(HNM) - Một chương trình ca nhạc muốn hút khán giả phải có những ca sĩ nổi tiếng, ăn khách. Một giải đấu, nhất là ở những môn mang tính cá nhân, muốn hấp dẫn người xem nhất thiết phải có
Với các giải đấu cầu lông
ở Việt Nam, Nguyễn Tiến Minh là gương mặt duy nhất bảo đảm sự ăn khách. Vài năm trước, không cần quảng bá nhiều, Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức đã đông nghẹt khán giả tới xem Giải cầu lông quốc tế Ciputra. Gần đây, khi Nguyễn Tiến Minh không dự giải này, khán giả tới Nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức ít hẳn nếu không nói là rất thưa thớt. Nhà tổ chức giải nhiều lần bày tỏ sự tiếc nuối vì giải đấu vắng Nguyễn Tiến Minh. Bởi dù sao, giải đấu mà không thu hút được khán giả coi như hỏng cả về doanh thu lẫn truyền thông.
Tay vợt Nguyễn Tiến Minh. Ảnh: Quang Thắng |
Năm nay, Giải cầu lông Việt Nam mở rộng dự kiến được tổ chức vào tháng 8. Nhưng đúng vào thời gian này, Nguyễn Tiến Minh cùng 3 tay vợt nam Việt Nam khác là Nguyễn Khang, Nguyễn Hoàng Nam, Bùi Bằng Đức được Ban tổ chức Giải vô địch các CLB Ấn Độ mời thi đấu. Đây là dịp thi đấu quốc tế hữu ích cho các tay vợt Việt Nam vì giải quy tụ nhiều cao thủ của làng cầu lông thế giới. Đã vậy, các tay vợt Việt Nam lại không mất kinh phí di chuyển, ăn ở và còn được đài thọ kinh phí thi đấu cũng như tiền thưởng nếu đạt thành tích cao. Tóm lại, nếu dự giải, các tay vợt Việt Nam được lợi cả về chuyên môn và kinh tế. Trong bối cảnh này, Liên đoàn Cầu lông Việt Nam không muốn tước đi cơ hội hiếm có của VĐV. Vì vậy, nhiều cuộc trao đổi về sắp xếp lịch thi đấu giữa Liên đoàn với gia đình Nguyễn Tiến Minh đã diễn ra, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để tay vợt số 1 Việt Nam có thể thi đấu tại giải Việt Nam mở rộng. Cuối cùng, lịch thi đấu của giải được lùi vào tháng 12, khi Nguyễn Tiến Minh không bận. Cũng hiếm nơi nào mà giải đấu phải lùi thời gian thi đấu vì VĐV. Nhưng ở Việt Nam lại là vậy.
Đơn giản vì cầu lông Việt Nam đang thiếu "sao" trầm trọng. Gần chục năm nay, nhắc đến cầu lông, người ta chỉ biết tới Nguyễn Tiến Minh. Thực tế, ở trong nước, Nguyễn Tiến Minh đang vô đối, dù anh không còn vào sâu ở các giải quốc tế được tham dự. Nói như nhiều chuyên gia thì chỉ cần thi đấu với 70% phong độ là Nguyễn Tiến Minh vẫn vô địch đơn nam ở Giải vô địch quốc gia trong một thời gian dài nữa. Điều này cũng xứng với sự đầu tư mà Nguyễn Tiến Minh đã nhận được từ ngành thể thao cũng như gia đình. Thực tế, từ trước đến nay, chưa tay vợt cầu lông nào ở Việt Nam nhận được sự đầu tư mạnh mẽ như Nguyễn Tiến Minh, nhất là từ phía gia đình. Cộng với sự nỗ lực của tay vợt này thì việc Nguyễn Tiến Minh lọt vào nhóm 10 tay vợt xuất sắc nhất thế giới cũng là xứng đáng.
Đến giờ này, có tìm mỏi mắt, người ta cũng chưa thấy "truyền nhân" của Nguyễn Tiến Minh - người có thể khiến cả một giải đấu quốc tế phải lui lại để chờ. Người tài, có khả năng vươn đến trình độ của Nguyễn Tiến Minh thì không thiếu. Kẹt nỗi, kinh phí đầu tư cho những tay vợt tiềm năng này thực sự là bài toán khó. Nếu cầu lông Việt Nam sở hữu 2-3 tay vợt có sức hút và tài năng như Nguyễn Tiến Minh thì các nhà tổ chức đã không phải đôn đáo lo điều chỉnh lịch thi đấu đến vậy. Đằng này, bao nhiêu năm nay vẫn chỉ có một Nguyễn Tiến Minh thì bảo sao ban tổ chức vẫn luôn phải "cân đong đo đếm" về mặt thời gian để "sao" có thể góp mặt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.