(HNMCT) - Qua thực tế kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm, nhà hàng, lực lượng chức năng phát hiện nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm. Điều này nếu không được cải thiện thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Kiểm tra là ra sai phạm
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, từ năm 2010 đến năm 2021 đã xảy ra 1.594 vụ ngộ độc thực phẩm trên toàn quốc với tổng số mắc là 45.938 người, trong đó có 267 người tử vong; riêng tại Hà Nội xảy ra 27 vụ ngộ độc thực phẩm, 640 người mắc, không có trường hợp tử vong, trong đó có 8 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học. Nguyên nhân chủ yếu gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm là do vi sinh vật (chiếm trên 40%).
Mới đây, các đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội đã đồng loạt ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm, phát hiện một số cơ sở vi phạm. Theo đó, tại nhà hàng Thu Hằng 2, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, cơ quan chức năng ghi nhận một loạt vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể, khu bảo quản, chế biến thực phẩm của nhà hàng này không đảm bảo tiêu chuẩn, nhiều khu vực có côn trùng; nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Tủ bảo quản thực phẩm để lẫn lộn nguyên liệu tươi sống và thức ăn chín. Đáng chú ý, dù kinh doanh mặt hàng chính là bia nhưng nhà hàng lại không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của bia.
Tại nhà hàng hải sản Chân Mây (Khu đô thị Vinhomes Riverside), Đoàn kiểm tra số 1 đã phát hiện một số loại gia vị không có tem nhãn thể hiện nguồn gốc sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Nhà hàng cũng chưa xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm của nhà cung cấp hải sản, bản cam kết của nhà cung cấp đồ khô... Nhà hàng có hiện tượng tái chế dầu ăn, nơi chế biến có côn trùng... Tương tự, tại nhà hàng Marukame Udon (phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình), khu vực kho chứa sắp xếp chưa khoa học; xét nghiệm nhanh 10 mẫu bát có 2 mẫu bát bị trầy xước, dính tinh bột. Còn nhà hàng Libera (49 Trung Hòa, quận Cầu Giấy), một số nguyên liệu chế biến đóng hộp chỉ ghi ngày sản xuất nhưng không ghi hạn sử dụng, xét nghiệm nhanh bát đĩa chưa đạt yêu cầu...
Quá trình kiểm tra nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn tập thể, cơ quan chức năng ghi nhận lỗi vi phạm chủ yếu là không tuân thủ quy định về vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm; không có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và một số điều kiện về sản xuất, kinh doanh chưa bảo đảm.
Xử nghiêm sai phạm
Sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng đã từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo Phó Trưởng phòng Y tế quận Ba Đình Lã Ngọc Sang, công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm còn hạn chế do dịch bệnh Covid-19 kéo dài. Điều này dẫn đến hiểu biết về pháp luật liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm và ý thức chấp hành các quy định của cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Một số tổ chức, cá nhân chạy theo lợi nhuận, kinh doanh hàng hóa không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hoặc việc lưu giữ hồ sơ, giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ sản phẩm chưa được duy trì thường xuyên.
Về các bếp ăn tập thể, theo bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Chuyên môn nghiệp vụ, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học đã được chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, quản lý. Nhờ đó, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhận thức, thực hành của người chế biến tại các bếp ăn tập thể đã được nâng lên. Tuy nhiên, theo bà Lê Thị Hằng, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn trường học vẫn còn nhiều hạn chế. Điển hình là nguồn gốc thực phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ, ý thức của nhân viên trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm, ý thức của cô nuôi trong thực hành an toàn thực phẩm còn chưa cao, dụng cụ chứa đựng chất thải không có nắp đậy, không được thu dọn hằng ngày... Do đó, tình trạng ngộ độc vẫn xảy ra tại bếp ăn tập thể trường học.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, công tác xử lý vi phạm cần tiếp tục được tăng cường nhằm tạo sức răn đe. Thực tế cho thấy, việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm được tuyến quận, huyện thực hiện khá tốt nhưng cấp xã, phường vẫn còn nhiều hạn chế, tình trạng nể nang, nương nhẹ vẫn phổ biến. Do đó, lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đề nghị cơ quan chức năng tuyến xã, phường, thị trấn cần quyết liệt hơn trong công tác phát hiện, xử phạt, tránh tâm lý ngại va chạm, buông lỏng trong quản lý, giám sát.
Ngoài sự vào cuộc quyết liệt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của cơ quan quản lý, theo chuyên gia, người tiêu dùng cần nói “không” với thực phẩm không an toàn, đồng thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm cho cơ quan chức năng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.