(HNM) - Tuy không gây thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp như tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng xâm nhập mặn đang khiến TP Hồ Chí Minh lo lắng vì nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt của hàng triệu người dân.
Xâm nhập mặn có thể khiến người dân TP Hồ Chí Minh thiếu nước sinh hoạt. |
Thiếu nước sinh hoạt, sản xuất
Theo Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP Hồ Chí Minh - Sở NN&PTNT, xâm nhập mặn tại các sông, rạch trong thành phố đang ở mức báo động. Cụ thể, trên hệ thống sông Nhà Bè - Đồng Nai, độ mặn cao nhất lên tới 13,67o/oo; hệ thống sông tại khu vực Bình Chánh độ mặn lên tới 13,65o/oo. Điều đáng lo ngại là nồng độ mặn tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2015 và diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của triều cường.
Trước tình hình xâm nhập mặn như hiện tại, mức nước hồ Dầu Tiếng và hồ Phước Hòa (những hồ dự trữ nước đầu nguồn) lại thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Theo khảo sát của Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, hồ Dầu Tiếng hiện chỉ tích trữ được 76% dung tích thiết kế (thiếu hụt khoảng 300 triệu mét khối), hồ Trị An chỉ tích được khoảng 80%, dẫn đến lưu lượng nước sông Sài Gòn, sông Đồng Nai giảm và các hồ thiếu nước xả để đẩy mặn. Từ đầu năm đến nay, hồ Phước Hòa liên tục chuyển nước bổ sung cho hồ Dầu Tiếng, nhưng do nắng hạn gay gắt mức nước hồ thấp hơn mực nước chết 1,4m nên hiện tại không còn khả năng chuyển nước bổ sung cho hồ Dầu Tiếng. Mức nước như trên của hồ Dầu Tiếng chỉ bảo đảm phục vụ tưới tiêu cho 2/3 diện tích vụ đông xuân năm 2016.
Khô hạn và đặc biệt là xâm nhập mặn đã ảnh hưởng lớn đến các nhà máy xử lý nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho người dân TP Hồ Chí Minh. Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), từ cuối tháng 1-2016 đến nay độ mặn thường xuyên vượt ngưỡng 150mg/ lít/ngày. Nhiều thời điểm, độ mặn vượt quy chuẩn buộc Nhà máy nước Tân Hiệp (Hóc Môn) phải điều chỉnh chế độ vận hành và ngừng lấy nước thô trong nhiều giờ. Xâm nhập mặn cũng ảnh hưởng trực tiếp đến trạm bơm nước thô của Nhà máy nước Bình An (Biên Hòa, Đồng Nai). Trong nhiều ngày độ mặn liên tục tăng vượt 250mg/lít trong khoảng 4-10 giờ/ngày (cao nhất đến 600mg/lít) buộc Nhà máy nước Bình An phải tạm ngừng khai thác nước thô. Ngoài ra, lưu lượng dòng chảy và mực nước sông giảm cũng làm tăng chi phí vận hành bơm nước thô dẫn đến tăng chi phí sản xuất của các nhà máy nước.
Đáng ngại hơn, Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP Hồ Chí Minh cảnh báo, thời điểm hiện tại chưa phải là đỉnh điểm khô hạn của năm 2016 (theo dự báo đỉnh điểm mùa khô 2016 tập trung trong tháng 3 và kéo dài tới tháng 6). Thời điểm sắp tới tình hình xâm nhập mặn trên các sông, rạch trong thành phố vẫn còn tăng và diễn biến phức tạp hơn.
Sẵn sàng tình huống khẩn cấp
Trước tình hình trên, ông Bùi Thanh Giang - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết, trước mắt công ty tăng cường giám sát chặt chẽ, liên tục diễn biến chất lượng nước giúp cảnh báo sớm xâm nhập mặn và ứng phó kịp thời. Công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý hồ đầu nguồn (hồ Trị An, hồ Dầu Tiếng), đề nghị vận hành xả nước kịp thời để đẩy mặn khi độ mặn nước sông lên cao; điều phối vận hành các nhà máy nước và mạng lưới cấp nước hợp lý để bảo đảm cung cấp nước sạch đầy đủ, liên tục đến người dân. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp cấp nước trong điều kiện khẩn cấp (như cấp nước bằng xe bồn, cấp nước từ các giếng lẻ,...).
Để bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân lâu dài, Sawaco đang cải tiến và tối ưu hóa công nghệ xử lý nước mặn của các nhà máy để bảo đảm hoạt động sản xuất kể cả khi xâm nhập mặn sâu. Công ty cũng nâng dung tích của các công trình chứa nước sạch, chuyển đổi các công trình khai thác nước ngầm sang chế độ dự phòng và đưa vào kế hoạch cấp nước cho các tình huống khẩn cấp. Để chủ động lấy nước thô, Sawaco cũng xây dựng các hồ dự trữ nước thô nhằm chủ động trong khả năng lấy nước, trữ nước cung cấp cho nhà máy nước. Đồng thời, tổng công ty cũng đã có kiến nghị thành phố về chủ trương đầu tư hồ dự trữ nước thô cho nhà máy nước sử dụng nguồn nước sông Sài Gòn tại khu vực Củ Chi cho trước mắt và trung hạn. Về dài hạn, thành phố cũng đã xem xét và đang thúc đẩy nghiên cứu triển khai giải pháp khai thác trực tiếp nước từ hồ Dầu Tiếng, hồ Trị An.
Về phần mình, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão TP Hồ Chí Minh cho biết vừa có công văn khẩn cảnh báo về xâm nhập mặn gia tăng trong thời gian gần đây đến UBND các huyện vùng ven thành phố và các đơn vị thành viên, yêu cầu các quận, huyện vùng ven duy tu, sửa chữa các cống ngăn mặn đã xuống cấp. Các đơn vị quản lý khai thác hồ Dầu Tiếng - Phước Hòa cũng cam kết thực hiện chặt chẽ các giải pháp tưới tiết kiệm, bảo đảm cung cấp nước cho TP Hồ Chí Minh phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước cho các nhà máy nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.