Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi khổ nhà trùng số, phố nhiều tên

Bài, ảnh: Ngọc Thủy| 11/11/2010 07:56

(HNM) - Thời gian vừa qua, trên các tuyến đường mới mở và cả những tuyến đường cũ trong nội thành, tình trạng

Số nhà “nhảy cóc” từ 27 đến 45 trên đường Lê Văn Lương.


Điển hình là tuyến đường mới ven sông Tô Lịch, đoạn từ điểm giao cắt với phố Khương Trung, quận Thanh Xuân đến cầu Lủ thuộc địa bàn quận Hoàng Mai. Đường này đã được đưa vào sử dụng hơn ba năm, hệ thống điện chiếu sáng, thoát nước, vỉa hè đã hoàn thiện đồng bộ, nhưng đến nay, tuyến đường vẫn chưa có tên, mỗi nhà ven đường ghi một địa chỉ khác nhau. Đếm sơ sơ trên một đoạn đường dài chừng hơn trăm mét, phóng viên đã thấy 5 tên đường như: Phố Khương Trung mới, phố Khương Hạ mới, phố Khương Đình mới rồi lại là đường Bờ sông, đường cầu Lủ mới... Tên gọi không thống nhất, số nhà lộn xộn, đó là thực trạng của tuyến đường nêu trên!

Tại đường Lê Văn Lương, đoạn từ điểm giao cắt với phố Láng Hạ l đến Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính lại có tình trạng một con số được sử dụng cho nhiều ngôi nhà. Nhiều nhà ở cả hai bên tuyến đường này đều mang số lẻ - những số "tiến" theo quan niệm của giới kinh doanh. Những số đẹp như số 1, 9, 21 liên tiếp bị "đụng hàng", từ kinh doanh nhà hàng ăn uống đến sửa chữa, lắp đặt nội thất ô tô. Cùng một dãy liền kề nhưng số to đứng cạnh số nhỏ, số chẵn chen vào số lẻ. Một vài cửa hàng thậm chí còn "rinh" luôn biển hiệu từ nơi khác đến, sửa mỗi tên đường, còn số nhà vẫn giữ nguyên. Tại một số tuyến đường cũ, số nhà đã ổn định từ nhiều năm nay như đường Hoàng Quốc Việt (phía điểm giao cắt với đường Phạm Văn Đồng) vẫn có hàng loạt nhà mang biển số 2, trong khi cách nhau hàng trăm mét. Xa hơn chút nữa, phía dãy lẻ có đến bốn ngôi nhà cùng mang số 99. Đường Lê Duẩn cũng có hàng loạt ngôi nhà mang số 7, còn ở phố Nguyễn Quý Đức, quận Thanh Xuân, ai muốn tìm đến những nhà mang số 1, 3, 5 thì sau một hồi lòng vòng sẽ tìm được... cả chục nhà!

Lý giải nguyên nhân tình trạng trên, ông Nguyễn Viết Quân, Phòng Quản lý nhà & Kinh doanh bất động sản - Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, nguyên tắc là phải có tên đường, tên phố mới được đánh số nhà. Cụ thể như tuyến đường ven sông Tô Lịch đã được đề cập ở trên, vì chưa có tên đường nên các gia đình ven tuyến đường này tự ghi tên, đánh số tùy tiện. Hay như đường Lê Văn Lương, đường đã có tên nhưng chưa hoàn thiện, hai bên đường là đất trống của nhiều dự án lớn. Khu vực có nhà chủ yếu là kiốt bán hàng, chưa đủ điều kiện để cơ quan chức năng đánh số nhà theo quy định nên người dân tự chọn số, không theo trật tự nào. Còn tình trạng một con số được dùng cho nhiều ngôi nhà trên những tuyến đường đã được đánh số ổn định nhiều năm nay có nguồn gốc từ quá trình sử dụng đất. Khu vực đó vốn là đất cơ quan nhưng được phân chia hoặc cho thuê. Các cá nhân sau đó xây dựng nhà riêng lẻ nhưng vẫn sử dụng biển số nhà cũ. Để khắc phục tình trạng trên, Phòng Quản lý đô thị của UBND các quận, huyện phối hợp với chính quyền cấp phường, xã sẽ phải khảo sát, lên phương án đánh số, trình Sở Xây dựng thẩm định sau đó mới triển khai việc gắn biển số nhà đồng bộ theo quy định hiện hành.

Được biết, từ năm 1996, thành phố đã có Quyết định số 2761/QĐ-UB, ban hành Quy chế quản lý đánh số và gắn biển số nhà tại Hà Nội. Việc triển khai đánh số nhà được thực hiện từ năm 1997 đến năm 2006, khi Quy chế đánh số và gắn biển số nhà của Bộ Xây dựng được ban hành, Hà Nội đã hoàn thành việc đánh số nhà tại bốn quận nội thành cũ. Các quận, huyện còn lại được thực hiện tiếp theo quy định của Bộ Xây dựng, bên cạnh việc áp dụng linh hoạt những đặc thù của Hà Nội như đường, phố dài, nhiều ngõ ngách, hẻm... Cũng theo thông tin từ Sở Xây dựng, trong năm 2010, Sở sẽ có văn bản trình UBND thành phố kiến nghị điều chỉnh các quy định về việc đánh, gắn biển số nhà cho phù hợp với điều kiện của Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính, sự xuất hiện đồng loạt của các khu đô thị mới. Hy vọng thời gian tới, việc đánh số và gắn biển số nhà sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả, chấm dứt tình trạng loạn số nhà như hiện nay, tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch cũng như góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗi khổ nhà trùng số, phố nhiều tên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.