(HNM) - Ngày 16-2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Kimun tuyên bố Hiệp ước quốc tế cấm bom chùm sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8-2010 sau khi được 30 nước phê chuẩn (con số tối thiểu bắt buộc). Hai nước thứ 29 và 30 vừa đặt bút ký để kết liễu một loại vũ khí nguy hiểm chết người, đồng thời khiến hiệp ước của tình yêu hòa bình này trở thành hiện thực là Buốckina Phaxô và Mônđôva.
Đây là một thông điệp hòa bình đáng chú ý nhất khi thế giới vừa bước qua thời điểm đầu tiên của thập kỷ mới. Theo đó, kể từ 1-8-2010, việc cấm sử dụng, tàng trữ, chế tạo, chuyển giao bom chùm sẽ được áp dụng trên toàn cầu. Hiệp ước về bom chùm có hiệu lực sẽ buộc các nước ký kết phải hỗ trợ tài chính cho các nạn nhân còn sống sót hoặc những cộng đồng dân cư hứng chịu hậu quả của loại vũ khí khủng khiếp này.
Vậy là trải qua một chặng đường đầy chông gai, hiệp ước này đang trở thành hiện thực. Hiệp ước chống bom chùm được ký kết tháng 12-2008 tại Ôxlô (Nauy), hiện đã có 104 nước ký nhưng chỉ mới có 30 nước phê chuẩn.
Đáng chú ý là các "ông lớn" đang sở hữu những kho bom chùm lớn nhất thế giới gồm Mỹ, Nga, Ấn Độ, Pakixtan, Ixraen vẫn chưa đặt bút ký hiệp ước này. Điều đó cho thấy, dù cộng đồng quốc tế đã rất cố gắng để giảm thiểu nguy hiểm cho con người thì quá trình vươn đến một thế giới an toàn hơn của loài người chưa bao giờ dễ dàng!
Loạt bom chùm đầu tiên được biết đến trong Chiến tranh thế giới thứ II, gồm bom mẹ, chứa khoảng 200 bom con, "mỗi con" nặng 1,5kg. Đây là thứ vũ khí từng được sử dụng rất nhiều tại chiến trường Việt Nam, Lào và Campuchia. Đến cuộc chiến vùng Vịnh và xung đột ở Côxôvô, bom chùm cũng được sử dụng như một phương cách tạo công ăn việc làm và lợi nhuận cho các nhà tài phiệt vũ khí hơn là cản bước tiến của "quân thù".
Loại vũ khí giết người này khi rơi, "các con" phát tán trên diện rộng và quét sạch mọi thứ trên đường văng. Tuy nhiên, nhiều bom mẹ bị "thối", nằm đó đã trở thành hiểm họa trong hàng thập kỷ sau đó. Những gì mà người dân Việt Nam dọc miền Trung đang phải gánh chịu dưới tên gọi "hậu quả bom mìn" hôm nay đã cho thấy rõ điều đó.
Theo ước tính, có khoảng từ 5-30% số bom con từ bom chùm thả xuống không phát nổ ngay và trở thành mối nguy hiểm tiềm tàng tại Việt Nam, Lào, Bôxnia, Irắc, Ápganixtan hay Libăng... Hình dáng và màu sắc lạ của loại vũ khí này được các nhà sản xuất yêu thích nhằm phân loại "kẻ giết người độc ác" đã thu hút sự chú ý rất đỗi ngây thơ của những đứa trẻ, thậm chí cả trẻ còn chưa biết nói, chỉ nhìn nhận sự vật qua màu sắc, vì thế, có tới 60% nạn nhân của bom chùm ở Đông Nam Á và chiến trường Đông Dương là trẻ em!
Theo Tổ chức phi chính phủ Handicap International, mỗi năm trên thế giới có khoảng 150.000 đến 200.000 người là nạn nhân của những quả mìn hoặc bom chùm phát nổ. Hiện có ít nhất 77 quốc gia trên thế giới vẫn còn tàng trữ nhiều tỷ quả bom con trong bom chùm, trong đó Mỹ sở hữu 700 đến 800 triệu quả. Tổ chức phi chính phủ Handicap International chuyên nghiên cứu về loại vũ khí này đã chỉ rõ, có ít nhất 59 công ty tiếp tục chế tạo bom chùm hay các linh kiện tạo bom chùm, trong đó một nửa đóng tại châu Âu và 8 công ty tại Mỹ.
Trong khi đó, Lào là quốc gia bị ảnh hưởng của bom chùm nặng nhất trên thế giới với 260 triệu quả bom chùm của Mỹ thả xuống từ năm 1964 tới 1973 và gần 1/3 trong số này chưa phát nổ khi chúng rơi xuống rừng già hoặc những cánh đồng lúa xanh tươi. Từ năm 1973 đến nay, trong số 6,7 triệu dân Lào, đã có 10.500 người bỏ mạng và 11.500 người bị thương, tức trung bình mỗi ngày có một người "dính" bom sau chiến tranh.
Còn tại Việt Nam, Mỹ đã sử dụng bom chùm như một thứ vũ khí chiến lược nhằm bẻ gãy tinh thần độc lập, tự chủ của một dân tộc. Từ năm 1975 đến nay, các loại bom, đạn, trong đó có bom chùm phát nổ đã khiến hơn 100.000 người thiệt mạng hoặc bị tàn phế. Ngoài cướp đi sinh mạng con người, bom chùm đang cản trở lớn sự phát triển tại nhiều địa phương của Việt Nam, bởi chúng ngăn cản người dân tiếp cận chỗ ở, nguồn nước mới cũng như hệ thống vệ sinh...
Từ tháng 2-2007, Nauy đã khởi đầu một quá trình nhằm đạt được một công cụ quốc tế về cấm bom, đạn chùm. Ý tưởng này đến nay được hơn 100 nước thông qua dưới tên gọi: Hiệp ước về bom chùm được các nước ký kết tại Đu-blin (Bắc Ailen) vào tháng 5-2008. Hiệp ước nhằm bảo vệ các thế hệ tương lại khỏi hậu quả của bom và cả đạn chùm bằng việc phá hủy hàng tỷ quả bom, đạn chùm còn được tàng trữ trên thế giới và loại bỏ mối đe dọa với cộng đồng bằng các hoạt động rà phá.
Tin mới nhất, ngày 18-2, tại thủ đô Viêng Chăn, Bộ Ngoại giao Lào cùng Liên hợp quốc đã tổ chức hội nghị về Hiệp ước cấm bom chùm và Lào sẽ đăng cai Hội nghị lần thứ nhất Hiệp ước cấm bom chùm dự kiến vào cuối năm nay. Như vậy, cùng với Công ước cấm mìn sát thương cá nhân được ký kết năm 1997, Hiệp ước cấm bom chùm có hiệu lực trong vài tháng tới là một thắng lợi lớn của tình yêu hòa bình của nhân loại, vì một thế giới không bom chùm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.