Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi giữ gìn văn hóa Việt

Bùi Nguyệt| 28/05/2012 07:20

(HNM) - Trung tuần tháng 4 vừa qua, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) TP Chemnitz đã tổ chức cuộc họp mặt lần thứ 8 tại một nhà hàng Việt Nam có cái tên


Được thành lập tháng 12-2007 với mục đích giữ gìn tiếng Việt và văn hóa Việt, Hội VHNT TP Chemnitz không chỉ là nơi hội tụ những người yêu thơ mà cả những ai quan tâm đến Việt Nam. Những người đến với hội không nhất thiết phải là nhà văn, nhà thơ mà có thể chỉ đến nghe và góp phần cho sinh hoạt vui hơn. Những người đến với hội có thể đọc thơ mình sáng tác, đàn, hát những bài hát mình thích, hay đưa ra vấn đề tranh luận. Sinh hoạt của Hội luôn được trân trọng nên thành viên mỗi ngày một đông và đoàn kết hơn.

Các thành viên Hội Văn học nghệ thuật TP Chemnitz (Đức) trong lần sinh hoạt gần đây nhất.


Trong buổi gặp mới đây, "Chiều thơ xuân" được đón tiếp một anh bạn người Đức rất có thiện cảm với văn hóa và con người Việt Nam tên là Michael Liebig, đến từ TP Leipzig. Anh đã trình bày bài thơ "Gefunden" của nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng vĩ đại người Đức Johann Wolfgang von Goethe. Bài thơ đã được chị Lý, một thành viên của CLB thơ Leipzig dịch sang    tiếng Việt. Ông Nguyễn Thế Tuyền, Hội trưởng Hội VHNT TP Chemnitz nói: "Chúng ta tổ chức Chiều thơ vào những ngày đẹp nhất trong năm, phần lớn các loài hoa nở mùa này. Có lẽ chúng sống gấp để bù lại những ngày tháng băng giá, những ngày bị vặt trụi lá. Cảnh sắc thiên nhiên mùa này làm cho con người đỡ cáu bẳn hơn, nhân ái hơn và ý thơ cũng nảy mầm nhiều hơn. Hội thơ của chúng ta không lớn, không có điều kiện để sinh hoạt thường xuyên nhưng nhìn lại 7 lần gặp mặt, lần nào cũng thiếu thời gian, lần nào cũng chẳng muốn chia tay. Hôm nay là lần đầu tiên chúng tôi mời khách thơ đến dự. Những người chủ sẽ đón các bạn bằng một sự chân tình của người Việt đón người Việt, bằng ngôn ngữ và tâm hồn Việt để cùng nhau gìn giữ hồn Việt trên xứ sở không phải là đất Việt".

Từ khi khai mạc đến lúc chia tay, không khí cuộc gặp lúc nào cũng đầm ấm, lưu luyến và quyện tụ. Nhiều tiết mục thơ ca được trình diễn ngoài chương trình đăng ký bởi những cảm xúc bột phát không thể không hát, không thể không đọc thơ, không thể không có lời chia sẻ. Nhân dịp này, bà Bùi Nguyệt đã giới thiệu tập thơ "Hồn núi" sắp ra mắt độc giả. Anh Huy Tiến giới thiệu hồi ức thời quân ngũ, được ghi lại bằng hai ngôn ngữ Việt - Đức, thể hiện sự mong mỏi tìm lại đồng đội cũ đã phiêu dạt 36 năm qua. Anh còn cống hiến cho Chiều thơ tiết mục độc tấu đàn bầu đặc sắc. Khách thơ đến từ Leipzig đóng góp cho Chiều thơ tiếng sáo thánh thót, giọng ngâm thơ truyền cảm lưu luyến và ở lại đến phút cuối cùng. Các thành viên khác như Sa Huỳnh, Hồng Trang và Anh Tuấn (Berlin) mang đến Chiều thơ tình yêu con người, yêu cuộc sống và đặc biệt là tình yêu đất nước Việt Nam, làm cho không khí lặng đi hồi lâu. Bài thơ "Tiếng ru" của Thanh Giang gây xúc động mạnh, những giọt nước mắt của tình mẫu tử lăn vội trên gò má.

Mục đích của Chiều thơ không chỉ là giải trí mà còn truyền cho những người tham dự một thông điệp về tính quyện tụ của người Việt sống xa quê và trách nhiệm giữ gìn hồn Việt nơi xứ người. Vì thế Chiều thơ xuân đã tạo được sự đầm ấm bác ái và để lại dấu ấn. Sau khi thổi tắt 8 ngọn nến, biểu tượng cho 8 lần gặp mặt, Chiều thơ xuân đã kết thúc nhưng không ai muốn chia tay. Ca sĩ Duy Hảo, đồng thời là MC của chương trình cầm micro và hát vang "Cuộc đời vẫn đẹp sao"... Tất cả đứng lên vừa hát vừa vỗ tay hồi lâu trước khi chia tay. Nhiều người nói với chúng tôi rằng: Lâu lắm rồi mới có được một buổi chiều như thế!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nơi giữ gìn văn hóa Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.