(HNM) - Thần phả làng Vạn Phúc chép:
Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vạn Phúc (Hà Đông) còn là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Ảnh: Bá Hoạt
Địa danh lịch sử
Vạn Phúc - tên của một làng nhỏ ven sông Nhuệ, không chỉ nổi tiếng với nghề dệt lụa cổ truyền mà còn gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc. Tên làng gợi nên biết bao điều tốt đẹp, hướng tâm hồn con người về cội nguồn mà hun đúc cho sự an lạc, hòa hợp sum vầy. Vạn Phúc tự hào là nơi có phong trào cách mạng từ rất sớm và là An toàn khu (ATK) của Xứ ủy Bắc kỳ, của Trung ương Đảng suốt thời gian dài từ 1936 đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng Tháng Tám 1945. Nằm sát cơ quan cai trị của thực dân Pháp, thủ phủ của tỉnh Hà Đông nhưng nhân dân Vạn Phúc đã nuôi giấu, che chở hàng trăm cán bộ của Trung ương, Xứ ủy, Tỉnh ủy như Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Xuân Thủy, Võ Nguyên Giáp... đi về, ăn ở, hội họp, tuyệt đối an toàn.
Là nơi thuận tiện giao thông liên lạc, sát Hà Nội, trong làng có nhiều đường ngõ ra vào, lại có truyền thống cách mạng nên Vạn Phúc đã được chọn làm địa điểm đầu tiên sẵn sàng đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về khi tình hình Hà Nội căng thẳng. Gia đình ông Nguyễn Văn Dương nằm ngay đầu làng được chọn là nơi đón Bác về ở và làm việc (trước đó, các đồng chí Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ cũng từng ở và hoạt động). Tối 3-12-1946, Bác Hồ về ở căn phòng nhỏ, phía trong, trên tầng hai của nhà ông Dương. Căn phòng rộng hơn ở phía ngoài dành cho thư ký, bảo vệ, giúp việc cho Bác. Những ngày ở Vạn Phúc, Bác làm việc suốt ngày và thường làm việc rất khuya, đọc và viết thâu đêm bên ngọn đèn dầu nhỏ. Các chỉ thị chuẩn bị cho kháng chiến, các thư gửi tướng lĩnh và chính phủ nước ngoài đều được Bác viết từ đây.
Tháng 12-1946, thực dân Pháp khiêu khích, gây hấn khắp nơi. Chúng vô cớ tàn sát nhân dân phố Hàng Bún ngay giữa trung tâm Hà Nội. Và chỉ trong hai ngày (18 và 19-12), ba lần chúng gửi tối hậu thư đòi chiếm giữ thêm một số vị trí quan trọng trong thành phố, đòi ta giải tán lực lượng tự vệ, đòi đình chỉ các hoạt động chuẩn bị kháng chiến, đòi quyền duy trì an ninh trong thành phố... và thực dân Pháp đã quyết định đánh chiếm Hà Nội vào ngày 20-12.
Trước tình hình đó, trong căn gác hẹp tại làng Vạn Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp mở rộng của Ban Thường vụ Trung ương để quyết định phát động cuộc kháng chiến trên phạm vi cả nước. Hội nghị đã vạch ra đường lối cơ bản cho cuộc kháng chiến và thông qua "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo. Lời kêu gọi kháng chiến chỉ gói trong 198 từ, nhưng gắn với lịch sử oanh liệt của dân tộc Việt Nam đã có sức mạnh truyền cảm và là nguồn động viên vô cùng lớn lao, ý nghĩa: "Không, chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...". "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" mãi mãi đi vào lịch sử dân tộc. Ngôi nhà ông Dương - nơi Bác Hồ ở và làm việc đã trở thành Nhà lưu niệm Bác Hồ - một di tích lịch sử cách mạng có giá trị…
Vũ điệu làng lụa
Làng Vạn Phúc giờ đây đã thành một phường của quận Hà Đông. Vốn nhạy bén với thị trường, trong những năm đổi mới, Vạn Phúc không chỉ phát triển kinh tế mà còn chăm lo giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách với người có công. Nhiều nghệ nhân của làng dệt Vạn Phúc, như cha con cụ Đỗ Văn Sửu - Đỗ Văn Ái từng dệt những bức trướng đặc sắc và hàng chục chiếc áo mẫu bày tại Bảo tàng tơ lụa Vạn Phúc. Các cụ Bá Hưng, Bá Khang, Lê Phúc Thành là những nghệ nhân nổi tiếng ngoài Bắc, trong Nam. Họ không chỉ có xưởng dệt, có lò nhuộm mà còn mở cửa hàng bán lụa tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Sài Gòn... Từ HTX Dệt lụa chuyển thành Xí nghiệp liên hợp Dệt lụa xuất khẩu Vạn Phúc, đánh dấu sự chuyển đổi hình thức quản lý từ sản xuất gia công đặt hàng sang cơ chế mua nguyên liệu, bán sản phẩm, bao tiêu khâu dịch vụ kỹ thuật, đưa hàng trăm máy dệt về các gia đình để tự chủ trong sản xuất, kinh doanh. Làng Vạn Phúc ngày đêm rộn ràng tiếng thoi đưa. Hàng trăm sản phẩm mang thương hiệu lụa Hà Đông là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài. Nhiều sản phẩm chiếm lĩnh thị trường các nước phương Tây. Sản lượng lụa Vạn Phúc đạt gần 3 triệu mét (năm 2010) và năm 2011 đạt gần 3,5 triệu mét...
Giờ đây, Vạn Phúc đẹp hơn khi cầu Am vừa được xây mới, lối vào làng thêm rộng thoáng. Phố Lụa thu hút ngày càng đông khách đến tham quan, mua sắm đã đem lại nhịp sống sôi động cho làng dệt cổ truyền. Từ trong làng cổ, tiếng thoi dệt lụa ngày ngày vang vọng như bản nhạc thân thuộc, sôi nổi và khỏe khoắn giữa đời thường. Bao đời nay, bản nhạc đó đã thấm vào tâm hồn, tình cảm của bao nhiêu thế hệ người dân; và mỗi lần nhớ tới Vạn Phúc là người ta nhớ đến một làng cách mạng, làng kháng chiến, làng dệt trường tồn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.