Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi lo của người có “H”

Tuệ Diễm| 05/08/2015 06:47

(HNM) - Từ ngày 15-8, người có HIV khi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ được chi trả theo quy định hiện hành của Bộ Y tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, phần lớn đối tượng này lại không muốn sử dụng BHYT do e ngại vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.

Sợ lộ thông tin cá nhân

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/ AIDS, Bộ Y tế cho biết hiện tỷ lệ người có HIV ("H") có thẻ BHYT ở nước ta còn rất thấp, chưa đạt 30% số người có bệnh. Mặc dù người có HIV được BHYT chi trả chi phí khi khám, chữa bệnh song nhiều người lại không mặn mà với BHYT. Theo thống kê của khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng Quận 8 (TP Hồ Chí Minh), trong số 1.800 bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị tại đây, chỉ 30% có thẻ BHYT.

Việc triển khai BHYT cho người có “H” gặp khó khăn do tâm lý lo sợ lộ thông tin cá nhân.



Anh V.T.X, một người đang điều trị HIV/AIDS tại khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng Quận 8, dè dặt nói: "Nếu sử dụng BHYT trong điều trị, tôi phải tiết lộ thông tin cá nhân. Như vậy, tôi thà tự bỏ tiền túi ra mua thuốc điều trị còn hơn".

Cùng điều trị tại trung tâm này 3 năm, chị H.V.T cũng ái ngại cho hay, bản thân chị dù đã có thẻ BHYT nhưng chưa bao giờ dùng đến: "Bao nhiêu năm qua, ngoài chồng, thì cả gia đình nội, ngoại, con cái, không ai biết tôi dương tính với HIV. Nếu dùng thẻ BHYT thì phải công khai điều này, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hiện tại và người thân của tôi".

Hiện nay, tất cả bệnh nhân có "H" đều được điều trị miễn phí tại trung tâm y tế dự phòng và phòng tham vấn cộng đồng, được bảo đảm bí mật về thông tin cá nhân. Nguồn kinh phí điều trị cho các bệnh nhân trên đều do các tổ chức quốc tế tài trợ. Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, gần 80% nguồn ngân sách cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam là do các nhà tài trợ quốc tế cung cấp. Tuy nhiên, các nguồn tài trợ này ngày càng giảm do dự án tài trợ đang rút khỏi Việt Nam, để viện trợ cho những quốc gia khó khăn hơn. Dự kiến, đến năm 2018, các nguồn viện trợ bị cắt hoàn toàn. Do đó, thay vì được miễn phí điều trị như hiện nay, bệnh nhân sẽ được khám và điều trị HIV/AIDS bằng BHYT như các bệnh mãn tính khác. Triển khai mua BHYT thì bệnh nhân sẽ phải đóng góp một phần chi phí bao gồm: Các xét nghiệm, thuốc điều trị bệnh cơ hội, thuốc kháng virus HIV (ARV), chứ không còn miễn phí 100% như hiện tại.

Trong khi đó, hiện tại, tất cả trung tâm tham vấn đang điều trị cho bệnh nhân HIV là những cơ sở y tế chưa có đủ căn cứ pháp lý để được ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm. Do đó, thời gian tới, khi triển khai BHYT thì bệnh nhân sẽ phải chuyển sang khám chữa bệnh ở bệnh viện - nơi được đăng ký khám chữa bệnh và thanh toán BHYT. Tuy vậy, việc chuyển đổi nơi khám chữa bệnh này sẽ nảy sinh vấn đề như: Không thể bảo mật thông tin cho bệnh nhân HIV/AIDS khi họ phải tuân thủ theo Luật BHYT trong việc kê khai bệnh, việc xin giấy chuyển viện.

Không giải pháp, khó phòng chống

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thoa, Phó trưởng khoa Tham vấn hỗ trợ cộng đồng Quận 8 nói: "Qua làm việc, tư vấn cho người có "H", tôi biết họ rất sợ lộ thông tin cá nhân, vì thế họ đã không đăng ký BHYT. Ngoài ra, người bệnh muốn được lựa chọn điều trị HIV ở quận - huyện cách xa nơi cư trú của mình để tránh bị phát hiện, nếu sử dụng thẻ BHYT thì trường hợp này bị cho trái tuyến và không được thanh toán chi phí". Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thoa lo lắng rằng, nếu không khắc phục được tình trạng này, bệnh nhân sẽ bỏ hẳn việc điều trị thuốc kháng thể, sức khỏe sẽ đi xuống...

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Tiêu Thị Thu Vân, Chánh Văn phòng Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố sẽ cố gắng đưa ra một quy trình nhằm giữ bí mật cao nhất cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, để giảm phiền hà cho bệnh nhân điều trị HIV/AIDS, TP Hồ Chí Minh vẫn hướng đến mục tiêu để bệnh nhân được điều trị tại các trung tâm y tế dự phòng và được nhận dịch vụ tại chỗ như hiện nay. Cũng theo bác sĩ Thu Vân, kể cả khi có quy trình trên thì bệnh nhân HIV/AIDS vẫn sẽ phải thanh toán một phần chi phí điều trị ARV, chi phí xét nghiệm và thuốc chữa một số bệnh cơ hội khi sử dụng thẻ BHYT. Nhưng nếu bệnh nhân tuân thủ điều trị đúng tuyến, chi phí này hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán của người bệnh, mỗi bệnh nhân chỉ phải chi trả khoảng vài trăm nghìn đồng/năm. Ngược lại, nếu điều trị trái tuyến, bệnh nhân phải chấp nhận trả mức cao hơn.

Hiện tại, căn bệnh HIV tại Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng vẫn rất đáng báo động. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2015, TP Hồ Chí Minh có 832 trường hợp nhiễm mới được phát hiện, 492 trường hợp chuyển sang AIDS, 114 trường hợp tử vong do AIDS.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi lo của người có “H”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.