(HNM) - Từ ngày 8-5, Thông tư 14/2012/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức có hiệu lực thi hành. Thông tư này quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế là trần lãi suất huy động cộng với 3%. Nói ngắn gọn là lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa tại thời điểm này là 15%/năm.
Hiện nay, lãi suất giao dịch bình quân bằng đồng Việt Nam trên thị trường liên ngân hàng ở mức rất thấp, kỳ hạn 1 tuần chỉ còn 3,91%/năm, vay qua đêm ở mức 6,91%/năm, kỳ hạn 1 tháng là 7,7%/năm, kỳ hạn 3 tháng là 11,35%/năm... Điều đó đồng nghĩa với việc vốn khả dụng của các ngân hàng khá dồi dào, mà nói cách khác là các ngân hàng đang... thừa tiền. Tuy nhiên, theo nhận xét của các chuyên gia trong lĩnh vực này thì việc thừa tiền hoặc... thừa quá nhiều tiền đối với các ngân hàng thương mại không phải là một tín hiệu đáng mừng.
Phải chăng các ngân hàng đang muốn giữ tiền, không muốn cho vay? Thực tế không phải như vậy.
Trong khi một số ngân hàng đưa ra ý kiến là khả năng hấp thụ vốn của các DN vẫn còn hạn chế thì các DN thuộc diện đối tượng được vay vốn theo quy định của Thông tư 14/2012/TT-NHNN lại cho biết rằng rất khó tiếp cận nguồn vốn vay bởi sự rườm rà, phức tạp của các thủ tục hành chính. Vẫn biết, các quy định của Ngân hàng Nhà nước đưa ra là phải chặt chẽ, hạn chế tới mức thấp nhất những lỗ hổng, kẽ hở có nguy cơ bị lợi dụng, có như vậy mới phòng ngừa được tình trạng nợ xấu, bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Song theo khảo sát cụ thể của Ngân hàng Á Châu thì chỉ có 30-35% DN nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, 30% các DN cho rằng khó tiếp cận, số còn lại thì không thể tiếp cận được nguồn vốn...
Như vậy có nghĩa là 1/3 số DN nhỏ và vừa có thể tiếp cận nguồn vốn. Nhưng điều oái oăm lại ở chỗ, nhiều DN thuộc diện này có tâm lý chờ đợi lãi suất giảm tiếp thì mới vay. Một số DN khác chưa muốn vay tiền của ngân hàng vì thời điểm hiện tại làm ăn quá khó khăn, khó có thể tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thế nên "ông" có tiền, cứ... ôm tiền, "ông" khát vốn cứ hô hào khó tiếp cận nguồn vốn. Khi ngân hàng và DN đều giữ "thế thủ", điều nguy hiểm là đồng tiền… chết, không thể lưu thông, sinh lợi nhuận. Sự trì trệ đó sẽ tác động tiêu cực tới xã hội.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2012 nêu rõ: "Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và có hiệu quả; chỉ đạo quyết liệt để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng". Do đó, để chính sách tiền tệ có thể phát huy hiệu quả, nhanh chóng giải quyết tình trạng "kẻ khát vốn, người... thừa tiền", ngành chức năng cần theo dõi chặt chẽ mọi biến động của thị trường, nắm vững tâm lý của khối ngân hàng và các DN, từ đó có những điều chỉnh phù hợp để dòng tiền tệ có thể "chảy" tới đúng những địa điểm có nhu cầu, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hồi phục và phát triển, tạo nguồn của cải cho xã hội và việc làm cho người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.