vui, cho đỡ nhớ nghề. Chị Tuyến cho biết, trước đây, mỗi dịp Trung thu về, cả làng chị nhộn nhịp làm hàng bán ở khắp các chợ từ quê đến phố nhưng nay những gia đình còn làm nghề chỉ đếm đầu ngón tay. Chung tâm sự trên, nghệ nhân Nguyễn Văn Thắng đến từ làng nghề tò he Xuân La cho rằng, nhiều nghệ nhân đã chấp nhận khó khăn, cố duy trì sản xuất, giữ nghề. Hằng ngày, họ mang sản phẩm rong ruổi khắp nẻo đường góc phố. Tuy nhiên, do phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm, không có chỗ ngồi ổn định, không giấy phép hành nghề nên thu nhập bấp bênh… Từ chỗ cả làng sản xuất, đến nay Xuân La chỉ còn lại vài chục người giữ nghề. Số phận của làng nghề tàu thủy sắt ở Khương Đình (Thanh Xuân) còn thê thảm hơn. Trước đây, làng có hàng trăm hộ làm nghề thì giờ chỉ còn duy nhất hai hộ thỉnh thoảng làm cho đỡ nhớ. Nhiều làng nghề khác như múa rối Tế Tiêu - Đại Nghĩa (Mỹ Đức) cũng chịu chung số phận…
Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ trẻ em (Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam) cho thấy các làng nghề sản xuất đồ chơi truyền thống hiện nay đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhớ lại những năm trước, sản phẩm đồ chơi truyền thống là món ăn tinh thần không thể thiếu của tuổi thơ Việt Nam và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người sản xuất. Trong ký ức của nhiều người, các phiên chợ ở nông thôn trước đây đều có các nghệ nhân nặn tò he, làm trống bỏi, chong chóng, đèn ông sao, đèn cù… phục vụ trẻ em. Hiện nay các làng nghề còn lại rất ít, nhiều làng sản xuất mang tính giữ nghề, giá trị hàng hóa không cao như nghề làm diều của thôn Bá Dương Nội, xã Hồng Hà (Đan Phượng), tò he thôn Xuân La xã Phượng Dực (Phú Xuyên), đèn ông sao ở Vân Canh (Hoài Đức), Cao Viên (Thanh Oai), tàu thủy sắt xã Khương Đình (Thanh Xuân), chuồn chuồn tre ở xã Tây Phương (Thạch Thất)…
Bảo tồn cách nào ?
Theo TS Nguyễn Thị Tình, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, đồ chơi truyền thống là một nét độc đáo, một sắc thái riêng của văn hóa Thăng Long - Hà Nội và là một phần của văn hóa dân tộc. Nó được đánh giá là có ý nghĩa rất lớn trong giáo dục nhân cách, ý thức cộng đồng, phát triển tư duy sáng tạo, giáo dục kỹ năng khéo tay, giáo dục về văn hóa lịch sử cho trẻ em. Mặc dù Nhà nước đã dành nhiều công sức và tiền của cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc nhưng thực tế, việc nghiên cứu, bảo tồn các làng nghề sản xuất đồ chơi truyền thống ít được quan tâm; chưa có hành lang pháp lý và sự đồng thuận; nghệ nhân không sống được bằng nghề; việc tạo mẫu mới và tìm kiếm các loại vật liệu mới bền, đẹp, dễ sử dụng còn khó khăn; sự vào cuộc mang tính phong trào của các đơn vị, địa phương liên quan dẫn tới công tác bảo tồn không mấy hiệu quả.
Để bảo tồn, Nhà nước cần có chiến lược bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất đồ chơi truyền thống. Bảo tồn nghề sản xuất đồ chơi truyền thống không phải là giữ nguyên nghề truyền thống mà cần có sự tiếp thu chỉnh lý để sản phẩm làm ra thu hút trẻ em. Từ trước tới nay, đồ chơi truyền thống đã được tuyên truyền song vẫn chưa đủ, chưa sâu sắc nên không thu hút được người tiêu dùng. Nhiều trẻ em Việt Nam thậm chí là cả người lớn còn chưa biết cách chơi các loại đồ chơi truyền thống trong khi rất thông thạo với các đồ chơi hiện đại, đồ chơi nước ngoài. Do đó, cùng với việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị, vị trí của đồ chơi truyền thống, cần nghiên cứu, giới thiệu nguồn gốc, ý nghĩa giáo dục cũng như phổ biến các đồ chơi truyền thống cho trẻ em.
Thúc đẩy sản xuất đồ chơi truyền thống, trong giai đoạn hiện nay, mỗi làng nghề cần có sự định hướng phát triển riêng: ví như làng nghề tò he thôn Xuân La với câu lạc bộ làm đồ chơi truyền thống tập hợp được 20 hội viên. Họ là những hạt nhân để nhân nghề và bảo tồn nghề truyền thống. Hiện CLB này rất mong thành phố cấp giấy chứng nhận hành nghề cho các hội viện để họ không còn là gánh hàng rong, mà có vị trí ổn định tại các điểm văn hóa, khu vui chơi, giải trí… Mặt khác, cần có những lớp đào tạo huấn luyện thợ giỏi cho làng nghề, tạo các mẫu mã mới phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, có cơ chế, chính sách đãi ngộ các nghệ nhân, để lấy đó là hạt nhân thúc đẩy làng nghề phát triển. Nhà nước cần quan tâm tổ chức các cuộc thi thiết kế đồ chơi truyền thống quy mô quốc gia, thu hút nhiều thành phần tham gia nhằm tạo đà cho nghề truyền thống khôi phục lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.