(HNM) - Giữa lúc còn đang rối như tơ vò vì những khó khăn về tài chính do cuộc khủng hoảng nợ công mang đến thì nay Châu Âu lại phải đau đầu vì nguy cơ khủng bố sau một thời gian tạm lắng.
Một tuần đã trôi qua kể từ vụ binh sĩ Lee Rigby bị hai phần tử Hồi giáo cực đoan dùng dao tấn công đến chết tại London khiến nước Anh và Châu Âu vẫn chưa hết bàng hoàng vì mức độ liều lĩnh và tàn bạo của hung thủ thì vụ tấn công thứ hai với cách thức tương tự lại xảy ra với một binh sĩ Pháp ngay giữa thủ đô hoa lệ Paris. May mắn hơn đồng nghiệp ở xứ Sương mù, binh sĩ người Pháp đã thoát khỏi cơn nguy kịch và bắt đầu hồi phục. Hai vụ tấn công liên tiếp cách nhau chỉ vài ngày nhằm vào lực lượng an ninh ở hai quốc gia trụ cột của Châu Âu đã đặt Cựu lục địa trong tình trạng báo động đỏ về nguy cơ khủng bố nhỏ lẻ nhưng không kém phần nguy hiểm như đã được cảnh báo từ vài năm trước đây. Hai vụ tấn công vừa qua một lần nữa khẳng định, Châu Âu vẫn là mục tiêu hàng đầu của các tổ chức khủng bố. Ngay cả những quốc gia từng được xem là "thiên đường" như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch cũng đang mất dần đi sự an toàn.
Cảnh sát Pháp phong tỏa hiện trường vụ tấn công binh sĩ ở thủ đô Paris. |
Theo thông báo mới nhất của Tổ chức Cảnh sát Châu Âu (Europol), số vụ tấn công khủng bố tại Liên minh Châu Âu (EU) đang tăng mạnh. Đã có tổng cộng 219 vụ tấn công xảy ra tại 27 nước thành viên EU trong năm ngoái, khiến 17 người thiệt mạng. Con số này có thể sẽ tăng lên cùng với những bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi - khu vực có sự can thiệp lớn của quân đội các nước Châu Âu. Đây được xem là lý do chính thổi bùng các hoạt động khủng bố chống lại lợi ích của các thành viên EU, trong đó Anh, Pháp là hai quốc gia đáng báo động hơn cả. Mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Manuen Valls cũng phải thừa nhận, Paris đang phải đối phó với mối đe dọa ngày càng lớn của "kẻ thù trong nước" gồm những phần tử Hồi giáo cực đoan, trong số đó có nhiều kẻ muốn trừng phạt Pháp vì đã gửi quân đến Mali giúp chính phủ đương nhiệm chống lại lực lượng phiến quân Hồi giáo hồi tháng 1 vừa qua.
Hiện tại, các quốc gia Châu Âu đã buộc phải triển khai nhiều biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố ở mức cao nhất. Tại Đức, bang Lower Saxony còn xuất bản cả một cuốn cẩm nang về Hồi giáo cực đoan nhằm giúp công dân nước này nhận ra những dấu hiệu đặc trưng của những phần tử nguy hiểm; qua đó, khuyến khích người dân tố giác những phần tử cực đoan với lực luợng an ninh.
Còn tại Anh, ngày 27-5, Bộ trưởng Nội vụ Theresa May cho biết sẽ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp ngăn chặn điều mà bà gọi là "trào lưu cực đoan hóa" trong cộng đồng người Hồi giáo. Lần đầu tiên, các nhóm Hồi giáo cực đoan nhưng không chủ trương sử dụng bạo lực sẽ bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ở nước Anh. Việc sử dụng internet của những nhóm này được kiểm soát chặt chẽ. Các trang mạng cực đoan bị kiểm duyệt và chủ động ngăn chặn. Đặc biệt, bà T.May còn dự định khôi phục "quyền rình mò" từng gây nhiều tranh cãi khi coi đây là giải pháp cần thiết để kiểm soát internet nhằm ngăn chặn kịp thời nguy cơ khủng bố.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các nhóm khủng bố không lên kế hoạch "rầm rộ" như trước mà âm thầm chuẩn bị hành động theo dạng thức "những con sói đơn lẻ". Theo cách tấn công này, hung thủ tự lên kế hoạch và tự thực hiện mà không có đồng bọn. Thay vì thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn, những kẻ khủng bố chỉ thực hiện các vụ việc nhằm vào các mục tiêu đơn giản, dễ thực hiện nhưng đủ để gây hoang mang, mất ổn định cho người dân và chính quyền địa phương. Nghiêm trọng hơn, cách thức tấn công kiểu này rất khó bị phát hiện bởi những kẻ thực hiện luôn hòa lẫn trong các khu dân cư ở khắp Châu Âu. Đây là một thách thức lớn với các lực lượng an ninh trong EU thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.